Trong bối cảnh nhiều khách sạn buộc phải sang nhượng lại vì không thể duy trì được hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một bộ phận nhà đầu tư mạnh vốn đã nhanh tay mua lại để chờ kinh doanh sau mùa dịch.
Đây được xem là một “bài toán” kinh doanh vừa giúp tiết kiệm chi phí bỏ ra ban đầu, vừa thúc đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Tuy nhiên, để quá trình sang nhượng diễn ra an toàn và suôn sẻ, nhà đầu tư cần nắm rõ các thủ tục sang nhượng theo quy định của pháp luật.
Sang nhượng khách sạn là gì?
Sang nhượng khách sạn là hình thức chuyển giao quyền sở hữu khách sạn từ chính chủ sở hữu cho một người khác (đơn vị khác) đứng tên thông qua các thủ tục pháp lí theo quy định của pháp luật.
Các thủ tục sang nhượng khách sạn
1. Thủ tục thay đổi đăng kí kinh doanh
Theo nguyên tắc chuyển nhượng, việc đăng kí kinh doanh được thực hiện tại đâu thì tiến hành thay đổi đăng kí kinh doanh tại địa điểm đó.
• Trường hợp nhận chuyển nhượng khách sạn từ hộ kinh doanh cá thể
Theo quy định của pháp luật hiện nay, đối với những trường hợp nhận chuyển nhượng khách sạn từ hộ kinh doanh cá thể thì cần phải chuẩn bị đủ hồ sơ như sau:
- Thông báo thay đổi đại diện theo pháp luật của hộ kinh doanh cá thể.
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người thay thế làm đại diện theo pháp luật của hộ kinh doanh cá thể (Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu).
- Quyết định thay đổi người đại diện hợp pháp của chủ hộ kinh doanh cá thể.
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế.
- Bản sao công chứng văn bản xác nhận vốn pháp định (nếu có).
- Hợp đồng sang nhượng khách sạn.
- Mục lục hồ sơ (ghi theo thứ tự trên).
- Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ.
Mua lại khách sạn sang nhượng được xem là một “bài toán” kinh doanh vừa giúp tiết kiệm chi phí
bỏ ra ban đầu, vừa thúc đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Ảnh: Internet
• Trường hợp nhận chuyển nhượng khách sạn từ doanh nghiệp, hồ sơ thủ tục bao gồm:
- Quyết định Chủ sở hữu/ hội đồng thành viên/đại hội đồng cổ đông;
- Biên bản họp hội đồng thành viên/đại hội đồng cổ đông (đối với loại hình TNHH hai thành viên trở lên và Cổ đông);
- Giấy đăng kí kinh doanh bản sao có chứng thực;
- Hợp đồng thanh lí;
- Biên bản thanh lí;
- Chứng minh nhân dân chứng thực của thành viên/cổ đông liên quan.
- Thông báo thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp theo mẫu sẵn có.
Sau khi đã thay đổi đăng kí kinh doanh thì tiến hành thay đổi người đại diện pháp luật. Thời hạn giải quyết các thủ tục trên không quá 3 ngày làm việc kể từ khi cơ quan chuyên trách nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
2. Thủ tục về giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy
Theo Khoản 3, Điều 49, Nghị định 79/2014/NĐ – CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và Chữa cháy và Luật Phòng cháy và Chữa cháy chữa sửa đổi: “Trường hợp cơ sở kinh doanh có sự thay đổi về người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật thì doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đó phải làm hồ sơ gửi cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy đã cấp giấy xác nhận trước đó để cấp lại hoặc đổi giấy xác nhận mới”.
Hồ sơ yêu cầu đổi hoặc cấp lại giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy bao gồm:
- Đơn đề nghị đổi giấy xác nhận.
- Bản sao hợp lệ (kèm bản chính đối chiếu) giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp sau khi đã thay đổi thông tin sở hữu.
Thời hạn giải quyết yêu cầu đổi hoặc cấp lại giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy không quá 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Thủ tục về giấy xác nhận đủ điều kiện an ninh – trật tự
Ngành khách sạn là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện cho nên khi sang nhượng khách sạn cần phải làm thủ tục đề nghị đổi hoặc cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện an ninh - trật tự. Thủ tục này cũng được thực hiện bởi cơ quan chuyên trách đã cấp trước đó.
Hồ sơ cấp đổi bao gồm:
- Văn bản đề nghị nêu rõ lí do
- Bản sao hợp lệ các tài liệu liên quan cần thiết phải thực hiện việc đổi hoặc cấp lại.
Thời gian giải quyết hồ sơ trong vòng 7 ngày làm việc.
Để quá trình sang nhượng khách sạn diễn ra an toàn và suôn sẻ, nhà đầu tư cần nắm rõ các
thủ tục sang nhượng theo quy định của pháp luật. Ảnh: Internet
Những lưu ý không thể bỏ qua khi nhận sang nhượng khách sạn
• Kiểm tra kỹ hồ sơ và các loại giấy tờ liên quan
Trước khi nhận chuyển nhượng khách sạn cần phải kiểm tra thật kỹ lưỡng hồ sơ, các loại giấy tờ kinh doanh liên quan có đảm bảo tính pháp lí hay không…. để tránh khả năng bị lừa đảo sang nhượng khách sạn cùng một lúc cho nhiều người, sang nhượng khách sạn không chính chủ… Nếu không am hiểu nhiều về các thủ tục pháp lí này, nhà đầu tư nên tìm đến người có chuyên môn tư vấn, hỗ trợ.
• Định giá chính xác giá trị của khách sạn
Khi sang nhượng khách sạn, thông thường chủ sở hữu sẽ chuyển giao lại toàn bộ hệ thống cơ cở vật chất, trang thiết bị, nội thất của khách sạn… lại cho người mua. Chính vì vậy, người nhận chuyển nhượng cần liệt kê thật chi tiết, cụ thể về số lượng, tình trạng sử dụng các tài sản, cơ sở vật chất để làm cơ sở sở so sánh, định giá cho hợp lí. Nên tham khảo giá sang nhượng khách sạn cùng loại để tránh bị "sập bẫy" mua giá cao do định giá sang nhượng thiếu chính xác.
• Lập các điều khoản hợp đồng thật chi tiết
Sau khi đã xem xét, kiểm tra kỹ lưỡng các loại giấy và đã thỏa thuận được mức giá sang nhượng thì hai bên tiến hành thảo hợp đồng với những điều khoản quy định thật chi tiết như: Giá chuyển nhượng; các tài sản – cơ sở vật chất kèm theo; quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên; phương thức thanh toán: lộ trình thời gian thanh toán; thời hạn sang nhượng; điều khoản giải quyết vi phạm hợp đồng, điều kiện chấm dứt hợp đồng, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng… Việc lập các điều khoản hợp đồng càng chi tiết sẽ càng tốt, tránh những tranh chấp về sau vì mọi thông tin đều được thể hiện trên hợp đồng mà hai bên đã kí kết. Lưu ý, hợp đồng kí kết phải có chữ kí của hai bên và nên có công chứng để đảm bảo tốt hơn về giá trị pháp lí.
• Tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật
Quá trình thực hiện việc sang nhượng khách sạn cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lí hiện hành. Để đảm bảo quá trình này không xảy ra sai sót, tốt nhất nên nhờ đến sự hỗ trợ của Luật sư hoặc những người am hiểu pháp luật.