Đặc quyền ướp xác trong xã hội Ai Cập cổ đại thường thuộc về các thành viên hoàng tộc, thầy tế, và thú cưng của những người cao quý. Người Ai Cập ướp xác với niềm tin giúp linh hồn và thể xác cùng toàn vẹn đi sang thế giới bên kia. Trong quá trình ướp xác, nội tạng được lấy ra khỏi cơ thể và đặt vào những chiếc bình chôn theo người chết. Não cũng được hút ra ngoài theo đường mũi. Đam mê khám phá mộ cổ Ai Cập, nơi lưu giữ các xác ướp nghìn năm, bắt đầu ở Anh vào thời kỳ Victoria và trở thành trào lưu sau khi Howard Carter và Lord Carnarvon phát hiện lăng mộ vua Tutankhamun năm 1922. Nhờ các cuộc thám hiểm của Carter-Carnarvon cùng hoạt động săn lùng kho báu của giới nhà giàu thời Victoria, Bảo tàng Anh, London, hiện là nơi sở hữu bộ sưu tập các di chỉ khảo cổ Ai Cập lớn nhất ngoài Ai Cập với hai căn phòng chứa đầy xác ướp, trong số này có xác ướp niên đại 5.000 năm. Quan trọng không kém là xác ướp một nữ tu ở Đền Amen-Ra, được cho là bị ếm lời nguyền chết chóc. Bí ẩn bắt đầu khi Thomas Douglas Murray mua xác ướp năm 1889. Murray sau đó hứng chịu một loạt những xủi xẻo nghiêm trọng khiến ông mất cánh tay và chứng kiến nhiều cái chết của bạn bè, đồng nghiệp từng tiếp xúc với xác ướp này. Thậm chí một người khuân vác làm việc trong bảo tàng cũng tử vong sau khi chạm vào lồng chứa xác ướp. Nhiều người khác cho biết họ nghe những la hét và rên rỉ phát từ xác ướp này lúc đêm khuya. Ngoài bảo tàng Anh, người đam mê xác ướp Ai Cập có thể quan sát các mẫu vật ở Bảo tàng Manchester, Bảo tàng Nghệ thuật ở New York, Mỹ, Bảo tàng Hoàng gia Ontaria ở Toronto, Canada, Bảo tàng Louvre, Pháp, Bảo tàng Ai Cập và giấy Papyrus ở Đức, Bảo tàng Egizio ở Turin, Italy và Bảo tàng Ai Cập ở Ấn Độ. Ảnh: BBC |
Trong tiếng Nhật, Sokushinbutsu mang nghĩa tự ướp xác. Nghi thức này được các thầy tu Nhật bắt đầu thực hiện từ năm 1000 đến 1800 sau Công nguyên với mong muốn thi thể được lưu giữ sẽ mở ra cánh cửa giữa con người với thế giới những linh hồn. Tự ướp xác là một quy trình gian nan, bắt đầu bằng việc các nhà sư dần cắt nguồn dưỡng chất cho cơ thể nhằm giảm số lượng vi trùng có thể phân huỷ cơ thể sau khi chết. Suốt thời gian này, họ tuân theo chế độ ăn khắc nghiệt gồm hạt, trái cây, sau đó chỉ còn ăn vỏ và rễ cây kèm theo trà độc. Họ tự nhốt mình trong một ngôi mộ kín, oxy được cung cấp qua một ống khí nhỏ để các nhà sư tiếp tục thở cho tới khi chết trong tư thế thiền hoa sen. Sau khi được xác nhận ướp xác thành công, nhà sư sẽ được tôn là Phật và thờ phụng trong chùa. Năm 1877, chính phủ Nhật Bản chính thức cấm Sokushinbutsu vì cho rằng nghi thức này giống "tự sát tín ngưỡng" vốn không được luật pháp nước này công nhận. Nỗ lực tự ướp xác cuối cùng thuộc về nhà sư Tetsuryukai. Các đệ tử sau đó phải thay đổi ngày giờ qua đời của ông sang trước khi luật có hiệu lực để không phạm pháp. Thi thể nhà sư tự ướp xác thành công được thờ trong các ngôi chùa Nhật Bản như Nangaky, chùa Dainichi-Boo, núi Yudono tỉnh Dewa hay chùa Kaikokuji ở thành phố Sakata. Ảnh: Amusing Planet |
