Những tiểu xảo của nhà trường và doanh nghiệp liên kết nhằm che mắt phụ huynh

Các trường Tiểu học bố trí thời khóa biểu như ép buộc phụ huynh và doanh nghiệp "hoán cải" chương trình tăng tính giải trí để khai thác tâm lý của trẻ em.

LTS: Tiếp tục đề cập đến những bất cập trong dạy liên kết ngoại ngữ, trong bài viết này chúng tôi làm rõ những tiểu xảo của doanh nghiệp và nhà trường nhằm che mắt các bậc phụ huynh.

Nói đúng hơn, hiện công tác dạy ngoại ngữ liên kết đang theo kiểu đánh lừa phụ huynh mà đại đa số không nhận thức được điều này.

Thậm chí, có dấu hiệu cho thấy có trường cắt bỏ, "hoán cải" chương trình theo hướng giải trí nhiều hơn là dạy học thực thụ.

Phụ huynh lơ mơ về chương trình học của con

Tìm hiểu thêm về học liên kết ngoại ngữ, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiến hành phỏng vấn nhiều phụ huynh học sinh về chương trình mà con em họ đang theo học.

Tuy nhiên, gần như các phụ huynh không nắm được điều này, nếu có biết thì cũng rất mơ hồ.

Anh Đào V. H. phụ huynh có con học lớp 2 ở Trường Tiểu học Thái Thịnh, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ rằng:

“Nói thật khi hỏi đến chương trình ngoại ngữ liên kết tôi mới nhớ là ở trường con mình cũng được học.

Nhưng không biết, cái chương trình cụ thể đó như thế nào?”.

nhung tieu xao cua nha truong va doanh nghiep lien ket nham che mat phu huynh
Nhiều phụ huynh cho con học ngoại ngữ liên kết nhưng không biết chương trình con mình đang theo học (ảnh Trinh Phúc).

“Thường sách vở các cháu để lại trường không mang về nhà. Chị Nguyễn T. P. có con học ở trường Tiểu học Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội còn không nhớ giáo trình học của con mình hình thù ra sao nữa, chị P. tâm sự:

Về hỏi cháu học ngoại ngữ thế nào thì cháu bảo cô cho điểm 10.

Cũng vì điểm tiếng Anh liên kết của các con không tính vào điểm tổng kết năm nên tôi thiếu chú ý”.

Quá trình thu thập thông tin cho thấy, phụ huynh không thực sự quan tâm đến chương trình ngoại ngữ liên kết nhưng đa số lại đăng ký cho con tham gia học rất đông.

Số lượng học sinh tham gia học ngoại ngữ có trường lên đến gần nghìn học sinh.

Bàn về lý do vì sao học sinh tham gia học ngoại ngữ liên kết đông như vậy, chị Nguyễn T.P. lập luận rằng:

“Phụ huynh trong lớp người ta đăng ký trong khi con mình không đăng ký thì áy náy”.

Thậm chí, chị Trần P.H, có con học tại trường một trường Tiểu học ở quận Ba Đình có quan điểm:

“Nhà trường dạy liên kết ngoại ngữ như hiện nay nên việc có gần 100% các em học sinh tham gia học là chuyện đương nhiên.

Vì, lịch học tiếng Anh được trường bố trí vào giữa buổi học, em nào không học thì ra lảng vảng bên ngoài, khi nào tiết học tiếng Anh xong thì mới vào lớp học.

Phụ huynh vì thế không ai nỡ để con mình thua kém bạn. Hơn nữa, học phí chỉ có khoảng 150.000 đồng/ tháng nên cố theo.

Con gái tôi học liên kết ngoai ngữ 2 năm rồi nhưng hỏi đến tiếng Anh chỉ biết được vài từ à”.

nhung tieu xao cua nha truong va doanh nghiep lien ket nham che mat phu huynh
Phụ huynh rất khó để giám sát việc dạy và học ngoại ngữ liên kết (ảnh Trinh Phúc, nguồn giaodục.net.vn).

Trước thực trạng, nhiều học sinh đầu tư cho con học nhiều chương trình ngoại ngữ mà không được kết quả như ý, một phụ huynh đã liên hệ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm:

"Rút kinh nghiệm, con tôi không cho đi học ngoại ngữ một cách bừa bãi như nhiều phụ huynh hiện nay.

Việc học nhiều chương trình, học hổ lốn thế chắc chắn con cái sẽ dốt ngoại ngữ.

Con tôi, cứ chương trình chính khóa học đầy đủ nghiêm túc, thi Trung học Phổ thông được 7,0. Vào Đại học kiểm tra tiếng Anh đầu vào đạt luôn chuẩn B1 châu Âu (520 điểm).

Do đó, các vị phụ huynh đừng vì thấy con người ta học, con mình không học mà sốt ruột”.

Dạy học mà như diễn văn nghệ?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về ý nghĩa của việc dạy học ngoại ngữ liên kết, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào Tạo Hà Nội cho rằng:

“Khi học ngoại ngữ liên kết, học sinh được thực hành thống nhất một chủ đề, chủ điểm xoay quanh các nội dung, tài liệu sách giáo khoa học sinh đang học chính khóa tại trường.

