Theo quy hoạch, phân khu H2-3 có diện tích đất phát triển đô thị khoảng 2.237 ha với quy mô dân số khoảng 258 nghìn người.
Phân khu nằm ở phía Tây Nam đô thị trung tâm, trong khu vực nội đô mở rộng thuộc địa giới hành chính các phường Thượng Đình, Khương Trung, Khương Mai, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Nam, Khương Đình, Hạ Đình, Kim Giang, Phương Liệt, quận Thanh Xuân; phường Định Công, Hoàng Liệt, Đại Kim, Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai; phường Văn Quán, Phúc La, quận Hà Đông; các xã Tân Triều, Thanh Liệt, Tam Hiệp và thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Phía Bắc phân khu giáp đường Vành đai 2 (đường Trường Chinh, quận Đống Đa); phía Nam giáp vành đai xanh sông Nhuệ (trùng ranh giới phân khu GS); phía Đông giáp Quốc lộ 1A (đường Giải Phóng); phía Tây giáp Quốc lộ 6 (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân; đường Trần Phú, quận Hà Đông).
Phân khu đô thị H2-3 nằm trong khu vực nội đô mở rộng (từ Vành đai 2 đến Vành đai xanh sông Nhuệ), là một trong 4 phân khu đô thị phía Tây và phía Nam đường Vành đai 2 có vai trò là các trung tâm văn hóa, hành chính tập trung, dịch vụ - thương mại cấp thành phố.
Quy tắc tổng thể mặt bằng sử dụng đất bao gồm đất ở xây dựng, đất hạ tầng xã hội, bãi đổ xe, đất công cộng, đất trường học, đất dành cho các công trình văn hóa lịch sử và đất quốc phòng, an ninh.
Đối với cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cở sở giáo dục đại học trên địa bàn không phù hợp với quy hoạch sẽ được di dời ra khỏi khu vực nội thành.
Các trường học trong mỗi khu vực trong phân khu được bố trí tại trung tâm nhằm đảm bảo đủ phục vụ cho học sinh trong khu ở và các khu lân cận.
Phân khu sẽ được phát triển theo hình thái tự nhiên, bao gồm hệ thống mặt nước và sông hồ hiện có: sông Tô Lịch, sô Lừ, hồ Linh Đàm, hồ Định Công, hồ Đầm Hồng, hồ Phương Liệt, hồ Hạ Đình…
Ngoài ra, phân khu được quy hoạch theo hướng các khu nhà cao tầng theo các trục chính đô thị: Nguyễn Trãi – Quốc lộ 6, đường Tôn Thất Tùng kéo dài, đường Giải Phóng, đường Trường Chinh, đường Vành Đai 2,5 và Vành đai 3.
Đường Vành đai 3 dưới thấp từ ngõ 66 Kim Giang đến nút giao Nguyễn Trãi dài khoảng 1,5 km nằm trong phân khu H2-3. Đoạn đường này thường xảy ra ùn tắc. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).
Hệ thống giao thông đô thị trong Phân khu H2-3 gồm tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện có dọc phía Tây đường Giải Phóng sẽ được nâng cấp thành đường sắt quốc gia kết hợp với đường sắt đô thị.
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 và các nhà ga trên tuyến (các ga Phương Liệt, Giáp Bát và Hoàng Liệt) đi nổi trên cầu cạn cùng tuyến đường sắt quốc gia. Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông cà các nhà ga trên tuyến (các ga Đại học Quốc Gia, Vành Đai 3, Thanh Xuân 3, bến xe Hà Đông) đi nổi trên cầu cạn dọc theo đường Trần Phú – Nguyễn Trãi.
Thêm vào đó, quy hoạch mặt bằng các tuyến đường sắt đô thị số 2, số 4, số 8, tuyến tàu điện một ray (monorail) M2 (Mai Dịch – Mỹ Đình – Văn Mỗ – Phúc La; Giáp Bát – Thanh Liệt – Phú Lương).
Các tuyến đường cấp đô thị phân khu H2-3 bao gồm đường Nguyễn Xiển – Nghiêm Xuân Yêm – Hoàng Liệt (Vành đai 3); đường Trần Phú – Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6); đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A); đường Hà Nội – Xuân Mai (đoạn từ đường Vành Đai 2 đến sông Nhuệ); đường Trường Chinh.
Theo quy hoạch chung được Chính phủ phê duyệt, Phân khu H2-3 nằm trong quy hoạch phát triển đợt đầu của Hà Nội, có ga Giáp Bát, các tuyến giao thông quan trọng như đường Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Tôn Thất Tùng kéo dài, đường Vành đai 2, Vành đai 2.5, Vành đai 3 là động lực thúc đẩy phát triển đô thị.
Đối với khu vực xây dựng đợt đầu, cơ bản đến năm 2030 sẽ hoàn thiện về hạ tầng, kiến trúc. Đối với khu vực xây dựng đợt sau đến năm 2050 sẽ hoàn thiện tất cả các hạng mục khác.
Dưới đây là bản đồ quy hoạch sử dụng đất và bản đồ quy hoạch giao thông Phân khu H2-3, tỷ lệ 1/2.000:
Xem bản đồ quy hoạch sử dụng đất Phân khu H2-3 tại đây.