Giá vé cao hơn, ít tuyến bay hơn, hành khách được kiểm tra sức khoẻ trước chuyến bay,… Đại dịch Covid - 19 đang mở ra một kỉ nguyên mới của ngành hàng không.
Một sự thay đổi lớn lao mang tính cách mạng đang được các hãng hàng không trên thế giới thực hiện, khi các hoạt động kinh doanh được đánh giá lại, và câu hỏi đặt ra là họ sẽ ra sao sau cuộc khủng hoảng.
Hiện tại, cảnh tượng vắng tanh tại các sân bay, lác đác một vài nhân viên và hành khách đi lại đều đeo khẩu trang kín mít, đứng cách xa nhau,… cho thấy một sự thay đổi hành vi nhất định khi di chuyển bằng đường hàng không. Các chuyên gia dự báo, Covid - 19 sẽ có những tác động dài hạn lên ngành hàng không, ở mọi khía cạnh của lĩnh vực kinh doanh này.
"Chúng ta cần phải chuẩn bị cho một sự phục hồi chậm chạp, ngay cả sau khi đại dịch Covid - 19 chấm dứt", CEO của hãng bay Delta Air Lines, Ed Bastian nói trong một bức thư gửi cho nhân viên tuần này.
"Tôi ước tính thời gian phục hồi có thể mất từ 2-3 năm", Ed Bastian dự báo.
Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, Covid - 19 đã kéo tụt bước tiến của ngành hàng không đến hàng thập kỉ. Cuộc khủng hoảng được đánh giá là một hiện tượng văn hoá, kinh tế lớn nhất của thế giới sau chiến tranh.
Sự bùng nổ trong việc di chuyển bằng máy bay đã thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia, tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Tuy nhiên, hiện tại các hãng hàng không đã đều cắt giảm tới 70% công suất bay, kể từ tháng 1/2020, theo hãng phân tích Cirium.
Chưa thể đoán biết trước được khi nào mọi người sẽ sẵn sàng đi lại bằng máy bay, và các khoang cabin lại kín khách. Theo cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho thấy, 40% người được hỏi cho biết phải ít nhất 6 tháng sau khi Covid - 19 được kiếm soát họ mới bay trở lại.
Để trấn an khách hàng, hãng hàng không giá rẻ EasyJet dự định sẽ bỏ trống một ghế giữa hai hành khách, để đảm bảo khoảng cách cách li an toàn. Tại Korean Air Lines, phi hành đoàn được trang bị kính che mặt, khẩu trang, găng tay và áo choàng bảo hộ.
Thay đổi có thể xuất phát từ khoang hành khách, khi các hãng bay muốn kiếm thêm nhiều tiền hơn từ khách hàng.
"Một số hãng bay có thể nâng cấp các khoang cabin cao cấp trong các đội tàu. Điều này sẽ dẫn tới sự khác biệt rõ rệt hơn bao giờ hết giữa các khoang ngồi cao cấp và khoang ngồi giá rẻ", Volodymyr Bilotkach - giảng viên về quản lí vận tải hàng không tại Học viện Công nghệ Singapore cho biết.
Tại châu Á, giá vé thường được tính trọn gói, nhưng điều này sẽ sớm thay đổi.
"Các hãng hàng không có thể tính thêm phí cho những thứ như hành lí kí gửi, chỗ để chân thoải mái hơn hay một bữa ăn trên máy bay", Bilotkach - tác giả của cuốn sách "The Economics of Airlines", xuất bản năm 2017, nói.
Ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng Covid - 19 diễn ra, các hãng bay chỉ thường kiếm được 3 USD lợi nhuận từ mỗi khách hàng, theo IATA. Ở châu Mỹ và châu Âu, nơi các khoản phí phụ trợ đang tăng lên thì con số này lần lượt là 17 USD và 5 USD.
Các chuyến bay giá rẻ sẽ vẫn được duy trì để cạnh tranh giữa các hàng hàng không. Tuy nhiên theo CEO IATA Alexandre de Juniac, việc các hãng để trống một ghế giữa hai khách hàng như một biện pháp trấn an tâm lí, sẽ là một thách thức lớn và làm giảm sức chứa tối đa xuống dưới mức hoà vốn.
Ngành công nghiệp hàng không trước đây đã đi qua những cơn bão, nhưng không có gì khó khăn như khủng hoảng lần này. Gần 2/3 trong tổng số 26.000 máy bay chở khách trên thế giới đang nằm đắp chiều, và khoảng 25 triệu lao động trong ngành hàng không đứng trước nguy cơ mất việc làm.
IATA dự báo rằng các hãng bay sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm 314 tỉ doanh thu trong năm nay, và một nửa doanh nghiệp trong số họ có thể sẽ bị phá sản từ 2-3 tháng tới nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Hãng hàng không giá rẻ EasyJet có trụ sở tại Luton, Anh, đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để biết khi nào nhu cầu sẽ quay trở lại. Và ở mức nào, mức giá vé nào là chấp nhận được và chi phí bao nhiêu để đạt được lợi nhuận trên một chuyến bay.