Học sinh được tăng cường kỹ năng nghe nói để bảo đảm phát triển đồng đều 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết.

Trên cơ sở đó bảo đảm học sinh khi học xong cấp tiểu học đạt kết quả đầu ra theo chuẩn Khung tham chiếu Chung Châu Âu về Ngôn ngữ”.

Nhưng với những gì phóng viên thu thập được, có lẽ chuẩn chung Châu Âu về ngôn ngữ còn lâu mới đạt được nếu tồn tại cách học như hiện nay.

Vì nhiều chương trình nên cách học tiếng Anh liên kết mỗi nơi mỗi phách, không đâu giống đâu.

Có chương trình rất đơn giản, doanh nghiệp liên kết đến cài đặt các phần mềm học vào phòng máy hay cung cấp các băng đĩa cho giáo viên.

Học sinh khi tham gia học đến giờ chỉ việc ngồi vào máy, nghe và luyện.

Nói về cách học này, Anh Trần Quang Tuấn một chuyên viên về tiếng Anh chia sẻ rằng:

“Nhiều doanh nghiệp nói là dạy liên kết, chương trình Anh ngữ hàng đầu thế giới tuy nhiên cách dạy học thì đúng là “kỳ qoái”.

Doanh nghiệp chỉ cần cài đặt phần mềm học tập cho học sinh.

Rồi tiến hành tập huấn qua loa, đại khái cho giáo viên tiếng Anh trong trường.

Cứ thế, doanh nghiệp ngồi ở văn phòng, điều khiển mọi hoạt động giảng dạy tại các trường học và thu tiền. Công việc phải nói là nhàn hạ vô cùng.

Với cách dạy học như thế này, một cô giáo có thể dạy được 100 học sinh mà không mất chút sức.

Nói là dạy học nhưng thực ra đang trông trẻ thì đúng hơn.

Trong khi đó, những phần mềm định sẵn các bài học hiện giờ có thể tải miễn phí trên các trang mạng Internet.

Tôi thực sự không hiểu, nếu muốn tổ chức cách dạy học kiểu này thì tội gì liên kết với doanh nghiệp cho tốn tiền mà không tự đứng ra tổ chức?”.

Chương trình ngoại ngữ liên kết chỉ mang tính chất bổ trợ nên việc dạy và học được tiến hành theo kiểu tùy hứng.

Nhiều lúc, mang tiếng là giáo viên đứng lớp nhưng chỉ việc sử dụng VCD, CD-Rom, ti vi, đầu DVD bật lên chiếu màn hình cho học sinh xem.

Một số chương trình ngoại ngữ liên kết được thiết kế trên cơ sở người học phải có kỹ năng sử dụng Công nghệ thông tin, phần mềm dạy học.

Tuy nhiên, đối với các em học sinh cấp Tiểu học thì những kỹ năng đó chưa được đào tạo cơ bản nên việc tự học là rất mù mờ.

Nhiều doanh nghiệp nhanh nhạy hơn, khai thác triệt để tâm lý thích chơi hơn học của trẻ em nên tiết học chả khác nào diễn hoạt cảnh.

Điều này đồng nghĩa, chương trình đăng ký một đường nhưng dạy học lại tiến hành một nẻo.

Cháu Trần Anh H. tại một trường Tiểu học ở quận Đống Đa kể lại việc học tiếng Anh ở trường vào dịpHalloween như sau:

“Cả lớp đang ngồi thì bỗng nhiên một người mang mặt nạ quỷ chạy vào và theo sau đó là một phù thủy mỏ nhọn.

Các bạn đang run lẩy bẩy, nhưng lát sau nhận biết phù thủy và quỷ là do thầy cô giáo hóa trang, cháu và các bạn rất là vui khi được tham gia trò chơi hóa trang ạ”.

Việc tổ chức trò chơi trong các buổi học liên kết ngoại ngữ có thể nói là các chiêu “diễn tuồng” với đủ các vở kịch tự tạo.

Các doanh nghiệp nắm bắt tâm lý các em học sinh tiểu học thích vui chơi hơn học nên tăng cường diễn trò trong tiết học.

Chương trình mang tiếng là đã được đăng ký nhưng vào giảng dạy thực tế thì mặc sức cắt bỏ để thay thế vào đó là các hoạt động nặng về tình giải trí.

Chị Nguyễn T.O, có con học ở trường Tiểu học Nam Thành Công cho biết:

“Con chị và nhiều cháu nữa rất thích các trò chơi, khi học ngoại ngữ liên kết với thầy cô giáo ngoại quốc mang tính giải trí rất cao nên chúng rất thích”.

Có thể nói rằng, việc học sinh thích chơi hơn học, còn phụ huynh thấy con cái vui thì chiều nên có doanh nghiệp được thể “cải hoán" chương trình bất chấp chương trình đã được cấp phép cụ thể.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.