Vì sao nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Với những khoản vay lợi nhuận càng cao thì rủi ro sẽ càng lớn. Đây là 2 yếu tố luôn luôn song hành nhau.
avatar_1564562744027

Lợi nhuận ngân hàng tăng chủ yếu nhờ vào sự gia tăng tín dụng. Với những khoản vay lợi nhuận càng cao thì rủi ro sẽ càng lớn. (Ảnh: Lao Động).

Dẫn đầu về lợi nhuận đến 11.300 tỉ đồng, nhưng Vietcombank cũng gây bất ngờ khi nợ nhóm 3 – nhóm dưới tiêu chuẩn – đến hết quý II năm nay bất ngờ tăng gấp gần 6 lần so với cuối năm trước.

Ghi nhận cho thấy nợ nhóm 4 và nhóm 5 tại Vietcombank có giảm nhẹ song nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gần 6 lần, từ 291,8 tỉ lên 1.670 tỉ, đưa tổng nợ xấu của Vietcombank tính đến ngày 30/6/2019 là 7.134 tỉ đồng, tăng 911 tỉ đồng (14,64%) so với thời điểm 31/12/2018. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng nhẹ, từ 0,98% (vào cuối năm 2018) lên trên 1,02% vào thời điểm kết thúc quý II/2019.

Không chỉ riêng Vietcombank mà trong nhóm ngân hàng lợi nhuận nghìn tỉ khác cũng ghi nhận mức nợ xấu có dấu hiệu gia tăng đáng kể.

 Cụ thể như MBBank, nợ nhóm 3 tăng đến 73%, LienVietPostbank nợ nhóm 4 tăng gấp 2,7 lần.

Còn tại Sacombank mặc dù nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm mạnh đến hơn 164 tỉ đồng so với đầu năm, nhưng nợ nhóm 3 và nhóm 4 lại tăng lên gần 220 tỉ đồng khiến tổng nợ xấu quý II/2019 tăng khoảng 55 tỉ đồng, đưa tổng nợ xấu lên hơn 5.702 tỉ đồng.

Trường hợp đáng lưu ý nhất là TPBank, khi thời điểm cuối quý II vừa qua ghi nhận nợ nhóm 3 tăng hơn 60%; nợ nhóm 4 tăng gần gấp đôi và nợ nhóm 5 cũng tăng gần 20% khiến tổng nợ xấu tăng tới 55%.

Chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định nợ xấu các ngân hàng gia tăng nguyên nhân chính là khối lượng nợ xấu còn tồn đọng vẫn chưa giải quyết triệt để. Trong khi 2 quý đầu năm 2019, các ngân hàng mạnh tay cho vay, biểu hiện qua việc room tín dụng của các ngân hàng này đã sử dụng hết hoặc gần hết so với chỉ tiêu tín dụng được giao. 

Tín dụng tăng thì đi kèm theo đó là rủi ro nợ xấu cũng gia tăng theo.

Đơn cử như Vietcombank trong 6 tháng đầu năm tăng khoảng 9%, trong khi hạn mức được cấp hồi đầu năm ở mức 15%.

 Sacombank chỉ trong 3 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 5,61%, so với hạn mức được cấp cả năm là 7 % thì ngân hàng này đã sử dụng gần hết. 

Riêng TPBank là ngân hàng có tăng trưởng dư nợ cho vay cao nhất, với mức tăng 9,8% trong quý I/2019. Nếu tính cả các cấu phần khác, dư nợ tín dụng của TPBank tăng khoảng 11%, trong khi hạn mức tín dụng được giao là 13%.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm các ngân hàng Việt Nam hiện nay lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ vào sự gia tăng tín dụng. Với những khoản vay lợi nhuận càng cao thì rủi ro sẽ càng lớn. Đây là 2 yếu tố luôn luôn song hành nhau.

Bà Trần Hải Yến, Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô CTCK Bảo Việt, cho biết các ngân hàng hiện nay đang có xu hướng hướng đến hoạt động bán lẻ, thông qua hình thức đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Đây là lĩnh vực tiềm năng mang lại lợi nhuận cao, bởi những khoản vay này thông thường là vay tín chấp. Chính vì thế, lãi suất sẽ cao mang lại lợi nhuận đáng kể cho các ngân hàng nhưng khả năng trở thành nợ khó đòi cũng tăng cao.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2019 cũng là thời hạn 5 năm mà những đợt trái phiếu đầu tiên do VAMC phát hành đến thời gian đáo hạn. Lượng trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành trong năm 2014 khá lớn cả về giá trị, số lượng. Vì thế, trong 6 tháng đầu năm 2019, nhiều ngân hàng cũng bắt đầu mua lại những khoản nợ này và đưa lại vào bảng cân đối của các ngân hàng.

 Điển hình 1 vài cái tên như Vietcombank, Techcombank, MBBank, OCB, VIB và mới đây ACB là những ngân hàng đã chính thức xóa sạch số nợ xấu được bán cho VAMC trước đây.

 Đây cũng chính là 1 trong những yếu tố dẫn đến nợ xấu của các ngân hàng gia tăng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.