Tại cuộc họp đánh giá tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011-2018 và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nửa đầu năm nay, Bộ Tài chính đã tiết lộ tỉ lệ nợ nước ngoài của Việt Nam so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thời gian qua có xu hướng tăng.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2011-2017, chỉ tiêu nợ nước ngoài của cả nước so với GDP có xu hướng tăng nhanh, bình quân tăng 16,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP 13%/năm trong cùng giai đoạn.
Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân là các khoản tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng bắt nguồn từ nhu cầu vốn tăng cao.
Năm 2018, tổng nợ nước ngoài của cả nước so với GDP là 46%. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Đến cuối năm 2017, nợ nước ngoài so với GDP sát ngưỡng 50% được Quốc hội cho phép, cụ thể ở mức 48,9%.
Cuối năm 2018, tổng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP giảm xuống còn khoảng 46%. Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ còn 19,3% GPD, nợ nước ngoài của Chính phủ bảo lãnh còn 4,4% GDP, nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp còn 22,3% GDP.
Tỉ lệ trả nợ so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ khoảng 25%, bảo đảm các quy định và thông lệ quốc tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia dưới mức trần được Quốc hội cho phép là không quá 50% và đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Đặc biệt, nợ nước ngoài của Chính phủ giảm rất mạnh, tốc độ tăng nợ rất thấp. Riêng nợ nước ngoài Chính phủ bảo lãnh chiếm tỷ trọng nhỏ và xu hướng giảm.
Phó Thủ tướng cho biết quy mô nợ nước ngoài quốc gia tăng nhanh, chủ yếu là nợ của doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng theo hình thức tự vay tự trả chiếm khoảng 48,4% tổng nợ nước ngoài quốc gia so với tỉ lệ 25,6% năm 2011 và 40,4% của năm 2016.
"Việc tăng nợ nước ngoài quốc gia tuy đáp ứng được nhu cầu vốn và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng nhưng cũng tác động tới khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra.
Ông yêu cầu các bộ, ngành tăng cường điều hành, quản lí nợ theo quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn nợ công nói chung và nợ nước ngoài của quốc gia nói riêng cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Phó Thủ tướng, việc này còn giúp bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nói chung chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn tự thân của doanh nghiệp, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết nửa đầu năm nay, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 116.085 tỉ đồng, tăng 7,4% so với cùng kì. Trong đó, ngân hàng thương mại phát hành 36.700 tỉ đồng, tương ứng 36%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 19%, công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại là các doanh nghiệp khác.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo Luật chứng khoán. (Ảnh: VGP).
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trung bình 9,5%-11%/năm, chênh lệch tối đa 0,5% so với mức cho vay phổ biến của các ngân hàng thương mại.
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới hết tháng 6/2019 có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá trái phiếu doanh nghiệp nửa đầu năm nay giúp từng bước hình thành kênh cung vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho vay của ngân hàng thương mại…
Kì hạn phát hành trái phiếu doanh nghiệp dài (kì hạn 5 năm chiếm 66% tổng khối lượng phát hành), các nhà đầu tư chủ yếu là nhà đầu tư có tổ chức, tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 6,1%.
Tuy nhiên, ông cho rằng nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ có rủi ro. Đơn cử, lãi suất một số đợt phát hành cao từ 13-14%, cá biệt có doanh nghiệp bất động sản phát hành tới 14-15% cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng.
Phó Thủ tướng cho rằng các tổ chức phát hành hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích rủi ro…
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo Luật chứng khoán, trong đó rà soát quy định cụ thể phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực phân tích tài chính và khả năng đánh giá rủi ro.