Nhà thờ Sedlec Ossuary, Cộng hoà Czech, là địa danh thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới vì chứa tới 40.000 bộ xương người. Xương người xuất hiện ở mọi góc nhà thờ, đóng vai trò là vật trang trí. Nổi bật nhất tại đây là đèn chùm từ xương và sọ ngay sảnh trung tâm nhà thờ. Biểu tượng huy hiệu của gia đình Schwarzenberg làm từ xương cũng là một tác phẩm ấn tượng khác. Lịch sử Sedlec Ossuary có thể được truy nguyên từ năm 1278 khi Vua Otakar II của Bohemia phái một trưởng tu viện ở Sedlec tới Jerusalem hành hương. Khi trở về, trưởng tu viện mang theo hũ chứa đất thánh và rắc xung quanh nghĩa trang nhà thờ địa phương. Câu chuyện lan truyền khiến mọi người dân ở Czech lúc đó đều mong muốn được chôn cất tại đây. Thế kỷ thứ 14, đại dịch cái chết đen tràn lan cướp đi sinh mạng của rất nhiều cư dân châu Âu, các nạn nhân vì muốn được nằm lại bên cạnh đất thánh và Chúa đã tìm tới Sedlec trước khi chết khiến nghĩa trang nhà thờ trở nên quá tải. Thế kỷ thứ 15, Nhà thờ Sedlec Ossuary được xây dựng làm nơi chứa các bộ hài cốt được khai quật từ nghĩa trang cho tới năm 1870, khi nhà điêu khắc gỗ Frantisek Rint được đưa tới nhà thờ để sắp đặt lại các bộ xương người. Theo Listverse, Sedlec Ossuary hay thường được gọi là Nhà thờ xương, là một trong những khu vực lâu đời nhất trên thế giới lưu giữ hài cốt bằng nghệ thuật sắp đặt bậc thầy. Những người quản lý nhà thờ gọi đây là nơi chốn "bình yên" và tin rằng nhà thờ đã tôn trọng di nguyện nằm gần đất thánh của người thiên cổ. Ảnh: Pudelek |
Triển lãm xác người (Body World) ở Đức là sự kết hợp giữa nghệ thuật, khoa học và cả yếu tố rùng rợn. Các mẫu vật trong triển lãm được bày trí theo nhiều tư thế như chạy, tập yoga hay vượt rào giúp người xem hiểu được hoạt động của các búi cơ trong cơ thể. Tới nay, triễn lãm được giới thiệu lưu động khắp nơi trên thế giới song bộ sưu tập gốc và phòng thí nghiệm nằm cố định ở Guben, bang Brandenburd, Đức. Cha đẻ của triển lãm gây tranh cãi là Gunther von Hagens, người phát minh kỹ thuật nhựa hoá thi thể, được mệnh danh là "Bác sĩ tử thần". Theo quy trình này, nước và chất béo sẽ được tách khỏi các mô, nội tạng hay các phần cơ thể, thay vào đó là chất nhựa dẻo đặc biệt. Nhờ đó, nội tạng và các phần cơ thể trở nên cứng hơn, phục vụ cho nghiên cứu trực tiếp của bác sĩ và sinh viên y khoa. Sau khi giảng dạy kỹ thuật nhựa hoá thi thể tại các trường đại học, von Hagens bắt đầu dự án thương mại hoá phát minh của mình bằng cách tạo ra một bộ sưu tập xác người để công chúng chiêm ngưỡng. Trong suốt 20 năm kể từ khi ra đời, triển lãm của von Hagens đối mặt hàng loạt chỉ trích. Các nhà lãnh đạo tôn giáo, một số chính trị gia và tổ chức xã hội cho rằng đây là hành động phi đạo đức. Đáp trả, von Hagen khẳng định tất cả xác chết nhựa hoá đều được hiến tự nguyện thông qua chương trình nêu rõ mục đích sử dụng thi thể sau khi người hiến qua đời. Hiện trong danh sách hiến tặng cho các triển lãm tương lai của Bác sĩ tử thần có tới 15.000 người. Theo von Hagen, mất hơn 75.000 USD để nhựa hoá xong một xác chết. Trong đó, chi phí cho phần đầu khoảng 16.000 USD, các nội tạng khác khoảng 2.700USD/bộ phận, tuỳ thuộc kích cỡ và hiện trạng. Dù vậy, vé tham quan chỉ được bán với giá 13 USD/người trưởng thành. Ảnh: RT |
