Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản xem xét vay hàng tỉ USD khi kinh doanh lỗ kỉ lục

Tập đoàn ANA Holdings Inc. - nhà điều hành hàng không lớn nhất Nhật Bản đang phải gánh chịu khoản lỗ lớn nhất từ trước đến nay.

Lỗ ròng kỉ lục và cắt giảm lao động

Theo The Japan Time, Tập đoàn ANA Holdings Inc. (ANA) đã đưa ra dự báo lỗ ròng khoảng trên 500 tỉ yen (4,8 tỉ USD) trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3/2021. 

Là hãng vận tải hàng không lớn nhất của Nhật Bản, nhưng ANA đang phải chịu sự sụt giảm nghiêm trọng về lưu lượng hành khách trong nước và quốc tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

ANA đang tham gia một chiến dịch du lịch của chính phủ nhằm ứng phó với sự sụt giảm trong hoạt động đi lại bằng đường không. Ngoài ra, hãng đang có kế hoạch huy động khoảng 400 tỉ yên cho các khoản vay thứ cấp để củng cố nền tảng tài chính của mình.

Các khoản vay này từ một số doanh nghiệp như Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui, Tập đoàn Tài chính Mizuho và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản do chính phủ hậu thuẫn. 

Trước đó Nikkei đưa tin vào tháng trước rằng ANA đang xem xét huy động 200 tỉ yên thông qua đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản xem xét vay hàng tỉ USD khi kinh doanh lỗ kỉ lục  - Ảnh 1.

(Ảnh: Bloomberg).

Trong quí gần nhất, ANA báo cáo khoản lỗ hoạt động là 122 tỉ yên, so với ước tính lỗ trung bình 115 tỉ yên, trên doanh thu 170 tỉ yên.

Ông Shinya Katanozaka, Chủ tịch ANA Holdings cho biết tập đoàn sẽ thực hiện các bước đi táo bạo để "xoay chuyển" tình hình kinh doanh của mình.

Trước kết quả kinh doanh hàng quí lỗ, hãng cũng công bố kế hoạch tái cơ cấu để duy trì vận hành hoạt động. Cụ thể, ANA sẽ đặt mục tiêu cắt giảm 150 tỉ yên chi phí trong năm tài chính hiện tại, điều động hàng trăm nhân viên sang các công ty khác và bán máy bay.

Theo kế hoạch tái cơ cấu, ANA cho biết sẽ dừng bay khoảng 35 máy bay, trong số có bao gồm 22 máy bay thân rộng Boeing Co 777, và một chiếc Airbus SE A380.

Ngoài ra, ANA cũng cân nhắc điều chuyển lực lượng lao động vào khoảng 4.000 người  đến các khách sạn, trung tâm cuộc gọi và các công ty khác để giảm chi phí.

Cổ phiếu ANA giảm 3,2% trước khi tập đoàn này công bố kết quả và kế hoạch tái cơ cấu. Trong năm nay, cổ phiếu của hãng đã giảm 37%.

Tạm dừng chiến lược mở rộng thị trường trước bài toán về tài chính 

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, nền kinh tế của Nhật Bản phải hứng chịu ảnh hưởng từ "cơn bão" Covid-19. Quốc gia này đã trì hoãn tổ chức Thế vận hội vào năm nay và dự kiến mở lại vào mùa hè 2021. Sự kiện lớn này cũng là kì vọng để Nhật Bản thúc đẩy du lịch khi đầu tư xây dựng khách sạn và tái phát triển các khu vực đô thị.

Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế nhận định, lưu lượng hành khách toàn cầu sẽ không trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2024. Khách nước ngoài đến Nhật Bản giảm 99,4% trong tháng 9 so với cùng kì năm trước đó do quốc gia này thực hiện đóng cửa biên giới nhằm kiểm soát bùng phát dịch.

Dù chính phủ có phát động chiến dịch "Go To" nhằm thúc đẩy nhu cầu đi lại trong nước, nhưng các chuyên gia dự báo sẽ mất thời gian khá dài mới phục hồi hoàn toàn. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lưu lượng hành khách trong nước và quốc tế của các hãng hàng không Nhật bản trong đó có ANA.

Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản xem xét vay hàng tỉ USD khi kinh doanh lỗ kỉ lục  - Ảnh 2.

ANA Holdings Inc. đã dự báo khoản lỗ kinh doanh lớn nhất từ trước đến nay là 505 tỉ yên, cho năm tài chính đến tháng 3/2021. (Ảnh: Reuters).

Trong nhiều năm, ANA đã nỗ lực giành thị phần lớn hơn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với Hãng hàng không Japan Airlines Co. (JAL). Doanh nghiệp này từ bị phá sản vào năm 2010 nhưng đã hồi sinh với sự hỗ trợ của chính phủ, bao gồm cả khoản tiền đóng thuế 350 tỉ yên.

Trước đại dịch, ANA đã vượt lên trước JAL về thị phần lưu lượng hành khách. Tính đến đến tháng 3/2019, ANA có 10,09 triệu hành khách trên các chuyến bay quốc tế và 44,33 triệu hành khách trên các chuyến bay nội địa, vượt xa JAL với con 9,13 triệu và 34,86 triệu hành khách (dù cả hai hãng hàng không có số lượng đường bay nội địa và quốc tế gần như bằng nhau).

Nhà kinh tế học Hajime Tozaki, giáo sư nghiên cứu về ngành hàng không tại Đại học JF Oberlin nhận định, đại dịch Covid-19 là một bước ngoặt đối với ANA. Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản đang tìm cách phát triển ngày càng lớn mạnh hơn bằng việc thâu tóm và tăng quyền sở hữu các hãng hàng không giá rẻ.

Ông Tozaki cũng chia sẻ thêm, mặc dù phải tạm rời bỏ chiến lược mở rộng của mình, nhưng ANA vẫn muốn duy trì mạng lưới các chuyến bay quốc tế với hi vọng việc đi lại bằng đường hàng không trở lại bình thường sau đại dịch.

Vào tháng 7/2016, Tập đoàn ANA Holdings Inc. chính thức trở thành cổ đông chiến lược của hãng hàng không Vietnam Airlines.

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban chứng khoán nhà nước, số cổ phần Tập đoàn ANA Holdings Inc. nắm giữ tại Vietnam Airlines là 124.438.698, chiếm 8,771% vốn điều lệ.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.