Warren Buffett thừa nhận đã 'bán tháo' toàn bộ cổ phiếu của 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ

Cổ phiếu hàng không của Mỹ đã sụt giảm mạnh từ đầu năm nay, khi nhu cầu di chuyển bằng máy bay đã giảm hơn 95%, vì Covid - 19.

Một cuộc tháo chạy đang diễn ra trong ngành công nghiệp hàng không của Mỹ trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19.

Tỉ phú Warren Buffett 2 ngày trước, đã thừa nhận với các nhà đầu tư rằng Tập đoàn Berkshire Hathaway do ông sở hữu, đã bán toàn bộ cổ phần tại 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ, gồm: American, Delta, Southwest và United.

Tỉ phú Warren Buffett tháo chạy khỏi ngành hàng không

"Nhu cầu vốn của ngành hàng không là vô độ. Các nhà đầu tư đã đổ tiền vào một cái hố không đáy. Họ bị thu hút bởi sự tăng trưởng, trong khi đáng lẽ ra họ nên dừng lại", vị tỉ phú nói.

Warren Buffett bắt đầu rót vốn vào ngành công nghiệp hàng không từ cuối năm 2016. Đó được coi là thời kì bùng nổ của ngành hàng không nước Mỹ, với làn sóng siêu lợi nhuận tận hưởng từ sự lao dốc của giá nhiên liệu.

Warren Buffett thừa nhận đã 'bán tháo' toàn bộ cổ phiếu của 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ - Ảnh 1.

Warren Buffett thừa nhận đã "bán tháo" cổ phiếu của 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ. (Ảnh: CNBC).

Berkshire nhanh chóng trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của 4 gã khổng lồ hàng không ở Mỹ, với tỉ lệ sở hữu gần 10% mỗi hãng. Thời điểm đó, số cổ phần này được đánh giá rơi vào khoảng gần 4 tỉ USD.

Vào mùa thu năm 2017, số cổ phần của Buffett trong các hãng bay được định giá hơn 9 tỉ USD. Vào tháng 2/2018, nhà đầu tư huyền thoại nói rằng ông sẽ không loại trừ khả năng thâu tóm toàn bộ hãng hàng không. Thời điểm đó, tất cả 4 hãng bay này đều đạt mức doanh thu cao nhất mọi thời đại, mang về khoản tiền khổng lồ cho Berkshire.

Tuy nhiên hiện tại, hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đại dịch Covid - 19, giá cổ phiếu đã giảm lớn hơn gấp nhiều lần so với mức giảm 12% của S&P 500 trong năm nay.

Cổ phiếu của American đã giảm 63%, United giảm 70%, Delta giảm 59% và Southwest giảm 46% kể từ đầu năm.

"Đây hoàn toàn không phải là lỗi của 4 vị CEO xuất sắc", Warren Buffett trấn an cổ đông trong cuộc họp. 

"Tất cả là do những ảnh hưởng từ các lệnh hạn chế trong dịch Covid - 19 và du lịch sụt giảm. Tin tôi đi, không có gì vui bằng khi được trở thành CEO của một hãng bay. Những công ty mà chúng tôi nắm giữ cổ phần, chúng được quản lí rất tốt. Họ đã làm được rất nhiều điều đúng đắn".

Mặc dù vậy, Buffett cũng phải thừa nhận rằng doanh nghiệp của ông đã lỗ 50 tỉ USD trong 3 tháng đầu năm nay, chủ yếu đến từ các khoản đầu tư.

Tương lai xám xịt cho các hãng hàng không Mỹ

Trong những tuần gần đây, các hãng bay liên tục báo cáo những khoản lỗ đầu tiên của họ sau rất nhiều năm. Dự báo, trong quý 2, tình hình còn ảm đạm hơn rất nhiều khi virus Covid - 19 và các biện pháp hạn chế lây lan đang khiến du khách tránh xa các sân bay.

Warren Buffett thừa nhận đã 'bán tháo' toàn bộ cổ phiếu của 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ - Ảnh 2.

Sụt giảm hành khách tới 95%, thua lỗ hàng tỉ USD, sự phục hồi dự kiến mất nhiều năm,… một cuộc tháo chạy đang diễn ra trong ngành công nghiệp hàng không của Mỹ trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19. (Ảnh: CNBC).