Hầm mộ Paris (Catacombes de Paris) là hệ thống đường hầm dài 320 km nằm ngay bên dưới những đường phố sầm uất của thủ đô Paris hoa lệ. Được mệnh danh là Đế chế người chết, Hầm mộ Paris lưu giữ khoảng 6 triệu bộ hài cốt được di dời từ các nghĩa trang ở Paris từ năm 1786 đến năm 1860 do tình trạng quá tải và lo ngại việc chôn cất gần khu dân cư ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người. Chính quyền Paris chỉ mở cửa cho người dân và du khách tham quan một số khu vực của hầm mộ ngầm, phần lớn diện tích còn lại đều bị nghiêm cấm xâm phạm. Tuy nhiên, những người ưa mạo hiểm vẫn tìm cách xâm nhập thông qua đường hầm và lối vào bí mật. Không khí ghê rợn và bóng tối thăm thẳm ở vương quốc người chết tại Paris khiến nơi này trở thành tâm điểm của hàng loạt thuyết âm mưu, trong đó có lời đồn về những thi thể chưa thối rữa hoặc cổng địa ngục nằm trong khu vực cấm. Ảnh: Smithsonian Magazine |
Tollund Man là một trong những xác ướp đầm lầy nguyên vẹn nhất từ trước đến nay. Được phát hiện năm 1950 trong một đầm lầy ở Jutland, Đan Mạch, xác ướp ban đầu được cho là nạn nhân một vụ giết người mới xảy ra vì thi hài hầu như còn nguyên vẹn. Với sợi dây vòng quanh cổ, các nhà khoa học nhận định người đàn ông chết vì bị treo cổ. Các vết tích của bữa ăn cuối cùng là cháo yến mạch cũng được tìm thấy trong ruột non nạn nhân. Qua khám nghiệm răng và xương, Tollund Man được xác định qua đời khi 30 tuổi vào năm 350 trước Công nguyên. Xác ướp vẫn lưu giữ được tóc, thắt lưng cùng chiếc mũ da cừu chóp nhọn buộc quanh cổ. Dù Tollund Man có chiều dài 162 cm, các nhà khoa học tin rằng người đàn ông thực sự cao hơn bởi cơ thể bị co lại trong thời gian vùi dưới đầm lầy. Các nội tạng như não, dạ dày, ruột non, phổi và tim còn nguyên vẹn đến khó tin sau đó được lấy ra khỏi thi hài và chuyển về bệnh viện Bispebjerg ở Copenhagen để nghiên cứu sâu hơn. Một ngón tay toàn vẹn nhất của xác ướp cũng được cắt ra và lấy dấu vân tay năm 1976, trở thành mẫu vân tay nhiều tuổi nhất thế giới. Tollund Man hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Silkeborg, Đan Mạch. Ảnh: Alchetron |
Bảo tàng Barts Pathology ở Anh là nơi trưng bày hơn 5.000 mẫu vật được lấy từ cơ thể người. Bảo tàng độc nhất vô nhị này thường triển lãm theo chủ đề vào những dịp đặc biệt. Chẳng hạn, du khách sẽ được quan sát các trái tim vào Lễ tình nhân hoặc chiêm ngưỡng thi thể nghi của ma cà rồng vào dịp Halloween. Theo Listverse, các phần cơ thể người được thu thập từ những người bệnh ở các thời điểm khác nhau trong lịch sử. Nhờ đó, du khách có thể đi ngược quá khứ để tìm hiểu những căn bệnh phổ biến và cách thức chữa trị trong mỗi giai đoạn. Một số thi thể hoặc nội tạng cũng được lấy từ các phạm nhân bị tử hình bằng treo cổ. Trong bộ sưu tập rưng bày tạo bảo tàng có gót sen của một phụ nữ Trung Quốc bị bó chân năm 1862, bộ xương của một người treo cổ năm 1926, cùng hộp sọ của John Bellingham, người ám sát Thủ tướng Anh bị xử tử năm 1812. Bảo tàng Barts Pathology công bố luật lệ nghiêm ngặt về tôn trọng các thi hài, phương pháp tiếp nhận, xử lý các bộ phận cơ thể được trưng bày nên ít chịu chỉ trích hơn Triển lãm xác người ở Đức. Đây là địa điểm cung cấp nguồn tư liệu dồi dào cho các sinh viên y khoa và y bác sĩ của Đại học Queen Mary, London. Ảnh: Thingstodo |
