Nước Mỹ hái quả đắng sau chuỗi ngày ông Trump gieo mầm bạo lực

Điện Capitol rơi vào hỗn loạn sau khi Tổng thống Trump dành nhiều tuần để tiêm nhiễm vào đầu người ủng hộ các cáo buộc sai lệch về gian lận bầu cử và đỉnh điểm là lời kêu gọi tuần hành tới tòa nhà đại diện cho nền dân chủ Mỹ.

Từ từ kích động biểu tình bạo loạn

Tổng thống Trump liên tục từ chối thừa nhận thất bại trước đối thủ Joe Biden và nhiều lần kêu gọi người ủng hộ tập trung về thủ đô Washington để tham gia một cuộc biểu tình vào ngày 6/1, thời điểm Quốc hội Mỹ chứng nhận kết quả cử tri đoàn.

Ngày 20/12/2020, ông Trump đăng tweet kêu gọi: "Rõ ràng về mặt thống kê, tôi không thể thất cử. Hãy tổ chức một cuộc biểu tình lớn ngay thủ đô Washington vào ngày 6/1. Hãy tề tựu về thủ đô, không khí sẽ rất náo nhiệt!"

Đến ngày 6/1, hàng nghìn người ủng hộ quả thực đã tập trung về thủ đô Washington. Họ nghe lời kêu gọi của ông Trump và tuần hành đến Tòa nhà Quốc hội Mỹ để bày tỏ thái độ giận dữ với quy trình bỏ phiếu cũng như để gây áp lực buộc các nghị sĩ bác bỏ kết quả.

Phát biểu trước đám đông biểu tình vào sáng ngày 6/1, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ cùng đi bộ xuống Tòa nhà Quốc hội và cổ vũ cho các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ dũng cảm của chúng ta".

"Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ chịu thua", ông Trump tiếp tục, khiến đám đông thích thú khi gọi chiến thắng của Đảng Dân chủ là sản phẩm của "những trò nhảm nhí".

"Nhảm nhí! Nhảm nhí! Nhảm nhí!", người biểu tình hô vang đáp lại lời ông Trump.

Quá trình ông Trump kích động bạo loạn tại Quốc hội Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Trump phát lời kêu gọi người ủng hộ tuần hành đến Tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Trong nhiều tuần qua, ông Trump đã tìm cách ngăn cản quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình bằng một loạt tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử trên mạng xã hội cũng như nhờ sự giúp đỡ của các phong trào như "Stop the Steal" (tạm dịch: ngừng đánh cắp phiếu bầu".

Reuters nhận định, loạt sự kiện hỗn loạn hôm 6/1 là đỉnh điểm của những nỗ lực trên. Khoảng 50 phút sau bài phát biểu của ông Trump, một số người ủng hộ phất cờ in hình đương kim Tổng thống Mỹ và bắt đầu hướng đến Điện Capitol.

Hàng trăm người biểu tình vượt qua hàng rào của cảnh sát, xông vào tòa nhà và phòng của các nhà lập pháp. Quá trình chứng nhận phiếu bầu bị gián đoạn, Phó Tổng thống Pence và các nghị sĩ phải sơ tán. Cảnh sát Washington cho biết một nữ thường dân bị bắn chết.

Khi màn đêm buông xuống, tình hình bên trong Điện Capitol tạm thời đã được kiểm soát và Quốc hội đã tiếp tục công việc, nhưng bên ngoài thì còn rất nhiều người biểu tình, bao gồm các nhóm dân quân tự vũ trang và các nhóm cực hữu, đang quấy phá.

Bạo loạn tạm dẹp yên, ông Trump chưa chịu từ bỏ

Không đồng hành cùng người ủng hộ như đã tuyên bố, ông Trump leo lên xe chống đạn và trở về theo dõi cảnh bạo lực trên truyền hình từ Phòng Bầu dục. Khoảng một giờ sau khi Điện Capitol bị phong tỏa, ông Trump đăng tweet kêu gọi người ủng hộ "nên biểu tình trong hòa bình".

Làn sóng chỉ trích ông Trump kích động bạo loạn đang bùng nổ. Các cấp dưới thân cận bắt đầu cân nhắc từ chức, trong khi một hiệp hội doanh nhân và một hạ nghị sĩ đề nghị Phó Tổng thống Pence bãi nhiệm ông Trump.

Quá trình ông Trump kích động bạo loạn tại Quốc hội Mỹ - Ảnh 2.

Khung cảnh hỗn loạn tại Quốc hội Mỹ vào chiều tối ngày 6/1. (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, 4 cựu Tổng thống Mỹ gồm Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton và Jimmy Carter cùng lên án đám đông bạo loạn đã xông vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ cũng như các nhà lập pháp tìm cách hủy bỏ kết quả bầu cử tổng thống.

"Thật là một cảnh tượng kinh khủng và đau lòng. Bạo loạn và tranh chấp bầu cử như thế này chỉ xảy ra ở một nơi nhảm nhí nào đó, không phải nước cộng hòa dân chủ của chúng ta", ông Bush tuyên bố.

Ông Obama khẳng định: "Câu chuyện hoang tưởng của bọn họ ngày càng xa rời thực tế và hình thành sau nhiều năm bị gieo rắc sự bất mãn. Bây giờ chúng ta đang nhìn thấy hậu quả".

"Tôi kinh hoàng trước hành vi liều lĩnh của một số nhà lãnh đạo chính trị kể từ sau cuộc bầu cử. Tôi cũng bàng hoàng trước thái độ thiếu tôn trọng của họ đối với các thể chế, truyền thống và việc thực thi pháp luật của chúng ta", Politico dẫn lời cựu Tổng thống Bush nhấn mạnh.

Cựu Tổng thống Clinton cho rằng hành động chiếm đóng Điện Capitol của đám đông ủng hộ ông Trump là hệ quả thảm khốc của "nền chính trị độc hại" và sự tuyên truyền thông tin sai lệch.

Tổng thống đắc cử Joe Biden xuất hiện mạnh mẽ trên truyền hình trực tiếp, khẳng định cuộc bạo loạn "không phải biểu tình mà là một cuộc nổi dậy". Ông Biden kêu gọi ông Trump lên tiếng yêu cầu "chấm dứt cuộc vây hãm Quốc hội Mỹ".

Khi chỉ trích gia tăng, các đồng minh thân cận như Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy và một số cố vấn còn trụ lại Nhà Trắng đã thúc giục ông Trump phát đi thông điệp rõ ràng hơn.

Cuối cùng, Tổng thống Trump cũng đăng một đoạn video lên Twitter.

"Tôi biết các bạn đang bị tổn thương. Chúng ta đã chứng kiến gian lận bầu cử...", ông Trump lặp lại các cáo buộc sai sự thật quen thuộc. "Tuy nhiên, các bạn phải quay về nhà. Chúng ta cần có hòa bình. Chúng ta cần sống trong luật lệ và trật tự", ông nói tiếp.

Sau đó, ông Trump lại đăng thêm một thông điệp khác và gọi đám đông biểu tình là "những yêu nước vĩ đại" đang phản kháng khi chiến thắng bầu cử của phe ông "bị tước đi một cách tàn nhẫn". 

Twitter sau đó đã tạm khóa tài khoản của ông Trump và xóa ba đoạn tweet, trong đó có video mà ông Trump vừa đăng tải vì cho rằng thông điệp của nó mang tính kích động bạo lực nhiều hơn là kiềm chế đám đông. Facebook và Instagram cũng xóa video nói trên và khóa tài khoản của ông Trump để ngăn bạo lực leo thang.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.