Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Vera Atkins, người thầy của các điệp viên tại Cục tác chiến đặc biệt (SOE) của Anh đã bỏ nhiều công sức đi tìm lại danh tính cho các điệp viên bị Đức Quốc xã bắt, thủ tiêu. Mặc dù bị nhiều thế lực phản đối quyết liệt, nhưng với quyết tâm và tình cảm, bà đã tìm ra danh tính của rất nhiều điệp viên Anh từng bị bắt và hành hình theo kiểu “bóng đêm và con ếch”, gây chấn động dư luận.
“Bộ não của SOE”
Vera Atkins từng là nữ điệp viên quyền lực đứng sau Cục tác chiến đặc biệt (SOE) của Anh. Bà có tên khai sinh là Vera Maria Rosenberg, là con của một doanh nhân giàu có ở Romania. Tuy nhiên, sau khi cha bà qua đời, những thay đổi của thời cuộc khiến cả gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Năm 1933, Atkins cùng mẹ quyết định chuyển từ Bucharest, Romania tới Anh và bà lấy họ mẹ để tiện cho các sinh hoạt ở nơi ở mới.
Chiến tranh thế giới bùng nổ, Atkins đã đệ đơn xin làm việc cho quân đội Anh, Hội chữ thập đỏ Anh và một số cơ quan khác nhưng đều bị từ chối với lý do bà là người Do Thái và có nguồn gốc Romania.
Nữ điệp viên quyền lực Vera Atkins. |
Tuy nhiên, đến năm 1941, bà lại bất ngờ được Tình báo Anh chiêu mộ vào làm việc tại SOE – đơn vị được Thủ tướng Anh Winston Churchill thành lập với nhiệm vụ do thám và phá hoại phục vụ cho mục tiêu lớn hơn là “khiến châu Âu bùng cháy”.
Ban đầu, Atkins làm trợ lý cho Maurice Buckmaster, người đứng đầu bộ phận F ở SOE. Trong số 8 thành viên lúc bấy giờ, bà tỏ ra là người vô cùng tích cực. Từ vị trí trợ lý, Atkins dần trở thành nhân vật không thể thiếu đối với chỉ huy Buckmaster đến mức một số người nói rằng tuy trên danh nghĩa Buckmaster là chỉ huy nhưng Atkins mới là “bộ não” nắm quyền chỉ huy toàn bộ hoạt động của đơn vị.
Không có công việc nào của SOE mà bà không tham gia, từ phỏng vấn tuyển dụng nhân sự, tổ chức và tham gia vào hoạt động huấn luyện và lập kế hoạch để điều các điệp viên của Anh tới Pháp.
Các điệp viên của SOE lúc bấy giờ bao gồm mọi thành phần trong xã hội, từ những nghệ sĩ chơi nhạc, huấn luyện viên đua ngựa, cho tới đầu bếp hay chủ ngân hàng nhưng vì điểm đến của họ là Pháp nên yêu cầu tiên quyết chính là thành thạo tiếng Pháp.
Ngoài khả năng ngôn ngữ, qua tay Atkins, họ được trang bị những kiến thức để hoạt động trong lòng quân địch, từ giờ giới nghiêm, các vấn đề về giao thông, quy định của pháp luật sở tại tới những vấn đề nhỏ nhặt khác trong cuộc sống thường ngày của người Pháp.
Cũng chính Atkins là người đã dày công suy nghĩ và tạo ra cho mỗi điệp viên của SOE một vỏ bọc hoàn hảo của một người dân bản địa. Bà đích thân chuẩn bị sẵn những món đồ lưu niệm, thư từ và hình ảnh để các điệp viên giữ trong ví phòng khi bị kiểm tra. Ngay cả hàm răng của các điệp viên cũng được Atkins cẩn thận thuê nha sĩ làm lại để giống với hình dáng khuôn hàm của người Pháp lúc bấy giờ.
Động lực để Atkins làm như vậy bên cạnh trí thông minh và tinh thần trách nhiệm cao độ với công việc còn xuất phát từ bản chất nhân văn sâu sắc cũng như cảm giác nặng nề về trách nhiệm đối với những người được bà điều đi – có thể sẽ là chỗ chết -mà bà tự đặt ra cho mình.
Những người từng làm việc với bà kể rằng, dù là người vô cùng nghiêm khắc và kỷ luật đến mức “từng sợi tóc trên đầu cũng phải đúng khuôn khổ” nhưng với đồng nghiệp, bà luôn rất tình cảm và chan hòa.
Với từng điệp viên, bà luôn đối xử một cách chân thành nhất. Bởi, bà từng tiết lộ, luôn cảm thấy gánh nặng khi là người tiễn điệp viên đi làm nhiệm vụ. Bà kể: “Việc vừa tiễn họ một quãng đường vừa nhận thức rõ rằng họ đang chuẩn bị thực hiện một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm, đó có thể sẽ là lần cuối cùng họ có thể nhìn thấy được đất nước tươi đẹp của mình trong khi mình vẫn tiếp tục ở lại sống trong an toàn thực sự vô cùng khó khăn. Tôi đã phải cực kỳ cứng rắn mới vượt qua được những căng thẳng đó”.