"Không ai có thể biết trước câu trả lời. Và chúng tôi sẽ phải hết sức linh hoạt", CEO EasyJet Johan Lundgren, nói.
Một mối quan tâm khác là chuyến đi của khách hàng sẽ bị gián đoạn, bởi các quy định về sức khoẻ đối với người nhập cảnh có thể khác nhau ở mỗi quốc gia, đặc biệt là quá trình mở cửa trở lại không đồng đều.
Ngay cả khi an ninh sân bay đã được thắt chặt sau vụ khủng bố 11/9, thì giờ đây hành khách có thể sẽ phải kiểm tra thêm cả thân nhiệt, hoặc thậm chí họ cần giấy chứng nhận sức khoẻ để có thể lên được máy bay, theo công ty tư vấn BCG. Vô hình chung điều này sẽ làm tốn thời gian và phức tạp lịch trình bay.
"Nó cần an toàn và nhanh chóng", Dirk-Maarten Molenaar - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu di chuyển và du lịch ở thị trường châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi của BCG cho biết.
Bản chất cơ bản của di chuyển hàng không là góp phần củng cố thương mại, ngoại giao, kinh doanh và du lịch. Nhưng hiện tại, Chính phủ các nước đang phải căng mình hỗ trợ để giúp ngành công nghiệp này không bị sụp đổ.
Đầu tuần trước, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã giải ngân vòng hỗ trợ tài chính đầu tiên cho các hãng hàng không. Trong cùng khoảng thời gian đó, hãng bay Virgin Australia Holdings đã tuyên bố phá sản sau khi không đảm bảo nhận được viện trợ từ Chính phủ.
"Rất nhiều hãng bay sẽ biến mất khỏi thị trường, dẫn đến việc ít cạnh tranh hơn", Bilotkach tại Học viện Công nghệ Singapore, nói.
"Các hãng hàng không giá rẻ với tiềm lực đủ mạnh có thể sẽ tồn tại cùng với các ông lớn khác. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện nhiều hơn các hãng bay quốc doanh - có một phần sở hữu thuộc Chính phủ, hoặc chí ít là mắc nợ".
Virus Covid - 19 đã thúc đẩy các cuộc hội thảo trực tuyến phát triển, điều này có thể ảnh hưởng tới nhu cầu bay, theo UBS Group AG.
"Điều này chắc chắn sẽ xuất hiện trong suy nghĩ của bạn, ngay cả khi bạn không phải là nhà bảo vệ môi trường", Celine Fornaro - người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại châu Âu của UBS nói. "Tôi có thực sự cần thiết phải di chuyển bằng máy bay?".
Celine Fornaro dự báo sẽ có một sự thay đổi nhanh chóng từ việc di chuyển bằng đường hàng không sang đường sắt tốc độ cao ở châu Âu và Trung Quốc. Một số tuyến bay ngắn, chi phí thấp có nguy cơ bị xoá sổ. Theo báo cáo của UBS, các chuyến bay dưới 300 dặm chiếm 1/5 thị trường hàng không châu Âu trong năm ngoái.
Các chuyến bay ngắn ở châu Âu từ lâu đã vấp phải chỉ trích của những phong trào bảo vệ môi trường, khuyến khích mọi người di chuyển bằng các phương tiện giao thông phát thải carbon thấp hơn.
"Thật khó để có thể dự đoán bất kì điều gì trong tương lai khi cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra. Nhưng chắc chắn nhu cầu đi thăm bạn bè, gia đình bị dồn nén vì dịch bệnh sẽ bật tung trở lại khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ", Jared Harckham - Phó Chủ tịch và Giám đốc điều hành hãng tư vấn ICF International, có trụ sở tại New York cho hay.
"Các hãng hàng không có thể sẽ phải giảm giá vé ban đầu, để thu hút khách hàng quay trở lại, trong khi mối lo về lây nhiễm dịch bệnh dần biến mất", Rico Merkert - Giáo sư ngành quản lí vận tải và chuỗi cung ứng tại trường kinh doanh, Đại học Sydney dự báo.
"Với việc công suất tổng thể giảm sút, có thể các hãng bay sẽ ưu tiên sử dụng loại tàu bay phản lực nhỏ hơn, và dễ quản lí hơn như như Boeing Dreamliner và Airbus SE A330, so với loại máy bay thân rộng A380,… ", Molenaar tại BCG nói.
"Những liên minh chưa bao giờ từng thấy cũng có thể được thành lập giữa các hàng hàng không quốc gia, khi các đối thủ yếu hơn héo tàn", nhà phân tích cho biết.
"Ngành công nghiệp hàng không có thể trở nên rất khác so với hiện tại".
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020