TP HCM không phát sinh doanh thu trong tháng 4 từ du lịch và lữ hành

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch và lữ hành tại TP HCM không có doanh thu trong tháng 4/2020.

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê TP HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2020 dự ước đạt 68.457 tỉ đồng, giảm 22,8% so với tháng trước và giảm 34,2% so với tháng cùng kì năm 2019. 

Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là ngành du lịch và lữ hành không phát sinh doanh thu trong tháng do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid 19. Các ngành khác cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh, doanh thu từ hoạt động bán lẻ tháng 4 56.039 tỉ đồng, chiếm 81,9%, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 4,8% so với tháng cùng kì, hầu như các trung tâm thương mại lượng khách đến mua sắm rất ít. 

Dịch vụ lưu trú và ăn uống 1.306 tỉ đồng, so với tháng trước và so với cùng kì năm trước có mức tương ứng giảm mạnh là 47,7% và giảm 85,8%. 

TP HCM không phát sinh doanh thu trong tháng 4 từ du lịch lữ hành - Ảnh 1.

Bưu điện TP HCM vắng khách tham quan do ảnh hưởng dịch Covid-19. (Ảnh: Bảo Bình)

Trong đó, đối với ngành ăn uống giảm 46,7% so với tháng trước và giảm 85,5% so với tháng 4 năm trước. Mặc dù các đơn vị có đưa ra các phương thức như giao hàng tại nhà hay chỉ bán mang đi nhằm hạn chế tổn thất doanh thu, nhưng tâm lí e ngại, sợ nhiễm bệnh, người dân tăng cường ăn uống tại nhà, tránh tiếp xúc bên ngoài.

Ngoài ra, doanh thu lưu trú trong tháng 4 giảm 57% so với tháng trước và giảm 88,2% so với cùng kì năm trước. Hiện nay lượng khách chủ yếu là khách thuê theo giờ, hoặc những trường hợp lưu trú nhằm chữa bệnh, khách quốc tế đến và chưa thể về nước. 

Đặc biệt, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên cũng tác động trực tiếp đến lượt khách đi lại trong và ngoài nước, số chuyến bay tháng 4 ước đạt 1.936 chuyến, giảm 87,1% so với tháng trước, so với tháng cùng kì giảm 90,8%.

Trong đó, chuyến bay ngoài nước ước đạt 1.256 chuyến bay, so với tháng trước giảm 76,0%. Tổng hành khách tháng 4 ước đạt 69,5 nghìn lượt người, giảm 96,1% so với tháng trước, giảm 97,9% so tháng cùng kì. Trong đó lượng khách bay nước ngoài không có.

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 387.568 tỉ đồng, giảm 11,2% so với cùng kì năm trước. Chia theo ngành kinh tế, trừ ngành thương mại có mức tăng nhẹ, các ngành còn lại đều giảm sâu.

Riêng các nhóm lương thực, thực phẩm; hàng may mặc… có chỉ số tăng so với năm trước. Doanh thu từ nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 47.641 tỉ đồng, tăng 14,8% so với cùng kì năm trước.

Doanh thu từ dịch vụ lưu trú ước đạt 2.121 tỉ đồng, giảm 44,5% so với cùng kì năm trước; doanh thu từ dịch vụ ăn uống giảm 45,1%.

Du lịch, lữ hành là ngành cũng chịu tổn thất nặng nề nhất từ dịch bệnh. Do đó, doanh thu ước đạt 4.175 tỉ đồng, giảm đến 58,3% so với cùng kì năm trước.

Theo Cục Thống kê TP HCM, hoạt động lữ hành dự báo sẽ còn khó khăn do dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tác động mạnh đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong khi đó, du lịch nội địa dự báo sẽ có chuyển biến tích cực bắt đầu vào quý III. Tuy nhiên yếu tố tâm lí, chi phí là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của người dân.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.