NOXH tại Thái Bình dao động 7 - 9 triệu/m2, đang quy hoạch 63 vị trí làm dự án

Thái Bình dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu về NOXH tại địa phương là hơn 34.400 người, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 76.000 người. Trong khi đó, nguồn cung phân khúc này vẫn còn hạn chế khi từ 2017 đến nay, toàn tỉnh chỉ có 2 dự án được chấp thuận đầu tư.

UBND tỉnh Thái Bình mới đây đã phê duyệt đề án Phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn.

Hiện tại, tỉnh có 7 khu công nghiệp và 35 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tổng số công nhân đang làm việc khoảng 119.000 người, trong đó công nhân làm việc trong các khu công nghiệp khoảng 63.700 người, trong các cụm công nghiệp khoảng 55.000.

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, dự báo đến năm 2025, quy mô dân số khu kinh tế là 227.000 người; đến năm 2040 là 300.000 người. Việc triển khaỉ thực hiện các dự án theo quy hoạch sẽ phát sinh lượng lớn nhu cầu về người lao động, cùng với đó là nhu cầu về nhà ở.

Mặc dù có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội, song nguồn cung trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Hiện tỉnh có 7 dự án nhà ở xã hội đã đi vào hoạt động, ngoài ra có thêm 1 dự án đang xây dựng; chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân.

Có khoảng 63 vị trí quy hoạch chi tiết phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích đất dự kiến để xây dựng gần 163 ha.

Trong đó, 9 vị trí quy hoạch các dự án nhà ở xã hội độc lập với diện tích 51 ha (gồm 6 vị trí xây dự án cho công nhân khu công nghiệp; 3 vị trí xây dự án cho người thu nhập thấp). 54 vị trí là quỹ đất 20% tại các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị đang triển khai với tổng diện tích 111,5 ha.

TP Thái Bình có 7 dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với quy mô 1.545 căn hộ. Giá bán phổ biến 7 - 9 triệu đồng/m2. Ngoài ra còn có dự án Nhà ở xã hội khu C (khu dân cư xã Vũ Phúc) đang thi công xây dựng, quy mô 40.506 m2 sàn xây dựng với 429 căn hộ.

Về nhà trọ công nhân trong hộ dân, thống kê sơ bộ của địa phương cho thấy khu vực gần các khu công nghiệp có khoảng 3.500 phòng trọ cho công nhân thuê với giá 300.000 - 600.000 đồng/phòng.

Tuy số lượng nhà trọ đáp ứng một phần nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, song chất lượng sử dụng nhìn chung còn thấp với diện tích sử dụng bình quân 10 - 13 m2/phòng, chật hẹp do các hộ dân tận dụng tối đa quỹ đất đế xây phòng trọ cho thuê. Một số khu trọ chất lượng kém do ít cải tạo, sửa chữa.

Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế do số lượng dự án được chấp thuận đầu tư rất ít; từ 2017 đến nay chỉ có 2 dự án đều ở TP Thái Bình là Dự án nhà ở xã hội thuộc khu C - Khu dân cư xã Vũ Phúc và Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc khu đất quy hoạch khu dân cư xã Phú Xuân.

Về đầu tư nhà ở xã hội, các dự án thực hiện chủ yếu từ vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian thu hồi chậm, lợi nhuận không cao. Chưa kể gói hỗ trợ lãi suất vay của Trung ương chậm triển khai, lượng vốn hỗ trợ thông qua Ngân hàng chính sách địa phương thấp, hồ sơ giải ngân phức tạp.

Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, khoảng 50% số công nhân đang thuê trọ tại quỹ nhà trọ do người dân tự xây dựng có nhu câu chuyển sang nhà ở xã hội (khoảng 1.000 người); khoảng 10% tổng số công nhân hiện có nhà ở không gần nơi làm việc có nhu cầu về nhà ở xã hội gần nơi làm việc (khoảng 6.000 người); khoảng 60% tổng số công nhân dự kiến tăng thêm có nhu cầu về nhà ở xã hội (khoảng 17.400 người);... Tổng nhu cầu chung hơn 34.400 người.

Giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến khoảng 1.000 công nhân đang thuê trọ của người dân có nhu cầu chuyển sang nhà ở xã hội; khoảng 10.000 công nhân có nhà ở không gần nơi làm việc có nhu cầu về nhà ở xã hội gần nơi làm việc; khoảng 50% tổng số công nhân dự kiến tăng thêm có nhu cầu về nhà ở xã hội (khoảng 50.000 người);... Tổng nhu cầu chung khoảng 76.000 người.

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.