Những tín hiệu lạc quan của thị trường văn phòng Hà Nội

Theo Savills, thị trường văn phòng Hà Nội bắt đầu có tín hiệu phục hồi tốt kể từ quí II. So với các thành phố lớn trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, thị trường văn phòng Hà Nội được kì vọng có tốc độ phục hồi nhanh sau đại dịch.

Báo cáo vừa công bố của Savills cho thấy, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục làm gián đoạn quá trình khách hàng nước ngoài tìm kiếm và khảo sát mặt bằng tại Việt Nam. Các khách thuê từ trước đó cũng có xu hướng thu hẹp qui mô kinh doanh, cắt giảm chi phí dẫn tới việc trả lại mặt bằng vẫn còn xu hướng tăng lên.

Tại thị trường Hà Nội, để giảm thiểu các chi phí cố định trong và sau dịch bệnh, nhiều khách thuê có xu hướng chuyển đổi từ việc sử dụng văn phòng truyền thống qua sử dụng văn phòng dịch vụ linh hoạt. Theo dữ liệu của Savills, việc sử dụng văn phòng dịch vụ giúp khách thuê tiết kiệm đến 90% chi phí so với việc thuê văn phòng truyền thống như trước đây.

Theo Savills, tính đến tháng 9/2020, thị trường văn phòng Hà Nội chứng kiến sự sụt giảm nhất định về nguồn cầu tại một số phân khúc. Tuy nhiên, tổng nguồn cung vẫn đạt khoảng 1,8 triệu m2, ổn định theo quí và tăng theo năm với hầu hết dự án nằm ở khu vực giữa và phía Tây thành phố.

Những tín hiệu lạc quan của thị trường văn phòng Hà Nội - Ảnh 1.

Ông Lê Tuấn Bình, Trưởng Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội. (Ảnh: Savills)

Ông Lê Tuấn Bình, Trưởng Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết, Hà Nội vẫn là một thị trường có sức hút và khá ổn định trong bối cảnh hầu hết các thành phố lớn trong khu vực có mức giá thuê văn phòng (đặc biệt là phân khúc hạng A) giảm mạnh.

"Trong khu vực ASEAN, giá thuê tại Hà Nội chỉ xếp sau Singapore, giảm chỉ 1% so với cùng kì năm trước, công suất đạt 94%. Đây là tín hiệu tốt cho thấy thị trường văn phòng Hà Nội có tiềm năng phục hồi lớn sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát", ông Bình nhận định.

Cũng theo ông Bình, với những tín hiệu khả quan của thị trường thời gian gần đây, cùng các điều chỉnh và nới lỏng chính sách thuê từ phía các chủ nhà đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho các khách thuê khi tìm kiếm mặt bằng và đàm phán các thỏa thuận thuê. 

Tuy nhiên, khách thuê cũng cần lưu tâm đặc biệt tới đặc điểm của thị trường và các thủ tục pháp lí có liên quan.

Cụ thể, vị chuyên gia này cho biết, ở góc độ thị trường, khách thuê cần nắm rõ được thông tin hiện trạng thị trường tại khu vực đang hướng đến, bởi thị trường tại mỗi khu vực sẽ khác nhau về giá thuê trung bình, tỉ lệ lấp đầy mặt bằng, nguồn cung,… 

Các thông tin này sẽ giúp khách thuê xác định rõ được nhu cầu và các nguồn lực có phù hợp với thực tế tình hình thị trường tại khu vực đó hay không.

Còn trên phương diện pháp lí, việc có hiểu biết về luật cũng như nắm rõ các thủ tục pháp lí liên quan đến hợp đồng hay thỏa thuận thuê là rất cần thiết. Việc này giúp khách thuê đảm bảo quyền lợi của mình trong suốt quá trình đàm phán hợp đồng hoặc khi phát sinh các vấn đề sau quá trình kí kết hợp đồng.

Theo chuyên gia Savills, trong thời gian tới, Hà Nội được dự báo sẽ tiếp tục thu hút nguồn FDI lớn và nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố có lượng FDI cao nhất cả nước với việc được Chính phủ xác định là địa phương đi đầu trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. 

Bên cạnh đó, hàng loạt hiệp định thương mại tự do được kí kết và có hiệu lực trong thời gian tới, gần đây nhất là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là những bàn đạp tốt để phân khúc văn phòng phục hồi và phát triển. 

"So với các thành phố lớn trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, thị trường văn phòng tại Hà Nội vẫn được kì vọng có tốc độ phục hồi nhanh sau đại dịch. Đặc biệt là vào nửa cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 với nhiều dự án mới đi vào hoạt động và sự mở rộng danh mục đầu tư vào thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp lớn ngoài nước", ông Bình nhấn mạnh.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.