Ngày 12/10, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Ninh Thuận nằm trong vùng có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn với giá trị tổng xạ mặt trời vào khoảng 5,5kW/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.800h, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều.
Tính đến tháng 6/2020, có 34 dự án điện mặt trời (ĐMT) và 13 dự án điện gió được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn trên 88.782 tỉ đồng. Hiện có 23 dự án ĐMT đi vào hoạt động, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có 31 dự án ĐMT hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng công suất 2.473,6MW, sản xuất khoảng 5.038 tỉ kWh/năm.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Hậu, PCT UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, với việc thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, liên tục những năm qua tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng luôn là hai con số. Việc tăng trưởng của ngành công nghiệp – xây dựng cũng thúc đẩy các ngành khác tăng trưởng theo như du lịch, dịch vụ…
Theo ông Hậu, 9 tháng năm 2020, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước đạt tăng 11% so cùng kì nhờ sự đóng góp rất lớn của ngành năng lượng. Tuy nhiên, quá trình đầu tư các dự án nhà máy ĐMT, điện gió gặp không ít khó khăn, một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất là vấn đề giải tỏa công suất các máy điện tái tạo cũng như các cơ chế, chính sách cho ngành năng lương tái tạo nói chung.
Tiến sĩ Vũ Minh Pháp, Viện Khoa học năng lượng cũng cho rằng Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời tốt nhất trong cả nước và đến nay đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên để có thể phát triển bền vững và trở thành trung tâm năng lượng sạch trong cả nước thì cần các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai dự án cho các nhà đầu tư.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm các tuyến đường dây tải điện mới để các nhà máy phát huy tối đa công suất.
Tiến sĩ Vũ Minh Pháp cũng đề nghị Ninh Thuận quan tâm đến việc phát triển điện mặt trời áp mái. "Theo tính toán Ninh Thuận có thể tiếp nhận 357,14MW từ nguồn ĐMT áp mái từ hệ thống 22kV lên lưới điện 110kV thông qua cá trạm biến áp 110kV cần tính toán giải phóng công suất của các nhà máy đấu nối lên lưới 110kV và tăng khả năng tải của các đường dây 110kV liên kết cấp điện cho các trạm 110kV", TS Pháp cho biết.
Theo Tiến sĩ Đoàn Văn Bình, Viện Khoa học năng lượng, cần có bộ tiêu chí đánh giá trung tâm năng lượng tái tạo Ninh Thuận. Bộ tiêu chí phải được xây dựng với mục tiêu làm công cụ để nhận biết Ninh Thuận là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Để xây dựng bộ tiêu chí này, cần thiết làm rõ mục tiêu nghiên cứu, đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu, đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu…