Tại buổi lễ nhận bằng chứng nhận "Nhãn hiệu sữa trẻ em số 1 Việt Nam" do Hiệp hội Sữa Việt Nam trao tặng hôm nay, 10/7, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood Trần Thị Lệ chia sẻ thành công trong ngành sữa, và tiết lộ về việc xuất khẩu cà phê của NutiFood.
CEO NutiFood tiết lộ tập đoàn một đơn hàng xuất khẩu từ một thương hiệu uy tín thế giới. Để đạt yêu cầu xuất khẩu của thương hiệu này, NutiFood đã phải đáp ứng gần 250 tiêu chuẩn, đánh giá từ nhà máy, sử dụng lao động, an toàn lao động.
"Ngành cà phê sinh sau đẻ muộn nhưng hiện nay NutiFood đã có đơn hàng đi Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan. Đây là những đơn hàng đầu tiên khích lệ chúng tôi, khích lệ tinh thần mang văn hóa Việt, đưa cà phê Việt ra thế giới", bà Trần Thị Lệ nói.
Năm 2017, NutiFood chính thức bước chân vào lĩnh vực cà phê thông qua mua lại cổ phần của Công ty Cà phê Phước An - một doanh nghiệp cà phê lớn tại tỉnh Đắk Lắk, sau đó, nâng dần tỉ lệ sở hữu tại công ty lên hơn 60%. Cà phê là lĩnh vực kinh doanh mới nhất hiện nay của NutiFood.
Theo bà Lệ, mục tiêu của NutiFood khi kinh doanh cà phê xuất phát từ việc bà trăn trở sản lượng cà phê Việt Nam thuộc top đầu thế giới nhưng chủ yếu xuất thô khiến giá trị không cao.
Bà cho rằng chỉ xuất khẩu cà phê đã qua chế biến mới có thể nâng cao giá trị cho cà phê, đóng góp công sức cho nông dân Việt cũng như mang giá trị cà phê Việt ra thế giới.
Chủ tịch NutiFood, ông Trần Thanh Hải, cũng cho biết thêm bán 1 kg cà phê nhân thu về khoảng 2 USD, bằng giá trung bình một li cà phê ở các nước nhập khẩu. Trong khi đó, với mỗi kg cà phê nhân, người ta có thể pha 50 li cà phê.
Vợ chồng nhà sáng lập NutiFood cho rằng đây là một nghịch lí và họ quyết tâm thay đổi điều đó. Với hệ thống phân phối hiện nay, NutiFood khẳng định họ sẽ đưa thương hiệu cà phê gắn với chỉ dẫn địa lí Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) không chỉ phục vụ trong nước mà còn ra thế giới.
Chính thức nhảy vào lĩnh vực cà phê từ giữa năm 2017, đến tháng 3/2018, NutiFood bắt tay với Huyền thoại golf Greg Norman - Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kì 2018-2021, tham vọng sự hợp tác sẽ đưa văn hóa cà phê Việt Nam và các sản phẩm cà phê của NutiFood ra thế giới như định hướng ban đầu.
Tuy nhiên, đến nay, đây là lần hiếm hoi ban lãnh đạo NutiFood tiết lộ về thị trường xuất khẩu cà phê. Vợ chồng doanh nhân Trần Thanh Hải - Nguyễn Thị Lệ đã có những đơn hàng đầu tiên đi Mỹ, Hàn Quốc và một số nước châu Âu sau khoảng 3 năm bước chân vào lĩnh vực mới.
Hiếm khi nhắc đến mảng xuất khẩu cà phê, song dấu ấn của NutiFood tại thị trường nội địa vài năm qua rất rõ nét - từ sản phẩm cà phê sữa đá tươi NutiCafe cho đến chuỗi cà phê Ông Bầu.
Tháng 8/2018, sau hơn 1 năm bước chân vào lĩnh vực cà phê, NutiFood có sản phẩm đầu tiên là cà phê sữa đá tươi NutiCafe.
Chọn thị trường cà phê hòa tan để tấn công, ông Trần Thanh Hải nhận định thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu lớn và lâu năm cả trong và ngoài nước.
Ông cho rằng thế mạnh của NutiFood là có nguồn cà phê tốt nhất từ vùng nguyên liệu nổi tiếng Đăk Lắk, đồng thời tận dụng lợi thế công nghệ và nội lực R&D để tìm chỗ đứng riêng cho sản phẩm.
Đến đầu năm nay, bất chấp đại dịch COVID-19, thị trường chuỗi cà phê lại tiếp tục sôi động khi xuất hiện một thương hiệu mới cà phê Ông Bầu. Cùng với bầu Đức (Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức) và bầu Thắng (Chủ tịch Công ty CP Đồng Tâm Võ Quốc Thắng), NutiFood chính là doanh nghiệp phía sau, hỗ trợ về nguồn nguyên liệu cà phê, quản lí, vận hành cho chuỗi Ông Bầu.
Nguồn nguyên liệu hiện tại cung cấp cho chuỗi cà phê Ông Bầu tới từ nông trường cà phê Phước An, do NutiFood đầu tư.
"Chúng tôi nói thật, làm thật và mang cà phê thật đến cho mọi người, trả lại giá trị cho cà phê. Mục tiêu sắp tới của Ông Bầu là 10.000 điểm bán bởi khi hệ thống đủ rộng, đủ lớn thì cà phê thật mới nhanh chóng đến với nhiều người tiêu dùng", Chủ tịch NutiFood Trần Thanh Hải khẳng định.