Đề xuất gói hỗ trợ tài chính 150 tỉ đồng cho doanh nghiệp du lịch vượt qua đại dịch Covid-19

Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đề xuất Chính phủ xem xét một chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150 tỉ đồng nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua đại dịch Covid-19.

Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đánh giá du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 và cũng là ngành đầu tiên cảm nhận được sự suy thoái của kinh tế toàn cầu. Đại dịch đã làm ngành du lịch thiệt hại khoảng 7 tỉ usd chỉ trong 3 tháng đầu năm nay.

Theo khảo sát gần nhất của TAB, 71% doanh nghiệp cho biết doanh thu trong quí I/2020 giảm hơn 30% so với cùng kì 2019, 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quí II sẽ giảm hơn 80% so với quí II/2019.

Bên cạnh những gói giải pháp theo Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ít nhất đã có hai lần gửi kiến nghị gấp tới Chính phủ đề xuất cần có thêm một số giải pháp như kéo dài thời gian nộp thuế cho đến tháng 6/2021, miễn thuế, miễn VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch, miễn phí cấp thị thực cho khách quốc tế 12 tháng và các giải pháp hỗ trợ quảng bá kích cầu du lịch… Bộ cũng đề nghị có gói tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour…

Ngoài những giải pháp đó, hơn 88% doanh nghiệp phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ. 

Đề xuất gói hỗ trợ tài chính 150 tỉ đồng cho doanh nghiệp du lịch vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Một đoàn khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 15/2. (Ảnh: Quang Thái)

Mới đây, trong bức thư gửi Thủ tướng, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đề xuất Chính phủ xem xét một chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150 tỉ đồng, tương đương khoảng 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch, nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch và lữ hành trong bối cảnh dịch Covid-19.

Với đề nghị này, theo TAB, các doanh nghiệp đăng kí sẽ có thể vay vốn định kì hàng quí cho hai quí tiếp theo, với số tiền tương đương với khoản thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp và đóng góp ngân sách năm 2019, cộng với số tiền doanh nghiệp đã đóng đảm bảo cho các hình thức bảo hiểm xã hội và y tế, bảo hiểm thất nghiệp. 

Những doanh nghiệp nằm trong diện kiến nghị là phải có đầy đủ các yếu tố, bao gồm vốn điều lệ tối thiểu 3 tỉ đồng, có tối thiểu 10 người lao động toàn thời gian vào thời điểm 29/2/2020 cũng như đóng đủ các khoản của năm 2019.

TAB kiến nghị lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm rút vốn vay cộng thêm 0,5%, cố định trong 6 tháng. Doanh nghiệp sẽ trả nợ vay làm hai lần, vào thời điểm 11 tháng sau mỗi lần rút vốn vay từ năm 2021.

Cấu trúc như vậy sẽ đơn giản để các ngân hàng thực hiện và giúp được các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chuyên nghiệp duy trì hoạt động.

TAB tin rằng đại đa số doanh nghiệp sẽ có khả năng hoàn trả các khoản vay và Chính phủ cần sớm có những hành động hỗ trợ ngành và giảm thiểu việc các doanh nghiệp sa thải do dư thừa lao động và những tác động kinh tế - xã hội mà nó gây ra. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp duy trì được hoạt động và có thể phản ứng nhanh khi thị trường bắt đầu được mở trở lại. Điều này cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ. 

TAB cũng cho biết đang tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp khách sạn thành viên cung cấp chỗ ở miễn phí cho các du khách bị mắc kẹt lại ở Việt Nam có khó khăn về tài chính, cùng với các lựa chọn ăn uống không đắt tiền.

Ở một số nước coi du lịch và lữ hành là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, chính phủ đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động trong ngành.

Ví dụ, Singapore đã công bố chính sách tín dụng, theo đó các công ty hoạt động liên quan đến du lịch có thể vay đến 1 triệu sgd với lãi suất 5%, hoàn lại thuế tài sản, đồng thời chính phủ đóng góp 8% lương của người lao động trong 3 tháng. 

Ở Thái Lan, chính phủ đã công bố sẽ hỗ trợ 62% lương hàng ngày của người lao động trong lĩnh vực này, tối đa đến 15.000 thb mỗi tháng (460 usd).

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.