Mô hình phục hồi nào cho ngành du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19?

Sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát trên toàn thế giới.

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 đã khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quí I/2020 giảm sâu. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quí I/2020 giảm 18,1% so với cùng kì năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.

Tính riêng trong tháng 3, số lượng khách quốc tế giảm mạnh 63,8% so với tháng trước và giảm 68,1% so với cùng kì năm trước do ảnh hưởng của dịch.

Nhiều chuyên gia dự báo lượng khách du lịch sẽ còn tiếp tục đà giảm sâu và có thể sẽ chạm đáy từ tháng 4 do hàng loạt các nước trên thế giới tiếp tục gia tăng các biện pháp để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Mô hình phục hồi nào cho ngành du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh trong tháng 3/2020. (Nguồn: Tổng cục Thống Kê)

Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch) đánh giá, tình hình khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2020 được dự báo sẽ phụ thuộc vào thời điểm dịch bệnh được khống chế trên thế giới. Tương lai của ngành công nghiệp du lịch diễn ra theo nhiều kịch bản, tương ứng với khả năng khống chế dịch bệnh trên toàn cầu. 

Kịch bản cho ngành du lịch Việt Nam khi dịch kết thúc vào tháng 6 hoặc tháng 9

Kịch bản 1: Dịch kết thúc cuối tháng 6/2020, khách quốc tế sẽ giảm 70%

Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 kết thúc vào tháng 6, lượng khách quốc tế sẽ ở đáy từ tháng 4 đến tháng 6. Thời gian này, gần như không có khách quốc tế đến Việt Nam. Số lượng khách sẽ hồi phục dần vào cuối năm nhưng còn thấp, chưa thể tăng trưởng dương so với cùng kì 2019.

Ông Lê Tuấn Anh phân tích, sau khi dịch được khống chế, hoạt động du lịch công vụ có thể phục hồi trước do nhu cầu trên toàn thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất... 

Tuy nhiên, độ mở về đi lại chưa hoàn toàn như trước khi có dịch do các nước vẫn còn đề phòng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Các thị trường gần trong khu vực châu Á có khả năng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc... 

"Theo kịch bản này, khách du lịch quốc tế đến năm 2020 có thể giảm khoảng gần 70% so với năm 2019, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt", ông Tuấn Anh cho biết. 

Kịch bản 2: Dịch kết thúc cuối tháng 9/2020, lượng khách giảm sâu

Trong trường này, tình trạng gần như không có khách du lịch quốc tế sẽ kéo dài hơn trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9, chỉ có thể bắt đầu hồi phục rất hạn chế từ cuối năm với các hoạt động đi lại du lịch công vụ, giao thương.

Ông Lê Tuấn Anh phân tích, theo kịch bản này, lượng khách du lịch quốc tế đến năm 2020 sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt.

Ngoài ra, nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12/2020 dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, từ tháng 4 đến tháng 12 sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế đến, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 80% so với năm 2019, dừng ở tổng số 3 tháng đầu năm với 3,7 triệu lượt. 

Mô hình phục hồi

Nhiều kịch bản hồi phục của nền kinh tế nói chung, ngành du lịch nói riêng sau đại dịch Covid-19 theo các mô hình chữ V, chữ U, chữ L hay chữ W được nhiều chuyên gia đưa ra phân tích.

Các dự báo hiện nay đều cho rằng, ngành du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau Covid-19, so với những cuộc khủng hoảng trước như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 hay dịch SARS năm 2003.

Mô hình phục hồi nào cho ngành du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19? - Ảnh 2.

Đoàn khách châu Âu đến tham quan Hà Nội khi Covid-19 chưa bùng phát mạnh. (Ảnh tư liệu: Phương Linh)

Theo tiến sĩ Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch, cho biết kịch bản tốt nhất là du lịch Việt Nam có thể phục hồi theo hình chữ V, tức xuống đáy rồi bật tăng trở lại tương đương mức suy giảm ban đầu, hoặc hình chữ U – tùy theo tốc độ kiểm soát bệnh dịch và phục hồi kinh tế của Việt Nam và toàn cầu. 

Theo ông Kiên, thị trường nội địa hồi phục đầu tiên, sau đó là thị trường khách Trung Quốc, các nước châu Á khác và cuối cùng là các thị trường Âu, Mỹ. Thời gian để ngành du lịch phục hồi hoàn toàn có thể là từ 12 đến 18 tháng.

Từ các kịch bản nêu trên, theo ông Lê Tuấn Anh, du lịch Việt Nam năm 2020 có thể gần theo mô hình chữ L, nghĩa là mất nhiều thời gian.

Sau khi dịch được khống chế, khách du lịch quốc tế không còn nhiều thời gian để lên kế hoạch đi du lịch vào cuối năm, cùng với đó, tâm lí vẫn còn e ngại sau khi dịch đi qua nên năm 2020 dự báo sẽ là năm tăng trưởng thấp kỉ lục của du lịch Việt Nam trong bối cảnh sụt giảm nghiêm trọng của du lịch thế giới.

Ông Lê Tuấn Anh cũng phân tích thêm, khả năng phục hồi theo mô hình chữ U rất khó xảy ra do sau giai đoạn kéo dài ở đáy suy giảm, có sự thay đổi cả ở phía cung (sản phẩm, doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không bị thiệt hại…) và cầu du lịch (thị trường hồi phục dần theo từng nhóm, nội địa và quốc tế, từng phân khúc). Mô hình chữ V đã không thể xảy ra và mô hình chữ W còn tiềm ẩn nhưng chưa thể dự báo trước.

Trước đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cũng dự báo, để hết dịch thì lạc quan nhất cũng phải hết tháng 6/2020 và ngành du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi lại các hoạt động như trước khi có dịch là vào đầu năm 2021.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.