Phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19: Nên ưu tiên phát triển thị trường du lịch nội địa

Để khôi phục du lịch Việt Nam hậu Covid-19 nên tập trung phát triển thị trường nội địa cho giai đoạn ngay sau dịch bệnh được khống chế thành công ở trong nước. Tiếp đó là khai thác thị trường Đông Nam Á và tiếp tục với thị trường truyền thống của Việt Nam những năm qua như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Vừa qua, Outbox Consulting, công ty khởi nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn giải pháp toàn diện quản lí – phát triển hệ sinh thái điểm đến du lịch, đã công bố báo cáo về phương án phục hồi các điểm du lịch tại Việt Nam.

Theo Outbox Consulting, hiện vẫn chưa thể đưa ra được bất kì nhận định nào về thời điểm nhận định nào về thời gian ngành du lịch có thể phục hồi và du khách sẽ quay trở lại với điểm đến sau dịch.

Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, tình hình khách quốc tế đến Việt Nam sẽ phụ thuộc vào thời điểm dịch Covid-19 được khống chế trên thế giới. Theo đó, các kịch bản có thể xảy ra là phục hồi dần nhưng chậm từ tháng 6 đến cuối năm hoặc thậm chí chỉ có thể phục hồi từ cuối năm nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến quí III. Các dự báo quốc tế cũng cho thấy để thị trường du lịch toàn thế giới phục hồi hoàn toàn cần tối thiểu một năm. 

Căn cứ vào dự báo của các chuyên gia y tế ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh có khả năng sẽ được khống chế trong giai đoạn tháng 5 – tháng 6 ở các nước châu Á và khoảng tháng 7 – tháng 8 ở các quốc gia châu Âu và châu Mỹ. 

Với kịch bản đó, Outbox Consulting đã xây dựng các giải pháp phục hồi theo mức độ ưu tiên ứng với khả năng khống chế dịch bệnh của mỗi thị trường mục tiêu để từng bước đưa ngành du lịch quay trở lại hoạt động.

Tập trung phát triển thị trường nội địa cho giai đoạn ngay sau dịch bệnh được khống chế thành công ở trong nước

Theo Outbox Consulting cho biết, tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện tại của Chính phủ hiện nay đủ cơ sở để kì vọng vào việc Việt Nam sẽ cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh trong tháng tháng 5. Với kịch bản đó, người dân có thể từng bước quay trở lại nhịp sống hàng ngày từ tháng 7.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp ở các quốc gia bên ngoài dẫn tới việc hạn chế các chuyến bay quốc tế vẫn có khả năng bị kéo dài cho đến cuối năm thì thị trường nội địa chính là ưu tiên hàng đầu cho ngành du lịch các điểm đến trong giai đoạn mùa hè.

Phát triển thị trường du lịch nội địa nên là ưu tiên hàng đầu sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam - Ảnh 1.

Gành Đá Đĩa thuộc khu vực huyện Tuy An là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Phú Yên. (Ảnh: Hoài Thương)

Do đó, các điểm đến có thể cân nhắc ưu tiên xây dựng sản phẩm hay có các chính sách thu hút đặc biệt cho thị trường du lịch nội địa trong năm 2020. Tuy nhiên, việc xây dựng phương án sản phẩm hay truyền thông cho thị trường nội địa cũng cần lưu ý đến khả năng mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được nới lỏng trong những tháng tới nhưng các yêu cầu về cách li, hạn chế tụ tập đông người, giảm tần suất chuyến bay vẫn có khả năng vẫn được kéo dài trong một thời gian dài.

Để phát triển thị trường nội địa, các điểm đến cũng nên ưu tiên cho các giải pháp thu hút thị trường các địa phương lân cận, ưu tiên các sản phẩm riêng tư, tránh các chương trình sự kiện lễ hội thu hút đông người.