Sự chu đáo của Atkins với những người đồng đội còn thể hiện ở việc bà vẫn luôn duy trì liên lạc với gia đình của những người này và liên tục gửi đi những tin nhắn đã được mã hóa trên đài BBC để những điệp viên ở nước ngoài có thể nắm được thông tin về người thân của mình ở trong nước.
Đi tìm đồng đội
Lòng nhiệt thành của Atkins với những đồng đội thể hiện rõ nét hơn qua những công việc mà bà thực hiện sau khi chiến tranh kết thúc. Cụ thể, khi chế độ phát xít Đức sụp đổ, trong số 470 điệp viên, bao gồm 39 người là nữ, mà SOE đã điều tới Pháp có 118 người đã không trở về nước. Ở thời điểm đó, trong khi cấp trên không có động thái gì thì bà đã trở thành người tiên phong lần dò thông tin về số phận của những điệp viên đó.
Công việc mà bà làm khiến nhiều người tỏ ra không hài lòng. Tướng Pháp Charles de Gaulle không thích ý tưởng tìm hiểu và vinh danh những điệp viên Anh vì ông muốn Lực lượng giải phóng Pháp trở thành nhóm kháng chiến duy nhất ở những địa bàn mà phát xít Đức chiếm đóng. Giám đốc an ninh của SOE cũng không muốn Atkins tiến hành cuộc điều tra mà ông ta cho là quá nhạy cảm, có thể dẫn đến những chỉ trích về cách thức là việc của SOE, nhất là khi Atkins không nằm trong quyền kiểm soát của ông ta. Nhiều cơ quan khác nhau của Anh cũng bác bỏ kiến nghị tìm lại tên cho nhưng điệp viên mất tích bởi làm vậy cũng đồng nghĩa với việc họ phải công khai thừa nhận đã điều những phụ nữ trẻ người Anh tới đảm nhiệm những công việc vô cùng nguy hiểm. Thêm nữa, Bộ Chiến tranh của Anh chỉ muốn xếp các điệp viên đã tử nạn ở nước ngoài vào nhóm những người đã chết với tư cách tù nhân chiến tranh trong khi Atkins muốn họ phải được xếp vào diện hy sinh trên chiến trường bởi theo bà những điệp viên của SOE dù không mang trên người quân phục khi ở nước ngoài nhưng cái chết của họ là do làm việc cho nước Anh.
Dù bị ngăn cản không ít từ giới lãnh đạo cấp cao, thế nhưng Vera Atkins đã làm "rọn nghĩa vẹn tình" với những người đồng đội anh dũng hi sinh trong cuộc chiến chống phát xít. |
Việc xác định rõ như vậy không chỉ là sự ghi nhận cuối cùng xứng đáng cho những người đã mất mà còn có ý nghĩa với những người thân của họ khi mức bồi thường cho những người thuộc 2 nhóm trên khác nhau khá lớn.
Bất chấp tất cả những phản đối, Atkins vẫn cất công lần theo từng đầu mối, những khai báo của những nhân chứng để làm rõ các điệp viên của SOE đã chết như thế nào và ai đã giết họ. Bà đã đi đến những trại tập trung của phát xít Đức, phỏng vấn những nhân chứng còn sống sót, tham gia vào việc thẩm vấn lính canh người Đức và dự hàng loạt những phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh và trở thành những người đầu tiên hiểu được rõ mức độ tàn bạo của phát xít Đức.
Chính bà là người đã phát hiện ra những vụ hành hình “bóng đêm và con ếch” – một kiểu hành hình của Đức quốc xã mà trong đó các nạn nhân sẽ gần như biến mất hoàn toàn. Trong số những cái chết khiến bà ám ảnh nhất là việc 4 phụ nữ bị chuốc thuốc mê và phóng hỏa thiêu sống ở trại tập trung Natzweiler-Struthof ở Alsace. Sau 1 năm như vậy, số phận của 117/118 điệp viên SOE đã được Atkins làm rõ.
Chiến tranh kết thúc, SOE cũng bị giải thể nhưng Atkins vẫn được giữ lại làm việc ở cơ quan tình báo MI6 của Anh. Với những đóng góp tích cực của mình, bà về sau được nhận Huân chương Thánh George cao quý của Anh. Bà cũng được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương danh dự vì công lao của bà đối với sự nghiệp giải phóng nước này.
Cho đến nay, bà nổi tiếng với biệt danh nữ điệp viên quyền lực nhất của Anh. Gần cuối đời, bà đã vận động quyên góp để xây dựng một tấm bia tưởng niệm đặc biệt có ghi tên của tất cả những điệp viên ở bộ phận F thuộc SOE đã bỏ mạng ở Pháp...
Tự xưng là đặc vụ CIA để thoát tội vi phạm luật giao thông | |
Tổng thống Nga Putin 'bật mí' về thời kỳ làm điệp viên KGB |