Nikkei: Trung Quốc tìm kiếm đồng minh châu Á để tránh bị quốc tế cô lập

Đối mặt với phản ứng ngày càng dữ dội từ Mỹ và châu Âu về Hong Kong, Trung Quốc đang tìm cách củng cố quan hệ với các người láng giềng châu Á để tránh bị quốc tế cô lập.
Trung Quốc tìm kiếm đồng minh châu Á để kháng cự lại Mỹ - Ảnh 1.

Ông Tập muốn tránh để Trung Quốc rơi vào thế bị cô lập ngoại giao. (Ảnh: Reuters)

Hôm 22/8, các quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì và cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon đã nhất trí rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến thăm Hàn Quốc ngay khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Ông Dương là quan chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc kể từ khi khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tờ Nikkei Asian Review cho biết. 

Trung Quốc đang phải hứng chịu chỉ trích nặng nề từ các nước phương Tây như Mỹ, Anh và Australia vì việc thực thi luật an ninh quốc gia Hong Kong. Trước tình cảnh này, Bắc Kinh quyết định xoay sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore để tìm kiếm sự trợ giúp ngoại giao.

Tuy nhiên, chiến lược của Trung Quốc chưa chắc đã thành công do không phải nước láng giềng nào cũng sẵn sàng bị kéo vào xung đột giữa Bắc Kinh và Washington.

"Chủ tịch Tập sẽ ưu tiên tới thăm Hàn Quốc", ông Dương cho biết. Thời gian cụ thể sẽ được xác định trong tương lai.

Lần cuối cùng ông Tập tới thăm Hàn Quốc là tháng 7/2014.

Trung Quốc tìm kiếm đồng minh châu Á để kháng cự lại Mỹ - Ảnh 2.

Ông Dương Khiết Trì (trái) nói chuyện với ông Suh Hoon ngày 22/8 (Ảnh: Yonhap)

Trong cuộc gặp gỡ hôm 22/8, ông Dương đề cập đến tình hình hiện tại với Mỹ và giải thích lập trường của Bắc Kinh. Ông cũng nói về mối quan hệ của Trung Quốc với Hàn Quốc. "Quan hệ song phương đang phát triển với tốc độ đáng kể. Là những nước láng giềng và đối tác quan trọng của nhau, chúng ta nên tiếp tục hợp tác", ông Dương kêu gọi.

Ông Suh đáp lại: "Sự thịnh vượng chung và hợp tác hữu nghị giữa Mỹ và Trung Quốc rất quan trọng đối với sự hòa thuận và thịnh vượng tại Đông Bắc Á cũng như thế giới".

Hàn Quốc hoan nghênh động thái hữu nghị từ Trung Quốc. Nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên đã bị đình trệ. Quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng sau khi ông Trump yêu cầu Hàn Quốc phải tăng mức đóng góp để trả chi phí của binh sĩ Mỹ đang đóng quân trên đất nước này.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc và là nhân tố quan trọng đối với công cuộc hồi phục kinh tế của nước này. Mối quan hệ giữa hai nước bị rạn nứt vào năm 2016 khi Tổng thống Park Geun-hye cho phép việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.

Trong cuộc hội đàm, ông Dương và ông Suh cũng thảo luận về khả năng mở hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc trong năm nay. Tuy nhiên, các thông tin được Hàn Quốc công bố sau buổi họp không nhắc đến lịch trình cho cuộc hội nghị ba bên.

Trước khi tới Hàn Quốc, ông Dương đã đến thăm Singapore và gặp mặt Thủ tướng Lý Hiển Long. Ông Dương hứa sẽ tăng cường hợp tác với Singapore và các nước ASEAN khác, tờ Tân Hoa Xã đưa tin.

Singapore đang phải thận trọng để tìm ra điểm cân bằng trong chính sách ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng do 70% dân số Singapore là người gốc Trung Quốc, chính phủ nước này muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng đang cố gắng cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Ngư dân Trung Quốc đã được chỉ đạo không đến gần khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Trong lễ kỉ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ngày 15/8, 4 thành viên nội các Nhật Bản đến thăm Đền Yasukuni, nơi thờ phụng những người lính tử trận. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc đã kiềm chế đưa ra những lời chỉ trích gay gắt.

Nhưng Trung Quốc có thể buộc các nước châu Á phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington trong các vấn đề từ luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong cho đến việc mua các sản phẩm của Huawei.

Nếu trong chuyến thăm của ông Tập, Hàn Quốc tuyên bố ủng hộ Trung Quốc thì mối quan hệ của nước này với Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Chính phủ Hàn Quốc chưa bày tỏ rõ lập trường của mình về Hong Kong, Huawei hoặc ứng dụng chia sẻ video TikTok mà Washington đe dọa sẽ cấm.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.