Bức tranh nợ xấu nửa đầu năm 2019: Mỗi ngày ngân hàng Việt gánh thêm 37,6 tỉ đồng nợ xấu

Trong 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2019 cho thấy tốc độ tăng nợ xấu bình quân lên đến 8,8%. Trong 6 tháng qua, trung bình mỗi ngày, hệ thống ngân hàng trong nước gánh thêm 37,6 tỉ đồng nợ xấu.

Nhìn toàn cảnh, bức tranh nợ xấu ngân hàng nửa đầu năm 2019 có xu hướng tăng. Cuối năm 2018, nợ xấu của 20 ngân hàng là trên 77.400 tỉ đồng, đến 6 tháng đầu năm 2019, con số này hơn 84.200 tỉ đồng, tăng hơn 6.800 tỉ đồng.

Lãi nghìn tỉ, BIDV, Vietcombank vẫn tăng nợ xấu

BIDV tiếp tục "đội sổ" về tổng giá trị nợ xấu. Trong 6 tháng đầu năm 2019, BIDV vướng 21.121 tỉ đồng nợ xấu, tăng 12,3% so với cuối năm 2018. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn đến 10.492 tỉ đồng, chiếm tới gần 50% tổng nợ xấu của nhà băng này.

Nợ xấu BIDV, Vietinbank, VCB

BIDV, Vietinbank và Vietcombank đều có tỉ lệ nợ có khả năng mất vốn rất lớn. (Đồ họa: Tất Đat).

Vietinbank đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng nợ xấu nửa đầu năm nay, với 13.010 tỉ đồng. Tuy con số này đã giảm 5% so với cuối năm ngoái, nhưng nợ có khả năng mất vốn có tỉ lệ cao hơn cả BIDV, lên đến 56,5% tổng nợ xấu.

Xếp sau đó cũng là những nhà băng có lợi nhuận lớn nửa đầu năm, trong đó có  Vietcombank, với 7.134 tỉ đồng nợ xấu.

Tại Vietcombank, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 6 lần, lên mức 1.670 tỉ đồng, chiếm 23,4% tổng nợ xấu. Nợ có khả năng mất vốn tuy giảm 0,2% nhưng vẫn ở mức 4.762 tỉ đồng, chiếm 67% tổng nợ xấu.

Như vậy, 50% nợ xấu toàn hệ thống thuộc về 3 ngân hàng lớn: BIDV, Vietinbank và Vietcombank. Trong đó, BIDV chiếm đến 1/4 tổng nợ xấu toàn hệ thống.

Cuối năm ngoái, BIDV, Vietinbank và Vietcombank cũng nằm trong danh sách các ngân hàng có nợ xấu lớn. Điểm chung ở cả 3 ngân hàng này là nợ có khả năng mất vốn chiếm tỉ lệ rất cao (khoảng 50%) trong cơ cấu nợ xấu.

Trong khi Vietcombank thông tin đã sạch nợ với VAMC thì khoản nợ ở VAMC vẫn chưa được VietinBank và BIDV công bố. Cuối năm 2018, BIDV còn hơn 14.000 tỉ đồng nợ xấu ở VAMC, VietinBank cũng còn hơn 13.000 tỉ đồng.

Một loạt ngân hàng lợi nhuận tăng mạnh kèm nợ xấu cũng tăng 

Trong danh sách ngân hàng đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm, có đến 15 nhà băng phải gánh thêm nợ xấu, với mức tăng dao động từ 0,8% đến 55,1%. Những ngân hàng có lợi nhuận tăng cao cũng đi kèm nợ xấu lớn.

TPBank tăng mạnh nhất với 55,1% nợ xấu chỉ trong 6 tháng đầu năm nay. Ngân hàng này đang phải đối mặt với 1.336 tỉ đồng nợ xấu.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), "cục" nợ xấu cũng hơn 6.912 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ 2,88%, trong khi cuối năm 2018, ngân hàng này có tỉ lệ nợ xấu là 2,39%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gần 1.000 tỉ đồng và nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng gần 700 tỉ đồng, lên 1.137 tỉ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-03 lúc 14

Về tỉ lệ nợ xấu, VPBank, PG Bank và SHB là 3 nhà băng "đội sổ". (Đồ họa: Tất Đạt).

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) nợ xấu cũng tăng từ tỉ lệ 1,11% cuối năm 2018 lên 1,5% đến 30/6/2019, tương đương gần 1.336 tỉ đồng.

Nợ xấu của Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) cũng tăng từ tỉ lệ 0,94% cuối năm 2018 (277,7 tỉ đồng) lên 1,15% (hơn 356,4 tỉ đồng) đến cuối tháng 6/2019..

Mức tăng nợ xấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) lên đến  34% tổng nợ xấu so với cuối 2018. Theo đó, nhà băng này đang có khoản nợ xấu đến hết quý II/2019 gần 1.726 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của OCB đang là 2,55%, tăng so với mức 2,29% vào cuối năm trước.

Trong số các ngân hàng tăng mạnh về tổng nợ xấu cũng ghi nhận được mức tăng trưởng cho vay khách hàng tương ứng. Như TPBank tăng 15,3%, OCB tăng 20% và SHB tăng 10,6%.

VPBank, PG Bank vượt mức trần về nợ xấu

Về tỉ lệ nợ xấu, VPBank, PG Bank, SHB, OCB, SeABank và Sacombank là 5 cái tên có tỉ lệ trên 2%. Trong đó, VPBank và PG Bank có tỉ lệ nợ xấu lần lượt 3,43% và 3,03%, vượt mức trần 3% của Ngân hàng Nhà nước.

ACB, Bắc Á và Vietcombank là 3 nhà băng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất. Trong đó, ACB và Bắc Á đều dưới 1%. 

Nhìn tổng quan, mặc dù phần lớn các ngân hàng đều tăng về giá trị tuyệt đối của nợ xấu nhưng tỉ lệ nợ xấu ở quá nửa tại các ngân hàng lại giảm. 

Có 12/20 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu giảm từ 0,4% đến 22,6%, còn lại có tỉ lệ nợ xấu tăng từ 3,2% đến 34,6%.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-03 lúc 14

Vietinbank, ACB, VietBank, ABBank và SeABank là các ngân hàng có nợ xấu giảm so với cuối 2018. (Đồ họa: Tất Đạt).

Sacombank giải quyết 11.000 tỉ đồng nợ xấu, Vietinbank cũng xử lí gần 700 tỉ

Về xử lí nợ xấu, có nhiều ngân hàng đáng biểu dương vì đã giảm được nợ so với cuối năm 2018.

SeABank giảm được 7,1% nợ xấu, từ 1.967 tỉ đồng còn 1.827 tỉ đồng. ABBank từ 984 tỉ đồng nợ xấu cuối 2018 giảm còn 931 tỉ đồng nợ xấu, tương đương giảm 5,4%.

 Vietinbank cũng đạt được thành tích đáng kể trong xử lí nợ xấu, khi giảm được 681 tỉ đồng, giảm 5%.

VietBank và ACB lần lượt giảm 3,1% và 1,1% nợ xấu so với cuối năm 2018.

Đáng chú ý, Sacombank trong nữa đầu năm nay đã tăng cường thu hồi nợ xấu và tài sản tồn đọng, với hơn 11.000 tỉ đồng. Lũy kế từ khi triển khai đề án tái cơ cấu đến nay, ngân hàng này đã thu hồi được gần 35.700 tỉ đồng.



chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.