Không phải cha mẹ nào cũng dễ dàng chấp nhận chuyện con gái mang thai thời sinh viên. Ảnh minh họa: Hoài Nhân. |
Chúng tôi đến thăm 2 người mẹ sinh viên trong căn nhà mà sư cô Chúc Từ (40 tuổi) thuê để cưu mang những người mẹ lầm lỡ. Ở rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, những người phụ nữ ấy đều có một điểm chung, đó là thiên chức của người mẹ đã hóa thành nghị lực để họ quyết tâm đón con chào đời.
Sẵn sàng làm bà mẹ đơn thân vui vẻ
Cô sinh viên xinh xắn trường Đại học Kinh tế TP.HCM Nguyễn Thiên Trang (20 tuổi, quê Vũng Tàu) có vóc người nhỏ nhắn, là con út trong gia đình, nhưng giờ đây đã sắp có một thiên thần nhỏ. Mang bầu 6 tháng, Trang trải lòng với chúng tôi về câu chuyện dài của mình, từ lúc phát hiện có thai ngoài ý muốn đến lúc chấp nhận và cảm thấy hạnh phúc khi đón chờ con ra đời.
“Em và anh Dũng (bạn trai của Trang - PV) gặp nhau ở quê, lúc em học cấp ba. Sau đó em lên TP.HCM học đại học, hè năm 2 thì phát hiện có thai. Lúc đó em rất sợ, cứ nghĩ đến là khóc vì không biết làm gì mới đúng. Khi em báo tin, ảnh sợ em bỏ dở việc học, rồi gia đình em trách mắng, nên ảnh cũng có hỏi em về việc bỏ cái thai, nhưng em cự tuyệt. Rồi ảnh thương nên cũng nghe theo, bắt đầu chuyển sang lo lắng, thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm và động viên em”, Trang tâm sự.
Cô sinh viên cũng quan niệm, có con trước khi cưới không hoàn toàn là xấu, quan trọng là bản thân suy nghĩ và chọn cách đối mặt như thế nào mà thôi. Mặc dù vậy, bà mẹ trẻ cũng phải luôn tìm cách giấu nhẹm sự việc.
Về thăm nhà, Trang luôn phải mặc áo rộng hơn để gia đình không nghi ngờ. Dần dần bụng lớn, Trang bắt đầu ít về quê hơn. Bà mẹ trẻ còn phải nói dối rằng đang đi làm thêm nên không về thường xuyên được. Đưa tay vuốt bụng, Trang buồn buồn khi bảo Tết này sẽ ở lại đây, vì cái bụng lúc đó đã quá lớn.
“Em không hối hận khi giữ lại đứa con, em chỉ hối hận khi làm việc có lỗi với cha mẹ. Đôi lúc, em cũng cảm thấy tiếc cho bản thân mình vì con đến quá sớm, trong khi bạn bè vẫn tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi. Nhưng mà khi cảm nhận được những cử động của con trong bụng, em lại có cảm giác vui lắm, và biết mình phải vui vẻ lên mới tốt cho con”, cô chia sẻ.
Bà mẹ trẻ vừa bảo lưu kết quả học tập hồi tháng 8 để tránh bị lộ chuyện với bạn bè. Nhờ một số thông tin tìm được trên mạng xã hội, Trang tìm đến nương nhờ sư cô Chúc Từ và an ổn đã mấy tháng nay. Trang bắt đầu học hỏi kinh nghiệm nuôi con từ các chị cùng hoàn cảnh trong ngôi nhà chung, lên mạng tìm thêm thông tin về cách chăm sóc cho con trai khi cậu bé chào đời.
Căn nhà trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là nơi sư cô Chúc Từ đang cưu mang nhiều bà mẹ đơn độc trong hành trình vượt cạn. Ảnh: Hoài Nhân. |
“Sau này sinh con xong em sẽ đi làm thêm để trang trải, đồng thời cũng đi học lại. Khi em hoàn thành việc học và ổn định công việc mới dắt con về xin ba mẹ để cưới. Lúc ấy thương cháu, em nghĩ ba mẹ cũng sẽ dễ chấp nhận hơn. Trong trường hợp xấu nhất, phải nuôi con một mình, em cũng có thể làm một người mẹ đơn thân vui vẻ. Em đã đặt tên sẵn cho con luôn rồi”, Trang quả quyết.