Lựa chọn thị trường các quốc gia Đông Nam Á để bắt đầu phục hồi thị trường

Căn cứ tình hình kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia Đông Nam Á có thể thấy Chính phủ các quốc gia trong khu vực đang phần nào làm chủ được tình hình. 

Do đó, các quốc gia trong khu vực có thể kiểm soát dịch bệnh tốt trong mùa hè và hoạt động giao thương, du lịch có thể phục hồi từ quí III (khi các đường bay quốc tế được nối lại một phần).

Theo Outbox Consulting, hạn chế về tài chính và tâm lí lo sợ dịch bệnh vẫn chưa thể chấm dứt hết sẽ khiến nhiều du khách có xu hướng lựa chọn những điểm đến có khoảng cách gần, trong khu vực. 

Điều này kết hợp với các dự báo về xu hướng thay đổi hành vi của du khách giai đoạn sau dịch thì đây có thể là thị trường tiềm năng để các điểm đến có thể xem xét.

Tiếp tục với thị trường truyền thống của Việt Nam những năm qua như Trung Quốc, Hàn Quốc

Theo Outbox Consulting, các thị trường truyền thống vốn đã quen thuộc với hình ảnh các điểm đến tại Việt Nam và có khả năng Việt Nam vẫn nằm trong kế hoạch du lịch của các thị trường này là cao hơn so với các thị trường mới.

Trong bối cảnh hiện nay, khi những chuẩn bị về đa dạng hoá thị trường của ngành du lịch vẫn chưa thật sự tốt thì chúng ta không có quá nhiều sự lựa chọn ngoài việc tiếp tục với những thị trường truyền thống trước đó để duy trì sự tăng trưởng của ngành du lịch địa phương.

Phát triển thị trường du lịch nội địa nên là ưu tiên hàng đầu sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam - Ảnh 2.

Khách du lịch Hàn Quốc tại Hội An, Quảng Nam. (Ảnh: Vietnam Tourism)

Bên cạnh đó, theo dự báo của tổ chức tiền tệ thế giới IMF thì các quốc gia châu Á vốn là những thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ vẫn giữ được sự tăng trưởng kinh tế cơ bản hoặc chỉ sụt giảm nhẹ nên khả năng người dân ở các quốc gia kể trên vẫn tiếp tục chi tiêu cho hoạt động du lịch.

Do đó, Outbox Consulting cho rằng các cơ quan quản lí điểm đến vẫn nên tiếp tục các chính sách ưu tiên dành cho thị trường này như trước dịch, thậm chí trong khả năng cho phép có thể đẩy mạnh hơn về các chính sách visa, giá cả để kích cầu nhóm thị trường này.

Các thị trường xa nên được xác định là ưu tiên dài hạn cho năm 2021

Outbox Consulting nhận định, các nhóm thị trường tiềm năng nhưng chưa thật sự tăng trưởng cao trong các năm qua cũng như các thị trường xa như Châu Âu, Bắc Mỹ nên được các cơ quan quản lí ngành du lịch xác định là những ưu tiên dài hạn cho năm 2021 thay vì cố gắng tiếp cận thu hút trong năm nay.

Những diễn biến hiện tại của dịch bệnh ở các quốc gia trên cho thấy khả năng phục hồi hoàn toàn của những thị trường này sẽ rơi vào cuối quí III năm nay, thậm chí quí IV. Điều này kết hợp với những thiệt hại nặng nề mà Covid-19 đã gây ra tại các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, cũng như với khoảng cách địa lí xa cùng đặc tính thói quen lập kế hoạch du lịch dài hạn của du khách từ những thị trường này sẽ làm cho khả năng các điểm đến tại Việt Nam được đón tiếp trở lại số lượng lớn du khách từ khu vực này ngay trong năm nay là không quá cao. 

Các thị trường kể trên sẽ phải cần tối thiểu một năm để phục hồi cơ bản, do đó năm 2021 có lẽ là một lộ trình phù hợp hơn. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.