Cồn là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh. Nó làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động. Trong các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông, cồn dễ khiến người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn.
Dù đã được cảnh báo và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, tuy nhiên vì thói quen, sở thích và vì chủ quan, nhiều người vẫn bỏ qua, coi thường tính mạng của mình và bất chấp hậu quả sẽ xảy ra.
Ảnh minh họa. |
Vậy uống bao nhiêu chén rượu, bao nhiêu cốc bia, lượng cồn trong máu sẽ bị xử phạt?
Theo những số liệu của Tổ chức y tế thế giới đã cung cấp thì tiêu chuẩn của WHO để xác định lượng rượu, bia sử dụng tương ứng với nồng độ cồn sinh ra trong cơ thể người như sau: Một đơn vị uống chuẩn chứa 10 gam cồn. 1 đơn vị này tương đương 1 chén rượu mạnh (40 độ, 30 mililít); 1 ly rượu vang (13,5 độ, 100 mililít); 1 vại bia hơi (330 mililít); 2/3 chai (lon) bia (330 mililít).
Luật Giao thông đường bộ quy định về nhóm các hành vi bị nghiêm cấm đối với người điều khiển phương tiện xe cơ giới, trong đó có hành vi điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/ 1lít khí thở.
Theo đó, để nồng độ cồn dưới giới hạn vi phạm khi tham gia giao thông (dưới 50 miligam /100 mililít máu hoặc 0,25 miligam /lít khí thở) thì nam giới không nên uống quá 2 đơn vị uống chuẩn trong giờ đầu tiên và không uống quá một đơn vị chuẩn nữa trong mỗi giờ sau đó. Với nữ giới, không nên uống quá một đơn vị và không uống quá một đơn vị uống chuẩn trong mỗi giờ sau đó. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số và cách tính tham khảo.
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở chịu mức phạt 2 triệu - 3 triệu đồng. Tước bằng lái xe 1 - 3 tháng.
Vượt quá 50 miligam - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam - 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt 7 triệu - 8 triệu đồng. Tước bằng lái xe 3 - 5 tháng.
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt 16 triệu - 18 triệu đồng. Tước bằng lái xe 4 - 6 tháng.
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.
Cảnh sát giao thông xử phạt chủ yếu dựa trên việc đo nồng độ cồn trong hơi thở. Với nồng độ cồn trong máu vì phức tạp hơn nên chỉ xét nghiệm khi có đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật.
Trường hợp phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2014/ TTLT-BYT-BCA quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, các trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu bao gồm:
- Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông được sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân (sau đây viết tắt là cán bộ công an) đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
- Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ tai nạn giao thông được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
- Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
- Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
Người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành.
Luật gia Đồng Xuân Thuận