Cô gái miền Tây bỏ nhà đi vượt cạn
Cũng trong ngôi nhà chung, bà mẹ sinh viên Trần Lệ Quyên (22 tuổi, quê Kiên Giang) cũng kể câu chuyện bỏ quê lên TP.HCM vì trót lỡ lầm. Quyên là sinh viên trường Đại học Tiền Giang, còn Thanh Trung (bạn trai Quyên - PV) là một tài xế lái xe buýt trên tuyến đường mà Quyên đi từ nhà đến trường.
“Vì hay đi xe buýt, nên em gặp ảnh. Em thích cái tính vui vẻ của ảnh, nên chúng em tìm hiểu rồi yêu nhau. Đến cuối năm 4 thì em phát hiện có thai, lúc đó em sợ lắm, sợ đủ thứ hết! Sợ bên nhà anh Trung không chấp nhận em, còn ba mẹ em mà biết là chết vì nhà em khó lắm”, Quyên hạ giọng.
Khi còn ở nhà, trong thời gian thai nghén, Quyên đã rất vất vả để mọi người không phát hiện mình đang mang thai. Bà mẹ trẻ đã sử dụng đủ cách để che giấu, từ việc mặc áo rộng, dậy muộn khi gia đình đã ăn sáng xong, giả vờ không đói để ăn cơm chiều sau… Hiện tại, cô vừa tốt nghiệp, cái thai cũng đã đến tháng thứ 4. Cô khăn gói lên TP.HCM, nhưng dối ba mẹ đi làm ở tỉnh khác, vì sợ người quen ở TP.HCM ghé thăm.
Quyên tâm sự: “Mặc dù sợ gia đình nhưng em nhất quyết không muốn bỏ con. Ban đầu hoảng loạn, em cũng từng để ý nghĩ ấy thoáng qua, rồi thôi. Có rất nhiều người vô sinh mong con hàng năm trời mà không được, nên em nghĩ cũng là cái duyên của em và em nên chấp nhận. Công việc lái xe bận rộn, nhưng anh Trung cũng thường liên lạc với em để động viên. Gia đình anh ấy đã biết chuyện, nhưng vì kiêng kỵ gì đó trong làm ăn, nên bảo em sinh xong rồi hãy về cưới hỏi”.
Căn phòng Trang và Quyên đang nương nhờ chờ ngày vượt cạn. Ảnh: Châm Bùi |
Cũng như Trang và những bà mẹ trẻ lầm lỡ khác, Quyên tìm đến sư cô Chúc Từ vào một ngày giữa tháng 10. Cô cảm thấy thoải mái hơn khi được sư cô khuyên răn, được sống cùng những người phụ nữ giống mình.
“Sau khi em sinh con xong em sẽ đi học thêm một lớp nghiệp vụ sư phạm khoảng 6 tháng, để có thể đi dạy, kiếm tiền nuôi con. Khi con lớn một chút, em mới về quê, cùng anh Trung ẵm con đến xin cha mẹ để cưới. Giờ chỉ biết đợi mọi sự đã rồi mà thôi”, Quyên nén tiếng thở dài, nói về dự định tương lai.
Những bà mẹ sinh viên đang chờ đợi "mọi sự đã rồi" mới dám về với gia đình. Ảnh minh họa: Châm Bùi. |
(Thông tin nhân vật đã được thay đổi)
XEM THÊM
Nữ sinh viên phải làm mẹ - Kỳ 3: Tình chỉ đẹp đến khi... thử thai 2 vạch
Đang là hoa khôi của trường, cô sinh viên tên Linh bị "đẩy" vào ngã rẽ mới của cuộc đời khi thử thai 2 vạch. ... |
Nữ sinh viên phải làm mẹ - Kỳ 2: Tự tin vác bụng bầu đi học
Năm 3 đại học, cô sinh viên... quyết định mang bầu, làm đám cưới với người yêu hơn 10 tuổi. Khác với những gì mọi ... |
Nữ sinh viên phải làm mẹ - Kỳ 1: Phải rất lâu mới được nhà chồng chấp nhận
Xa nhà, cô sinh viên ngoại ngữ tìm được bạn trai san sẻ tình cảm nhưng kết cục là một cái thai ngoài ý muốn. ... |