Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, trong quý này, Eximbank chỉ đạt lợi nhuận trước thuế hơn 300 tỉ đồng, giảm gần 50 tỉ so với quý đầu năm và giảm 61 tỉ đồng so với quý II/2018. Lãi ròng đạt gần 241 tỉ đồng, giảm đến 21,6% so với quý cùng kì.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ đạt 651 tỉ đồng, giảm 29,3% so với cùng kì. Kéo theo đó, lãi ròng cũng giảm 216 tỉ đồng, chỉ còn 521 tỉ đồng.
Tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2019 của Eximbank vẫn có nhiều điểm khả quan, khi thu nhập lãi thuần đạt 1.664 tỉ đồng, tăng 10,6% so với cùng kì năm 2018. Lãi từ hoạt động dịch vụ, lãi từ mua bán chứng khoán và lãi từ hoạt động khác đều tăng so với cùng kì. Chỉ riêng lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm mạnh đến 2,9 lần. Chi phí hoạt động tăng 11,5% lên 1.419 tỉ đồng.
Đến 30/6, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 159.600 tỉ đồng, tăng nhẹ 4,5% so với nửa đầu năm 2018.
So với mục tiêu đặt ra năm nay với lợi nhuận trước thuế kì vọng đạt 1.077 tỉ đồng và tổng tài sản đạt trên 181.000 tỉ đồng, hiện Eximbank đã hoàn thành 60,4% chỉ tiêu về lợi nhuận và 88,2% chỉ tiêu về tổng tài sản.
Eximbank mất đà tăng trưởng khi nhân sự cấp cao liên tục rối ren. (Đồ họa: Tất Đạt).
Giải thích về mức sụt giảm này, đại diện Eximbank cho biết do chi phí hoạt động tăng so với cùng kì năm trước, trong đó có khoản chi phí dự phòng rủi ro khác là hơn 26 tỉ đồng. Ngoài ra, do tổng số cán bộ nhân viên bình quân tăng 132 người, dẫn tới chi phí cho cán bộ nhân viên tăng so với cùng kì năm trước. Khoản chi phí này tăng 22,2%, lên 479 tỉ đồng.
Trong quý II/2019, Eximbank cũng được hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng 36 tỉ đồng, do số dư nợ xấu giảm 15,4%, chỉ còn 341 tỉ đồng. Đồng thời, ngân hàng đã thu hồi được một số khoản nợ xấu và hoàn nhập dự phòng rủi ro đã trích đối với các khoản nợ này.
Đến nay, Eximbank là ngân hàng duy nhất chưa tổ chức Đại hội cổ đông năm 2019. Ngân hàng này đã 2 lần tổ chức đại hội vào tháng 4 và tháng 6, nhưng đều bất thành, chưa kể lần đại hội dự kiến tổ chức vào ngày 25/5 nhưng bất ngờ bị huỷ chỉ trước ít ngày.
Từ tháng 3/2019 đến nay, Eximbank liên tục chứng kiến cuộc biến động nhân sự cấp cao. Trước đại hội lần đầu, ngày 22/3 khi bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc. Ông Quốc khiếu nại ra tòa, và bà Tú không thể ngồi ghế chủ tịch như Nghị quyết HĐQT đưa ra.
Cũng vì vậy là trong lần triệu tập đại hội vào tháng 4, số lượng cổ đông tham gia không đủ 57,62% cổ phần có quyền biểu quyết theo điều lệ ngân hàng, đại hội buốc phải tạm hoãn. Đến ngày 14/5, ông Lê Minh Quốc bất ngờ gửi đơn từ nhiệm và sau đó một ngày, Eximbank thông báo chấm dứt hiệu lực nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Quốc và bầu thay thế bà Lương Thị Cẩm Tú.
Ông Cao Xuân Ninh lên nắm chức Chủ tịch HĐQT vẫn không khiến các cổ đông Eximbank hài lòng. (Ảnh: Phúc Huy).
Hơn một tuần sau, ông Cao Xuân Ninh, thành viên HĐQT Eximbank từ giữa tháng 12/2015 đến tháng 4/2016, lại được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Eximbank cũng bổ nhiệm Phó tổng giám đốc thường trực Nguyễn Cảnh Vinh làm quyền Tổng giám đốc thay ông Nguyễn Văn Quyết.
Lần đại hội ngày 21/6, dù có 94% cổ phần có quyền biểu quyết tham gia nhưng các cổ đông lại không thông qua quy chế đại hội, đồng thời phản ứng gay gắt về tính hợp pháp của nghị quyết bầu Chủ tịch HĐQT và Quyền Tổng giám đốc mới, phản ứng tư cách chủ tọa của ông Cao Xuân Ninh. Đại hội lại tạm dừng.
Đầu tháng 7, ông Cao Xuân Ninh xin từ chức, ủy quyền cho Phó Chủ tịch HĐQT Yasuhiro Saitoh. Nhưng những ngày gần đây, trong Nghị quyết số 362 của Eximbank, ông Cao Xuân Ninh lại là người kí với vai trò là Chủ tịch HĐQT.
Đầu tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn yêu cầu Eximbank tiến hành Đại hội cổ đông, đề nghị đại hội đồng cổ đông thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, đảm bảo hoạt động của ngân hàng ổn định, an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật.
Vào ngày 23/7, HĐQT Eximbank cũng bất ngờ thông qua nghị quyết điều chỉnh điều lệ công ty con Eximbank AMC, đồng thời giảm vốn điều lệ công ty này.
Theo đó, mức vốn điều lệ của Eximbank AMC từ 1.700 tỉ đồng đã được điều chỉnh xuống còn 300 tỉ đồng, tức giảm gần 5,6 lần.
Eximbank AMC là công ty con của Eximbank, được thành lập năm 2010, hoạt động chính là tiếp nhận, quản lí các khoản nợ tồn đọng của Eximbank và tài sản bảo đảm nợ vay liên quan các khoản nợ để xử lí, thu hồi vốn; chủ động bán các tài sản đảm bảo nợ vay thuộc quyền định đoạt của Eximbank theo giá thị trường.
Vốn điều lệ đăng kí lần đầu của Eximbank AMC là 300 tỉ đồng. Sau 4 năm hoạt động, năm 2014, vốn điều lệ của công ty này tăng lên mức 1.700 tỉ đồng. Cuối năm 2018, vốn điều lệ được cấp là 955 tỉ đồng.
Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Eximbank AMC đạt 1.024 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 22,3 tỉ đồng, tăng 63% so với năm 2017.
Hiện ông Lê Văn Quyết - cựu Tổng Giám đốc Eximbank, giữ chức Chủ tịch HĐTV Eximbank AMC. Trước đây, ông Cao Xuân Ninh ngồi ghế này.
Kinh doanh 13:27 | 16/11/2019
Kinh doanh 16:50 | 29/10/2019
Kinh doanh 21:51 | 26/10/2019
Kinh doanh 15:55 | 25/10/2019
Kinh doanh 05:58 | 25/10/2019
Kinh doanh 22:50 | 14/10/2019
Kinh doanh 10:23 | 14/09/2019
Kinh doanh 16:13 | 05/08/2019