Video Những công trình hạ tầng giao thông lớn ở Hà Nội dự kiến hoàn thành năm 2022.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được UBND thành phố phê duyệt vào tháng 4/2009, phê duyệt điều chỉnh vào tháng 6/2013.
Tổng chiều dài tuyến chính 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km, đường sắt khổ 1.435 mm, 8 ga trên cao, 4 ga ngầm.
Điểm đầu tại Nhổn - theo quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - Nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với đường vành đai 2) - Kim Mã - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối Ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).
Tổng mức đầu tư dự án là 783 triệu euro, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 1.176 triệu euro, nguồn vốn từ vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ và vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội.
Tiến độ chung metro Nhổn - ga Hà Nội hiện đạt khoảng 74%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 89,41%, do nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nên chưa đưa vào khai thác đoạn trên cao theo kế hoạch và dự kiến sẽ phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành đoạn ngầm và toàn tuyến.
Về công tác giải phóng mặt bằng, đối với đoạn trên cao, đến nay đã hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu thi công từ năm 2014.
Đối với các ga ngầm, trong tổng số 186.522 m2 (gồm 185.879 m2 và 643 m2 theo thu hồi đất bổ sung), đã thu hồi 186.464 m2 (chiếm 99.97%). Phần diện tích còn lại chưa được thu hồi là 57,62 m2 tại các ga S9 và S11.
Tháng 11/2021, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết đoạn trên cao dự án đường sắt này dự kiến khai thác vào cuối năm 2022.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 nhằm nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2 của thành phố; tăng cường khả năng lưu thông giữa 2 bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố.
Đồng thời, cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo ATGT, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.
Đây là công trình giao thông cầu đường bộ cấp I, được xây dựng về phía hạ lưu song song cầu giai đoạn I, tim cầu giai đoạn 2 nằm song song, cách tim cầu giao đoạn 1 về phía hạ lưu sông Hồng 21,25 m với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1.
Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473 m; Điểm cầu Km0+840 (giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai), điểm cuối Km4+312,62 (giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh). Mặt cắt ngang cầu rộng 19,25m (4 làn xe). Chiều cao tĩnh không 11 m, khẩu độ thông thuyền B>85m.
Dự án nằm tại quận Long Biên, quận Hai Bà Trưng, trong năm 2020-2022, tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng 2.035 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố.
Tính tới tháng 1/2022, các nhà thầu đã hoàn thành 558/562 cọc khoan nhồi; đổ bê tông 56/61 bệ trụ; đúc 217/396 phiến dầm Super T và lắp đặt được 20/44 nhịp dầm Super T…
Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở được khởi công tháng 4/2018, với tổng mức đầu tư hơn 9.459 tỷ đồng. Tháng 11/2020, đoạn tuyến từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng đã thông xe.
Đoạn vành đai 2 còn lại từ Ngã Tư Vọng đến Vĩnh Tuy dài hơn 3 km đang gấp rút thi công. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 được khởi công tháng 10/2020. Đây là dự án thuộc nhóm B, được xây dựng tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu có tổng chiều dài hầm và gờ chắn 2 đầu hầm là 475 m.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 698 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là hơn 532 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách thành phố. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào quý IV/2022.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến khoảng 18 tháng, sau khi hoàn thành nút giao sẽ có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại, thay vì 8 làn xe như hiện nay. Hầm chui Lê Văn Lương -Vành đai 3 được kỳ vọng sẽ giải quyết xung đột giao thông tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, giảm ô nhiễm môi trường trong đô thị, từng bước hoàn chỉnh giao thông theo quy hoạch được duyệt.
Hiện, dự án đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 (thi công xây dựng và di chuyển các công trình ngầm nổi) để chuyển sang giai đoạn 2 là thi công xây dựng gờ chắn, tường chắn, 8/10 đốt hầm hở, 3/5 đốt hầm kín và hạ tầng đồng bộ.
Giai đoạn 2 sẽ thi công trong 7 tháng, dự kiến kết thúc vào ngày 30/4/2021. Sau đó, chuyển sang giai đoạn 3 thi công hoàn thành nốt hai đốt hầm hở, hai đốt hầm kín và hoàn thiện các hạng mục cuối cùng của dự án trong thời gian 4 tháng.