Nỗi niềm cô giáo mầm non (P1): Xoay như chong chóng!

Tất bật đón trẻ từ 6h30 và khép lại ngày mệt nhoài cho đến khi trời tối, cộng thêm áp lực từ nhiều phía khiến cô giáo mầm non phải xoay nhưng chong chóng mỗi ngày.

Một ngày của cô giáo mầm non

noi niem co giao mam non p1 xoay nhu chong chong
Sau giờ đón trẻ buổi sáng, cô và các bé mầm non bước vào giờ ăn sáng.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung Ương 3 (TP HCM), cô Phạm Thu Phương đã có 12 năm trong nghề nuôi dạy trẻ. Cô cho biết: “Suốt 12 năm qua, công việc của chúng tôi ngày nào cũng bắt đầu từ 6h30 có mặt để sẵn sàng đón trẻ, chiều 17h khép lại bằng việc trả trẻ, vệ sinh lớp học. Hôm nào họp hành, có Đoàn kiểm tra hay chuẩn bị cho sự kiện gì thì chuyện 6h, 7h tối mới trở về nhà là chuyện bình thường”.

Với những giáo viên có nhà ở gần trường việc đi lại đỡ vất vả, nhiều giáo viên nhà ở các quận ngoại thành Q.9, Q. Thủ Đức, Q.12 để đến lớp đúng 6h30 đón trẻ, họ phải đi từ khá sớm.

Thông thường, sau khi đón trẻ xong, giáo viên hướng dẫn các bé tập thể dục rồi dọn bàn ghế cho bé ăn sáng. "Chuyện ăn của trẻ thì cũng muôn vàn vất vả, có bé không ăn ngồi ngậm, có bé vừa ăn vừa ói vương vãi ra bàn, quần áo bạn, các cô phải lật đật thay quần áo cho bé, lau dọn rồi đút cho các bé khác. Chuyện các bé không kiểm soát vệ sinh, không kêu cô mà đi luôn trong lớp học cũng là chuyện quen với giáo viên chúng tôi nhưng hầu như không ai kêu ca vất vả vì chúng tôi hiểu đó là công việc của mình", cô Phương chia sẻ.

Cũng chính bởi những vất vả này mà nhiều giáo viên trẻ chưa lập gia đình chưa đủ sự cảm thông và yêu trẻ dễ thấy chán nản, muốn bỏ nghề. Cô Hoa, giáo viên mầm non Q. Bình Thạnh, chăm trẻ lớp cơm nát (18 đến 24 tháng) chia sẻ: “Các bé độ tuổi nhỏ này chăm rất cực vì nhiều bé còn nói chưa sõi, chưa ý thức đi vệ sinh, ăn uống cũng rất khó. Vậy nên chăm những bé này ít khi nào là giáo viên trẻ”. Cô Hoa cũng cho biết nhà ở ngoại thành, cô đi làm mất 30 phút và còn phải đưa cả hai con gái đi học nên tất bật trăm bề, tuy vậy theo cô: “Đi nhiều cũng quen! Làm lâu lại yêu nghề. Trẻ cũng như con mình vậy!”.

Không chỉ chăm các bé trên lớp, giáo viên mầm non cũng như nhiều người làm công việc gõ đầu trẻ khác còn phải chuẩn bị giáo án, đồ dùng học tập, mày mò làm đồ chơi cho các bé ở hoạt động góc. Các cô phải bám lớp cả ngày vì trẻ không thể thiếu cô. “Nếu có đau bệnh cũng không nghỉ được như những giáo viên các cấp khác vì không có người dạy thay, 9 ngày phép nhưng trừ nhà có tang còn lại các cô hầu như không dám nghỉ”, cô Phương cho biết.

Xoay như chong chóng!

noi niem co giao mam non p1 xoay nhu chong chong
Ngoài giờ lên lớp, giáo viên mầm non phải tự mình chuẩn bị những đạo cụ, đồ chơi cho trẻ.

Cũng theo nhiều giáo viên mầm non, các cô khổ trăm bề bởi áp lực đến từ nhiều phía. Ngoài thời gian dành cho các bé trên lớp, các cô còn phải mất thời gian cho biết bao việc. Những hôm có lễ, sự kiện, mỗi lớp sẽ một cô trông trẻ, cô còn lại tham gia trang trí chuẩn bị cho trường.

Chuyện ngủ trưa với giáo viên mầm non cũng là chuyện xa xỉ, khi các bé ngủ giáo viên lại hí hoáy lôi dụng cụ ra chuẩn bị làm đồ chơi cho kịp các buổi lên lớp hoạt động có chủ đích: Âm nhạc, thể dục, văn học... hoặc phê sổ, hay đi họp, chấm biểu đồ tăng trưởng, không lúc nào được nghỉ.

Thế nhưng, những vất vả của giáo viên mầm non không thấm tháp gì, áp lực chính đôi khi lại đến từ phía phụ huynh. Cô Thu Phương chia sẻ: “Phụ huynh đôi khi không hợp tác mà đòi hỏi nhiều ở giáo viên. Một lớp mấy chục bé nhưng phụ huynh luôn muốn chăm con mình như ở nhà. Có phụ huynh bắt cô phải ngồi vỗ khi bé ngủ, không được thì bắt bẻ này nọ. Lại có người vì con không mạnh dạn nên không lên tập văn nghệ nhưng một mực đòi cô phải cho lên”.

Áp lực đến từ phụ huynh cũng là nỗi khổ chung của giáo viên mầm non. Nhiều giáo viên cho biết ít trường hợp con trẻ chơi trên lớp đôi khi té ngã trầy xước thì phụ huynh xót con la mắng cô giáo, thậm chí nhiều phụ huynh thiếu kiềm chế đã lên thẳng phòng hiệu trưởng phản ánh lại khiến giáo viên bị khiển trách, cắt thi đua. Trong khi trẻ thì hiếu động còn giáo viên mỏng nên không bao quát hết.

Tại các trường mầm non tư thục cao cấp, học phí cho các bé cao hơn so với mầm non công lập nên phụ huynh đa số đều cho rằng cô giáo mầm non đỡ vất vả hơn bởi cơ sở vật chất đầy đủ, chế độ đãi ngộ tốt, tuy nhiên cô Thu Hà – giáo viên trường mầm non tư thục cao cấp ở khu Phú Mỹ Hưng (Q.7) cho biết: “Áp lực của tụi em rất nhiều bởi các bé trong trường đa số là con nhà điều kiện, phụ huynh rất cưng chiều nên đôi khi chỉ vì con có một vài vết trầy xước nhỏ mà cô giáo bị nhắc nhở, la mắng”.

Ngoài ra, theo cô Hà, đó là chưa kể hệ thống camera ở khắp mọi nơi để phụ huynh quan sát con và giáo viên, vô hình trung tạo áp lực lên giáo viên mầm non. Đôi khi vì lo cho bé này chưa kịp cho bé kia ăn hay thay quần khi bé tè đã bị phụ huynh gọi điện quở trách làm giáo viên xoay như chong chóng.

(còn nữa)

chọn
Bất động sản tuần qua (5/5 - 11/5): Đề xuất nhiều thay đổi về sổ đỏ, nhóm Xuân Cầu trúng dự án 5.500 tỷ ở Hoà Bình
Có thể đưa mã QR vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Samsung muốn đầu tư thêm 1 tỷ USD/năm vào Việt Nam; Sơn La công bố 9 dự án được phép mở bán... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.