Nhiều hạng mục tại Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Huy Thanh |
Vừa học vừa lo Sau sự cố sập mảng vữa trần, xảy ra vào cuối tháng 10-2017, đến nay, thầy và trò Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) vẫn đang hằng ngày đối mặt với những rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. Ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông cho biết, để hạn chế nguy cơ mất an toàn đối với giáo viên, học sinh, nhà trường đã dịch chuyển địa điểm học của một số lớp, thường xuyên rà soát toàn bộ các hạng mục, trát lại các vết nứt, vỡ trên trần và tường, gia cố những hạng mục bị hư hỏng... Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Chị Hoàng Thị Oanh, phụ huynh học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông trăn trở: “Chúng tôi nghe nói trường được ưu tiên để đẩy sớm tiến độ cải tạo, nâng cấp, vậy mà đã gần 3 tháng trôi qua kể từ sự cố sập mảng vữa trần gần nhất, đến nay, tình hình vẫn chưa có chuyển biến. Điều đáng nói là sự cố này đã tái diễn nhiều lần. Mỗi ngày các con đến trường là mỗi ngày chúng tôi thấp thỏm lo âu...”. Thực trạng trường, lớp học xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cũng diễn ra ở một số trường học trên địa bàn thành phố. Cụm trường THPT thuộc địa bàn Hoàng Mai - Thanh Trì có 6 trường THPT công lập thì 2 trường là Ngọc Hồi và Trương Định xuống cấp trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Hà Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hồi cho biết: Trường có cơ sở vật chất kém nhất trên địa bàn với nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp như phòng học, phòng chức năng, tường rào..., thậm chí nhà để xe cho học sinh cũng không có. Hằng năm, nhà trường đều nỗ lực huy động nguồn lực để cải tạo, sửa chữa song cũng chỉ mang tính chắp vá bởi mọi hạng mục đã quá cũ và lạc hậu. Trường THCS Sơn Công (huyện Ứng Hòa) cũng ở trong tình cảnh tương tự. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Võ lo lắng: “Trường đã có tuổi đời trên 60 năm, hầu hết tường, cửa phòng học đều đã bong tróc, hư hỏng. Năm học 2017-2018, nhà trường dù rất cố gắng sắp xếp cũng chỉ đủ 9 phòng học cho hơn 300 học sinh; phòng chức năng, thư viện, y tế, phòng hội đồng... đều không có; hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên làm việc chung một phòng. Chúng tôi chưa biết sẽ xoay xở ra sao khi số học sinh vào lớp 6 năm học tới tại địa phương được dự báo tăng nhiều...”. Cần sự nỗ lực từ nhiều phía Tổng rà soát cơ sở vật chất là yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với các nhà trường để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm học 2018-2019. Riêng với khối trường THPT, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) nhấn mạnh: “Các trường phải chủ động rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, trên cơ sở đó đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp. Theo dự báo, quy mô học sinh vào lớp 10 trong ba năm tới đây sẽ tăng nhanh với khoảng hơn 60 nghìn học sinh, và riêng năm học 2018-2019 là khoảng 22 nghìn học sinh; quy mô lớp học có thể sẽ cao hơn mức 40 học sinh/lớp ở một số địa bàn, vì vậy, các trường học cần bảo đảm điều kiện đáp ứng”. Theo nhận định chung của hiệu trưởng các nhà trường tại Hà Nội, để giải quyết bài toán có chỗ học an toàn cho học sinh, sự nỗ lực của riêng ngành Giáo dục là chưa đủ. Bà Nguyễn Thị Hà Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hồi dẫn chứng: “Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường đã có từ cách đây 16 năm, song, đến nay vẫn chưa được tiến hành. Cơ sở vật chất của trường không chỉ xuống cấp nghiêm trọng mà trong khuôn viên trường hiện còn một số nhà dân đang sinh sống. Lãnh đạo huyện đã ra quyết định cưỡng chế để di dời các hộ dân này, song vẫn chưa giải quyết được. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh”. Ông Trần Thanh Hùng, phụ huynh học sinh Trường THCS Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) thẳng thắn cho biết: “Con tôi đang chuẩn bị thi vào lớp 10. Dù Trường THPT Ngọc Hồi nằm trong khu vực tuyển sinh, lại gần nhà nhưng tôi rất băn khoăn. Cơ sở vật chất hạn chế chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Gia đình tôi dự tính sẽ đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 cho con sang trường THPT thuộc khu vực tuyển sinh khác”. Về dự án cải tạo các trường học xuống cấp nghiêm trọng, ông Nguyễn Viết Cẩn cho biết, riêng khối trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có 9 dự án trong kế hoạch ưu tiên đã được ghi vốn triển khai trong năm 2018 như THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), THPT Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ), THPT Đông Anh (huyện Đông Anh), THPT Yên Lãng (huyện Mê Linh), Tiểu học Bình Minh, Mầm non B (quận Hoàn Kiếm)... Trường THPT Trần Nhân Tông, Trường THPT Ngọc Hồi cũng nằm trong kế hoạch này. Các dự án đều đang được khẩn trương triển khai theo tiến độ. Căn cứ vào thực trạng của các nhà trường, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương triển khai dự án sửa chữa, chống xuống cấp cho 40 đơn vị (bao gồm cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và 39 trường học) trong năm 2018 với tổng kinh phí 104 tỷ đồng. Kết quả rà soát toàn bộ hiện trạng cơ sở vật chất và yêu cầu nhiệm vụ của cơ sở là căn cứ để lãnh đạo thành phố xác định mức độ ưu tiên, lộ trình triển khai và kinh phí đầu tư cụ thể. Đây là một tín hiệu vui trước mùa tuyển sinh năm học 2018-2019.
Vụ sập lan can tầng 2 trường học: Ai phải bồi thường khi học sinh bị thương?
“Công trình xây dựng đã từ lâu, Hiệu trưởng nhà trường - người quản lý công trình trên, phải có trách nhiệm kiểm tra, giám ... |