Quy hoạch Phân khu N9 được Hà Nội phê duyệt có quy mô 2.290 ha; trong đó diện tích thuộc địa giới hành chính huyện Đông Anh khoảng 807,5 ha, huyện Gia Lâm khoảng 1482,5 ha; đất xây dựng trong phạm vi dân dụng khoảng 1.969,05 ha, đất xây dựng ngoài phạm vi dân dụng khoảng 320,95 ha.
Xem thêm: Bản đồ quy hoạch Hà Nội mới nhất
Dân số đến năm 2030 là 180.000 người, đến năm 2050 là 200.000 người.
Theo quyết định, khu vực nghiên cứu Phân khu N9 nằm ở phía Đông Bắc đô thị trung tâm Hà Nội thuộc địa giới hành chính thị trấn Yên Viên, các xã Yên Viên, Yên Thường, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Dương Hà, Phù Đổng, huyện Gia Lâm và các xã Dục Tú, Mai Lâm, Đông Hội, huyện Đông Anh.
Phía Tây Bắc là tuyến đường nối cầu Tứ Liên với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; phía Nam và Tây Nam là đường đê sông Đuống; phía Đông là đường Vành đai 3, qua cầu Phù Đổng đi Lạng Sơn; phía Đông Bắc là Phân khu đô thị GN khu vực huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm.
Trong Phân khu N9 sẽ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan gồm 7 khu vực với 28 ô quy hoạch và đường giao thông; định hướng phát triển đô thị phù hợp với cảnh quan thiên nhiên hiện có, khai thác cảnh quan mặt nước sông Đuống tạo thành khu đô thị ven sông, kết nối với hệ thống hành lang xanh sông Đuống, sông Ngũ Huyện Khê, sông Hà Bắc, sông Thiếp - Cổ Loa với chức năng du lịch sinh thái và giải trí.
Bố cục không gian kiến trúc toàn phân khu được định hướng phù hợp với cảnh quan thiên nhiên hiện có, bao gồm hệ thống mặt nước, sông, hồ, tạo kết nối không gian xanh giữa các khu vực hành lang xanh, khu di tích Cổ Loa, Đền Đô, khu di tích văn hóa lịch sử Phù Đồng. Tổ chức không gian cao tầng dọc các trục chính đô thị và một số điểm nhấn. Không gian trong phân khu thấp dần về phía bờ sông Đuống và khu vực Cổ Loa.
Khu vực trong tâm là không gian phần trung tâm, tổ chức theo hình thức đảo tròn với các công trình trọng tâm, có độ phù hợp với khống chế chiều cao vùng ảnh hưởng loa bay sân bay Gia Lâm.
Các tuyến quan trọng là không gian hai bên trục chính đô thị, Quốc lộ 1A, 1B, Quốc lộ 3, tuyến đường 5 kéo dài và tuyến đường cầu Tứ Liên đi Vành đai 3.
Các điểm nhấn và điểm nhìn quan trọng nằm dọc theo tuyến đường 5 kéo dài, đường Hà Huy Tập, tuyến đường cầu Tứ Liên đi Vành đai 3 và giao điểm của các tuyến đường này với đường trục lõi đô thị.
Về quy hoạch giao thông, giao thông đối ngoại gồm tuyến đường sắt Yên Viên – Đông Anh, tuyến đường sắt Hà Nội – Yên Viên, ga Yên Viên và khu đề pô hiện có sẽ được mở rộng thành ga đầu mối phía Bắc với các hướng đi Lạng Sơn, Kép – Hạ Long, Lào Cai – Côn Minh và Thái Nguyên.
Khi đường Vành đai 4 chưa khép tuyến, tuyến Vành đai 3 phía Đông Bắc và nằm ngoài phạm vi lập quy hoạch có chức năng là tuyến giao thông đối ngoại.
Trong phạm vi phân khu quy hoạch có hai tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi và tuyến đường sắt đô thị số 4 nối dọc theo dải phân cách trung tâm của tuyến đường 5 kéo dài.
Các đường trục chính đô thị gồm tuyến đường 5 kéo dài, tuyến đường cầu Tứ Liên – Quốc lộ 3. Đường chính đô thị gồm các tuyến Quốc lộ 3 cũ, Quốc lộ 1 cũ, tuyến đường nối từ khu đô thị Việt Hưng qua sông Đuống đến khu đô thị mới Tân Tạo.
Phần lớn quỹ đất thuộc phân khu đô thị nằm trong quy hoạch xây dựng đợt đầu – đến năm 2030. Một phần được phát triển ở giai đoạn dài hạn đến năm 2050.
Một số dự án hạ tầng xã hội và đô thị ưu tiên đầu tư gồm hoàn thiện dự án hạ tầng xã hội do địa phương đang triển khai, dự án xây dựng tổ hợp y tế đa chức năng và dự án trường giáo dục đào tạo, dự án cụm công trình công cộng thương mại dịch vụ ga Yên Viên và khu thương mại tài chính tại Dương Hà.
Dưới đây là bản đồ quy hoạch sử dụng đất và bản đồ quy hoạch giao thông Phân khu N9, tỷ lệ 1/5.000:
Xem bản đồ quy hoạch sử dụng đất Phân khu N9 tại đây.