Sự sụt giảm cũng đã tấn công các nhà sản xuất máy bay như Boeing, khi đại dịch và suy thoái kinh tế đã làm giảm nhu cầu mua máy bay mới của các hãng hàng không, đồng thời làm tăng nguy cơ huỷ bỏ và trì hoãn các đơn đặt hàng hiện có.

Trước đó vào năm 2015, Berkshire của tỉ phú Warren Buffett đã bỏ ra 32 tỉ USD để mua lại nhà cung cấp phụ tùng máy bay Precision Castparts.

Đối với các hãng bay, thời gian này không thể tồi tệ hơn. "Tất cả chúng ta đều biết trước được rằng đà phục hồi sẽ hết sức chậm chạp, và nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ bị đóng băng trong một thời gian", Giám đốc điều hành của American Airlines Doug Parker nói trong tuần truớc, khi công bố về một khoản lỗ 2,2 tỉ USD.

Trong khi đó, CEO Delta - Ed Bastian, vào tháng trước đã đưa ra dự đoán rằng ngành hàng không sẽ mất khoảng 2-3 năm để phục hồi. CEO Boeing cũng chung nhận định này.

"Chúng tôi không thể bình luận quyết định của các cổ đông cá nhân về việc mua bán cổ phần tại Delta. Chúng tôi rất tôn trọng ông Buffett và Tập đoàn Berkshire", đại diện hãng bay Delta tuyên bố.

"Chúng tôi vẫn tự tin rằng những thế mạnh cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của Delta, như nhân viên, thương hiệu, mạng lưới và độ tin cậy sẽ tồn tại và định vị Delta như một hãng hàng không tốt hơn, mạnh hơn và kiên cường hơn trong tương lai", người này nói thêm.

American Airlines và Southwest Airlines từ chối bình luận. United cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận trước thông tin Buffett rút cổ phần.

Các hãng hàng không đang chảy máu tiền mặt

Các hãng hàng không đang chảy máu tiền mặt và chạy đua để cắt giảm chi phí. Chẳng hạn, hàng trăm máy bay đã phải nằm đắp chiếu trên sân băng, hàng ngàn chuyến bay bị huỷ và kêu gọi nhân viên nghỉ phép không lương hoặc được trả lương một phần.

Warren Buffett thừa nhận đã 'bán tháo' toàn bộ cổ phiếu của 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ - Ảnh 3.

Các hãng hàng không đang chảy máu tiền mặt và chạy đua để cắt giảm chi phí. (Ảnh: CNBC).

Các hãng bay cũng dừng việc chia cổ tức và chia sẻ mua lại trong tương lai gần. Những công ty vận tải hàng không này đang cố gắng vay nợ để sống sót qua khủng hoảng.

Thậm chí, United và Southwest đã chuyển sang bán cổ phần để tăng lượng tiền mặt.

Tháng trước, các hãng bay ở Mỹ đã bắt đầu nhận khoản viện trợ của Chính phủ trị giá 25 tỉ USD, bao gồm các khoản vay và trợ cấp với điều kiện họ không làm xáo trộn hay cắt giảm lương của 750.000 nhân viên trong ngành cho đến ngày 30/9.

Scott Kirby, Chủ tịch của United, người sẽ kiêm nhiệm vai trò CEO của hãng vào ngày 20/5 tới nói rằng: "Nếu nhu cầu vẫn giảm trong tháng 10, chúng tôi sẽ không thể chịu đựng thêm cuộc khủng hoảng này. Chúng tối sẽ thực hiện một số hành động khó khăn và đau đớn hơn, bao gồm về việc cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm,… và những biện pháp khác có thể sẽ tác động ngay đến nhân viên và sinh kế của họ".

"Đơn giản là chúng tôi không thể và sẽ không mạo hiểu với tương lai lâu dài của United", vị CEO chia sẻ.

Các biện pháp cắt giảm chi phí khắc nghiệt để tồn tại là không đủ thuyết phục nhà đầu tư tài ba Warren Buffett nấn ná ở lại với ngành hàng không và xem nó thay đổi như thế nào.

"Khi tôi có hứng thú với một doanh nghiệp, tôi sẽ mua càng nhiều cổ phần của nó càng tốt và giữ nó lâu nhất có thể", Buffett nói. "Và khi tôi quyết định thay đổi, tôi sẽ không hành động nửa vời".