Từ đầu tháng 4 đến nay, ghi nhận của chúng tôi, trên các trang tin và hội nhóm facebook bất động sản ở Đà Nẵng có rất nhiều người đăng thông báo bán khách sạn từ 2 sao trở lên.
Trung bình một ngày, có khoảng 50 tin rao bán khách sạn mới (theo khảo sát thực tế của PV tại 2 trang tin và 2 nhóm bất động sản lớn nhất). Trong số này, có vài khách sạn được rao trùng lặp, hoặc rao bán từ đầu tháng 4 đến nay vẫn chưa bán được nên đăng lại.
Các thông tin rao bán khách sạn ở Đà Nẵng. (Ảnh chụp màn hình).
Các khách sạn được bán chủ yếu tại 4 quận là: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Trong đó, khách sạn tại địa bàn phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn được rao bán chiếm áp đảo do đây là nơi có số lượng khách sạn lớn nhất hoạt động với hàng nghìn phòng, được gọi là "Phố Tây" của Đà Nẵng.
Cụ thể, một người tên G. rao bán khách sạn 4 sao ở đường Hồ Xuân Hương, quận Ngũ Hành Sơn 12 tầng, 65 phòng với diện tích 443m2. Giá giao dịch là 120 tỉ đồng, có thể thỏa thuận.
Hay người tên M., rao bán khách sạn cũng với 13 tầng, 65 phòng tiêu chuẩn 4 sao ngay mặt tiền đường Hồ Xuân Hương nhưng với giá 135 tỉ đồng.
Theo khảo sát của PV, không chỉ 2 khách sạn trên mà còn hàng trăm khách sạn khác được người đăng tải thông tin bán cho biết là đang kinh doanh rất rốt, phòng kín khách quanh năm, ngay cả thời điểm hiện nay bị ảnh hưởng bởi dịch. Lí do bán để đi nước ngoài định cư, bán cho con du học. Khách sạn được xây dựng đều từ năm 2017 đến nay.
Chúng tôi trao đổi qua điện thoại với một người tên H. bán khách sạn 3 sao, ở đường Nguyễn Văn Thoại. Người đàn ông ở phía đầu dây nói: "Đang kinh doanh rất tốt nhưng mình muốn bán để đi ra nước ngoài. Giá thì như mình đăng trên website bạn thấy đó, có thể thỏa thuận 1 chút, giao dịch ngay vì mình đi nước ngoài". Khách sạn này đang được rao bán gần 160 tỉ đồng.
Tại khu vực quận Ngũ Hành Sơn, các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ tập trung lớn nhất tại khu vực ven biển của phường Mỹ An (xung quanh các tuyến đường Nguyễn Văn Thoại, Lê Quang Đạo, Trần Bạch Đằng, Ngô Thì Sỹ, Hoàng Kế Viêm, Hồ Xuân Hương, đặc biệt là khu vực An Thượng); dọc tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp.
Nơi đây có khoảng 140 cơ sở lưu trú với khoảng 5.400 phòng. Các khách sạn đa số đều đóng cửa, không kinh doanh dù chính quyền TP Đà Nẵng cho mở lại từ ngày 23/4.
Theo ghi nhận, trên các các bãi biển Đà Nẵng, điểm, khu du lịch ở trung tâm thành phố, PV cũng không thấy còn khách du lịch Hàn Quốc và Trung Quốc đi dạo, vui chơi. Không có khách sạn nào có hoạt động xe đưa đón những khách từ hai nước trên đến lưu trú.
Các khách sạn được rao bán tại các tuyến đường trên với "quảng cáo" đang kinh doanh rất tốt, phòng kín khách quanh năm, ngay cả thời điểm hiện nay là dường như không thể.
Một giám đốc khách sạn chia sẻ, việc rao bán khách sạn hiện nay là rất nhiều, đây là những người vay ngân hàng đầu tư vào để cho khách du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc thuê khi lượng khách đến từ thị trường này rất lớn, trước khi có dịch.
Có thể do chủ đầu tư không gồng nổi tiền vay đến khi hết dịch nên muốn bán để giảm lỗ.
Nhiều khách sạn không có khách, đèn điện tắt tối om khi mới hơn 19h tối. (Ảnh: Chu Lai).
Phòng Tổng hợp qui hoạch, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết: Đối với TP Đà Nẵng, du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, trong Quí I năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ ước đạt 1.255.470 lượt khách, giảm 25% so cùng kì 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 469.243 lượt, giảm 26,9%; khách nội địa ước đạt 786.227 lượt, giảm 23,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 3.569 tỉ đồng, giảm 23,7% so với cùng kì 2019; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 435,5 tỉ đồng, giảm 19,5%.
"Hai thị trường khách lớn nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc tính đến tháng 3 đã giảm 90-100% lượng khách do việc tạm dừng toàn bộ các đường bay trực tiếp thường kì và thuê chuyến đến Đà Nẵng.
Các doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng, cắt giảm hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí, đặc biệt khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, khu, điểm..., thậm chí, một số đơn vị phải tạm dừng hoạt động.
Tổng thiệt hại trực tiếp của ngành du lịch Đà Nẵng dự kiến trong Quí I/2020 khoảng hơn 1.859 tỉ đồng, lũy kế đến Quí II/2020, dự kiến tổng thiệt hại là 5.672 tỉ đồng", Phòng Tổng hợp qui hoạch, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng thông tin.
Trong khi đó, báo cáo của Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết thêm, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 4 ngày, tổng lượng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 5.800 lượt, giảm 98,5% so với dịp nghỉ này năm 2019.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 650 lượt là khách lưu trú trước thời điểm 28/3/2020, giảm 99,5%; khách nội địa ước đạt 5.150 lượt, giảm 98% so với dịp nghỉ này năm 2019.
Lượng khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng trong dịp này ước đạt 1.626 lượt khách, giảm 99% so với dịp nghỉ này năm 2019.
Trong đó, khách nội địa ước đạt 1.046 lượt khách, giảm 99% và khách quốc tế ước đạt 580 lượt khách, giảm 99% so với dịp nghỉ lễ năm 2019.
Đa số khách lưu trú tính đến thời điểm này là khách ở trước thời điểm 28/3/2020, một số khách nội địa đi công tác sau khi hết cách li xã hội. Tính đến nay, có khoảng 150/968 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang hoạt động, trong đó có khoảng 50 cơ sở lưu trú du lịch mới mở cửa hoạt động trở lại.