Xác ướp của Vladimir Lenin, lãnh tụ Bolshevik, được đặt trong quan tài bằng kính tại Lăng Lenin ở Quảng trường Đỏ, Moscow. Sau khi từ trần vào năm 1924, thi hài Lenin được ướp theo quy trình nghiêm ngặt. Vào lúc đông đảo nhất có tới 200 nhà khoa học tham gia vào quy trình bảo quan thi hài Lenin. Theo Listverse, nội tạng đã được lấy ra khỏi cơ thể trong lần giải phẫu đầu tiên, trong đó phần não được lưu trữ và nghiên cứu tại Trung tâm thần kinh, Viện khoa học Nga. Các nhà khoa học tham gia quy trình ướp xác Lenin hay các nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới khác đều không được phép thảo luận công việc với bên ngoài theo luật bí mật quốc gia. Ảnh: ABC |
Người voi là biệt danh đặt cho Joseph Merrick, người đàn ông sống dưới thời Victoria mắc hội chứng Proteus khiến lớp da dày bất thường, phần đầu nổi u to lớn và khung xương lệch. Merrick trở thành huyền thoại của Anh lúc bấy giờ với hàng loạt bộ phim và phim tài liệu nói về cuộc đời, căn bệnh và sự kỳ thị của xã hội với ông. Ban đầu, Merrick kiếm sống bằng công việc đầy tớ với số tiền ít ỏi, sau đó đi theo gánh xiếc quái dị vào năm 1884. Trong các buổi biểu diễn, Merrick được gọi là Người voi, cùng mô tả bản thân là sinh vật nửa người, nửa quái vật. Dù loại hình giải trí này được xã hội Anh chấp nhận và khá phổ biến, Merrick cảm thấy mặc cảm về cơ thể và ánh nhìn của người ngoài. Cuối cùng, ông được bác sĩ Frederick Treves đưa về chăm sóc tại Bệnh viện London nhờ kinh phí từ một quỹ cộng đồng để phục vụ công tác nghiên cứu và thoát khỏi sự kỳ thị của xã hội. Merrick qua đời năm 1890 khi mới 27 tuổi do gãy cổ. Nhiều tin đồn cho rằng Merrick mong muốn được chôn cất sau khi các nhà khoa học hoàn tất việc nghiên cứu, song bộ xương người voi vẫn được trưng bày nhiều năm trong lồng kính ở Bệnh viện Hoàng gia London. Ảnh: BBC |
Bộ não của Albert Einstein là mẫu vật nhiều nhà khoa học muốn nghiên cứu để khám phá bí ẩn đằng sau một trí tuệ siêu việt. Trước khi thi thể Einstein được hoả thiêu, bộ não của ông được bác sĩ Thomas Harvey bí mật lấy đi phục vụ nghiên cứu. Bất chấp sự phản đối và tức giận của Hans Albert, con trai Einstein, Harvey đã thuyết phục Albert để thực hiện các thí nghiệm nhằm tìm kiếm nguồn gốc trí thông minh con người. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua sau cái chết của Einstein, giới khoa học vẫn không đưa ra được phân tích nào. Harvey sau đó cắt bộ não thành 240 khối và các lát cắt rồi gửi tới những nhà thần kinh học và giải phẫu học hàng đầu nước Mỹ. Dù vậy, các nhà khoa học tiếp tục nhận định không có sự khác biệt nào giữa não bộ của Einstein và những người đàn ông khác cùng tuổi. Bác sĩ Harvey đã mất tất cả sự nghiệp, hôn nhân theo sau công bố này. Đến năm 1980, các nghiên cứu cho thấy Einstein có nhiều tế bào thần kinh đệm hơn người bình thường, song chưa rõ liệu điều này có giúp ông thông minh hơn hay không. Năm 1990, các nhà khoa học cho rằng các tế bào ở não trước của ông được sắp xếp dày đặc khác thông thường. Nghiên cứu cuối những năm 2000 cho thấy khác biệt rõ rệt giữa bộ não này với người bình thường song nhận về nhiều chỉ trích nặng nề vì chỉ thiên về lý thuyết mà không thực hiện đầy đủ nghiên cứu trên các cấu trúc não bộ. nhiên nghiên cứu bị chỉ trích nặng nề vì đưa ra tuyên bố mà không thực hiện đủ nghiên cứu trên các cấu trúc não bộ. Harvey sau đó trao các phần não bộ của thiên tài Einstein cho Trung tâm y học đại học Princeton. Tuy vậy, bộ não không được trưng bày công khai mà chỉ các nhà nghiên cứu mới được tiếp cận. Chỉ có các lát cắt não trên tiêu bản kính hiển vi được trưng bày tại Bảo tàng Mutter ở Philadelphia, Mỹ. Ảnh: T. Harvey |