Nơi người dân 'đánh cược' mạng sống, đi bè qua suối tròng trành vì miếng cơm, con chữ

Hàng ngày, người dân nơi cổng trời Ea Rớt buộc phải chòng chành qua suối, liều mình, "đánh cược" mạng sống chỉ vì miếng cơm, con chữ... 

Từ nhiều năm này, người dân nơi cổng trời Ea Rớt (thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) phải liều mình đi bè, thuyền qua 4 con suối để phục vụ kế sinh nhai cũng như tìm kiếm con chữ...

Đặc biệt, nguy hiểm hơn vào mùa mưa lũ, nước ở các dòng suối rộng khoảng 50-70 m trở nên hung dữ, nước chảy xiết hơn khiến người dân đi qua vô cùng lo sợ.

Bên cạnh đó, thuyền bè nơi đây hầu hết chỉ được làm từ tre, nứa, gỗ chắp vá tạm bợ. Còn những người qua suối đều không hề được trang bị bất cứ một thiết bị cứu sinh nào nên đã có khá nhiều tai nạn thương tâm xảy ra.

noi nguoi dan danh cuoc mang song di be qua suoi trong tranh vi mieng com con chu
Đường lên dốc cổng trời Cư Pui khó khăn, trắc trở. (Ảnh: Trang Anh).

Đưa ánh mắt về phía bờ suối, anh Vàng Seo Dế (SN 1993, thôn Ea Rớt) cho biết, gia đình anh có 1 ha đất rẫy bên kia bờ.

Mùa nắng thì không nói nhưng đến mùa mưa, nước dâng cao khiến con suối ngập sâu 50-60 m. Để qua được bên kia bờ, anh và những hộ dân nơi đây góp tiền lại mua tre, nứa… để kết thành bè tạm qua sông.

Theo anh Dế, chiếc bè nhỏ, lại không có trang thiết bị cứu trợ nào nên bình thường chỉ đi từ 2-3 người.

Tuy nhiên, vào giờ ngày mùa, do nhu cầu của người dân tăng cao nên chiếc bè chở đến gần chục người mỗi chuyến.

Mỗi lần qua suối, chiếc bè chao đảo, tròng trành khiến người dân vô cùng lo lắng.

Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống mưu sinh nên người dân đành chấp nhận liều mình qua suối bất chấp nguy hiểm luôn rình rập.

noi nguoi dan danh cuoc mang song di be qua suoi trong tranh vi mieng com con chu
Để di chuyển qua sông, suối người dân phải kết bè để đi. (Ảnh: Trang Anh).

Theo quan sát của chúng tôi, chiếc bè chỉ được kết bằng những thanh tre, nứa được cột dây thừng tạm bợ.

Để bè nổi trên mặt nước người dân sử dụng 4 chiếc thùng phuy cố định 4 đầu. Chiếc bè di chuyển được trên suối nhờ 2 sợi dây cột vào đầu, đuôi bè và cố định vào 2 cây cọc ở bên bờ.

Nhớ về những trải nghiệm hãi hùng, chị Hầu Thị Dua (28 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại:

“Vào khoảng tháng 3/2018, tôi địu theo đứa con mới 1 tuổi lên bè qua suối để làm rẫy. Nhưng chỉ mới đi được một đoạn thì chiếc bè bắt đầu chao đảo, sau đó toàn bộ người cùng hàng hóa rơi xuống suối.

Hai mẹ con tôi khi đó chỉ biết chới với kêu cứu, may mắn chồng tôi đứng bên kia bờ nhìn thấy nên lập tức xuống cứu và đưa 2 mẹ con lên bờ an toàn.

Mặc dù vẫn chưa hết sợ, nhưng hàng ngày tôi vẫn phải qua đây, vì nếu không quá sẽ không có gì ăn và có tiền cho các con đến trường”, chị Dua tâm sự.

noi nguoi dan danh cuoc mang song di be qua suoi trong tranh vi mieng com con chu
Những chiếc bè thô sơ chở hàng chục người (Ảnh: Trang Anh).

Về vấn đề trên, anh Vàng Seo Măng, trưởng thôn Ea Rớt cho hay, mặc dù ai cũng biết việc di chuyển qua sông, suối bằng bè vô cùng nguy hiểm, nhưng người dân vẫn phải "nhắm mắt" chấp nhận.

Theo anh Măng, mùa nắng thì đỡ, nhưng đến khi mưa xuống, cuộc sống người dân phải gắn liền với chiếc bè.

Người dân, muốn ra trung tâm xã cũng phải đi bè, học sinh đến trường cũng phải sử dụng phương tiện này. Bên cạnh đó, khi nước dâng lên, người dân muốn qua địa bàn xã Ea Kar cũng phải sử dụng bè để di chuyển.

Theo ước tính của anh Măng, từ năm 2017 đến nay đã có gần 50 chiếc xe máy bị rơi xuống suối, người dân phải thuê người vớt lên với giá 1 triệu đồng/chiếc.

“Đã có nhiều vụ việc bè chở người và hàng hóa qua suối bị lật. Tuy nhiên, đa phần người dân biết bơi nên không có thiệt hại về người. Nhưng nhiều xe máy, hàng hóa đã bị rơi xuống suối, thiệt hại khá nhiều”, anh Măng nói.

noi nguoi dan danh cuoc mang song di be qua suoi trong tranh vi mieng com con chu
Nhiều em nhỏ tự ý chèo bè qua suối mà không có người lớn theo cùng. (Ảnh: Trang Anh).

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tâm, chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, thôn Ea Rớt có khoảng 173 hộ với hơn 1000 nhân khẩu là người dân tộc Mông.

Theo ông Tâm, khoảng 2 năm nay người dân thôn Ea Rớt sống trong cảnh nước ngập từ 4-8 m và phải di chuyển bằng bè để phục vụ sinh hoạt. Việc sử dụng phương tiện này đã gây ra nhiều vụ chìm, lật bè gây hư hại nhiều tài sản.

Để giúp đỡ, hỗ trợ người dân phần nào, chính quyền xã đã trích kinh phí mua dây thừng, thùng phuy để bà con làm bè tạm qua khu vực ngập.

Vị chủ tịch còn cho biết, những năm qua chính quyền thường xuyên kiến nghị lên các cấp để đề xuất khắc phục những điểm ngập giúp bà con yên tâm trong mùa mưa lũ.

UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đắp 2 điểm bị ngập nước tại thôn Ea Rớt với tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai vì chưa có vốn.

noi nguoi dan danh cuoc mang song di be qua suoi trong tranh vi mieng com con chu Nhà bị nứt toác: Dân 'tố' do nổ mìn làm thủy điện, chủ đầu tư bảo lượng thuốc nổ đúng quy định

Nhiều người dân bức xúc khi công trình xây dựng thủy điện cho nổ mìn khiến nhiều nhà cửa bị hư hỏng, nứt toác.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.