Mới đây, Outbox Consulting, công ty khởi nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn giải pháp toàn diện quản lí – phát triển hệ sinh thái điểm đến du lịch, đã công bố báo cáo về phương án phục hồi các điểm du lịch tại Việt Nam.
Theo Outbox Consulting, hiện vẫn chưa thể đưa ra được bất kì nhận định nào về thời điểm nhận định nào về thời gian ngành du lịch có thể phục hồi và du khách sẽ quay trở lại với điểm đến sau dịch. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào những diễn biến tiếp theo của dịch bệnh và khả năng kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia cũng như thời điểm dịch bệnh chính thức chấm dứt trên toàn cầu.
Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, với những hệ luỵ tác động về tâm lí và kinh tế lên thị trường, sẽ có những xu hướng mới xuất hiện trong việc lập kế hoạch, lựa chọn và tổ chức chuyến đi của du khách. Do đó, Outbox Consulting đã đưa ra 3 xu hướng mà khách du lịch sẽ lựa chọn sau Covid-19.
Sức khỏe và an toàn là mối quan tâm hàng đầu của du khách
Dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong xã hội. Những hệ lụy của nó vẫn sẽ có những tác động nhỏ đến tâm lí của hầu hết du khách khi quyết định lựa chọn.
Do đó, các yếu tố liên quan đến sự an toàn hay các thông tin về trình độ y tế và khả năng hỗ trợ sức khỏe của điểm đến sẽ là một trong những yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn điểm đến của du khách, đặc biệt là khoảng thời gian sau dịch.
Ưu tiên cho các điểm đến gần nhà và các chuyến đi ngắn ngày
Theo Outbox Consulting, những khó khăn trong di chuyển do các hãng hàng không đột ngột cắt giảm, hoãn chuyến bay trong đợt khủng hoảng vừa qua, cùng với hạn chế về tài chính và tâm lí lo sợ dịch bệnh vẫn chưa thể chấm dứt hết sẽ khiến nhiều du khách có xu hướng lựa chọn những điểm đến có khoảng cách gần, trong khu vực hay trong nước.
Ngoài ra, du khách cũng sẽ ưu tiên các tour du lịch ngắn ngày hơn thay vì chọn một điểm đến du lịch ở xa để bảo đảm các yếu tố an toàn sức khoẻ, tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu các rủi ro và chủ động hơn trong các tình huống bất ngờ.
Nhạy cảm với chi phí
Outbox Consulting phân tích, khủng hoảng Covid-19 kéo theo các hệ lụy về kinh tế. Vì vậy, người dân sẽ có xu hướng thắt chặt hầu bao và chi tiêu tiết kiệm hơn.
Những tác động tiêu cực này đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới ngành du lịch và khả năng ưu tiên chi tiêu của người dân cho hoạt động du lịch cũng vì vậy mà sụt giảm.
Theo đó, du khách sẽ trở nên đặc biệt nhạy cảm đối với vấn đề chi phí và giá cả trong việc lựa chọn điểm đến hay tổ chức chuyến đi. Họ sẽ có xu hướng lựa chọn các điểm đến có các sản phẩm trọn gói với giá ưu đãi để vừa có thể giải tỏa sau thời gian khó khăn của dịch bệnh nhưng vẫn bảo đảm việc tiết kiệm chi phí.