Các hãng hàng không đang chạy đua để lôi kéo khách hàng khi virus corona lây lan, gây lo ngại về nhu cầu đi lại thấp hơn. Giá cổ phiếu ngành hàng không bị đẩy xuống mức thấp chưa từng thấy trong nhiều năm. Nhiều đội bay đang miễn phí thay đổi lịch trình, và trong một số trường hợp giảm mạnh giá vé. Tuy nhiên, các biện pháp này càng đẩy nhanh sự sụt giảm của cổ phiếu ngành hàng không, vốn đã giảm nhiều trước đó.
Cổ phiếu American Airlines đã giảm hơn 13% vào ngày 5/3, mức thấp mới kể từ khi sáp nhập năm 2013 với US Airways. Trong tuần qua, cổ phiếu hãng này đã giảm hơn 22%. Delta Air Lines cũng mất hơn 7% vào cuối phiên 5/3, United Airlines giảm hơn 13% và Southwest Airlines mất 3,6%.
Các hãng hàng không nhỏ tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa cũng giảm mạnh, do lo ngại tăng lên bởi nhu cầu đi lại giảm mạnh. JetBlue Airlines đóng cửa giảm gần 11%, cổ phiếu của Alaska Airlines giảm hơn 12% và Spirit Airlines giảm 18% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013.
"Động thái của các hãng hàng không có thể không đủ để ổn định dòng doanh thu", Bill Franke, nhà đầu tư hàng không lâu năm, cho biết trên CNBC. Theo ông, du khách từ chỗ phân vân nên đi du lịch hay không nên đi du lịch, đến giờ, họ chuyển sang suy nghĩ nên làm việc gì khi họ cố thủ trong nhà.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), dự báo trên toàn cầu, các hãng hàng không có thể mất tới 113 tỉ USD doanh thu trong năm nay, nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng.
JetBlue đề nghị tiếp viên hàng không nghỉ phép vào tháng tới, khi hãng có kế hoạch cắt giảm 5% công suất. Hãng hàng không có trụ sở tại New York này cũng đang giảm các sự kiện tuyển dụng hoặc hủy bỏ hoàn toàn. Tiếp viên hàng không nào nghỉ phép tự nguyện sẽ được giữ lại các phúc lợi sức khỏe và đặc quyền du lịch của họ.
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ xu hướng đặt phòng để đánh giá xem có cần giảm công suất bổ sung hay không", Chủ tịch JetBlue - Joanna Geraghty, cho biết.
Động thái này diễn ra sau khi United Airlines quyết định cắt giảm 20% các chuyến bay quốc tế vào tháng tới và 10% các chuyến bay nội địa. Hãng hàng không có trụ sở tại Chicago này cũng đã rút dự báo tài chính năm 2020 vì virus corona.
Về phần mình, Southwest Airlines đã cảnh báo rằng họ đã ghi nhận một sự suy giảm đáng kể về nhu cầu của khách hàng trong vài ngày qua và tình trạng huỷ vé ngày càng tăng lên chóng mặt. Hãng hàng không giá rẻ cho biết doanh thu trên mỗi dặm ghế, có thể dao động từ mức giảm 2% đến mức tăng chỉ 1% trong quý này, so với với ước tính trước đó tăng 3,5% đến 5,5%.
Giám đốc điều hành của Southwest Airlines, Gary Kelly, cho biết công ty chưa đưa ra quyết định cắt giảm chuyến bay, nhưng hãng đã không loại trừ biện pháp đó. "Nếu cứ ghi nhận mức yếu kém về doanh thu như đang thấy hiện nay, chúng tôi sẽ phải làm điều đó. Chúng tôi sẽ tự xoay sở", ông nói.
Trước đó, Cathay Pacific Airlines cũng yêu cầu 27.000 nhân viên của mình nghỉ không lương trong 3 tuần. Asiana Airlines phải sắp xếp 10.500 nhân viên làm việc theo các ca so le trong 10 ngày nghỉ không lương, kể từ ngày 19/2.
Hẩm hiu nhất, hãng hàng không Flybe của Anh đã phải giã biệt bầu trời sau khi nhu cầu đi lại giảm mạnh. Hãng hàng không độc lập lớn nhất châu Âu vốn đang gặp khó khăn, nay chính thức trở thành nạn nhân lớn đầu tiên của đại dịch Covid-19. Thất bại của một hãng hàng không kết nối tất cả các thành phố lớn của Anh với các đầu mối giao thông trọng điểm ở châu Âu, không chỉ khiến khoảng 2.400 công nhân bị thất nghiệp, mà còn tổn thương cho một số sân bay và nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng.
Theo một nhà phân tích, tác động của cuộc khủng hoảng virus corona đối với các hãng hàng không "gợi nhớ đến hiệu ứng 11/9" đối với ngành công nghiệp này. Daniel Roeska, nhà phân tích cao cấp về vận tải châu Âu tại Bernstein Research, nói với CNBC rằng thiệt hại hiện tại là vì cú sốc do nhu cầu không thực sự liên quan đến kinh tế.
"Tất nhiên, hi vọng là điều đó có thể đảo ngược một khi chúng ta hiểu rõ hơn về các nước phương tây sẽ làm những gì để đẩy lùi virus corona. Các cú sốc nhu cầu này rất khó đối với các hãng hàng không, bởi vì thực sự bạn không thể làm gì - bạn không thể hạ giá để kích thích nhu cầu tại thời điểm này. Vì vậy, những gì các hãng hàng không nên làm là giảm đáng kể lịch trình, bắt đầu các biện pháp tái cơ cấu chi phí", vị này phân tích.
Ông nói thêm hầu hết các hãng hàng không lớn sẽ không cần giải cứu trong tương lai gần, nhưng khả năng điều đó xảy ra càng tăng khi dịch Covid-19 kéo dài hơn. Đối với các hãng hàng không giá rẻ, thực tế doanh thu trong 2-3 tháng tới sẽ "không đến nổi là thảm họa".
Theo chuyên gia này, nếu nhu cầu giảm xuống nhưng các hãng cần tiếp tục trả lương cho nhân viên, những hãng hàng không già nua sẽ cần bắt đầu tìm kiếm nguồn tài chính khá sớm.
CEO Southwest Airlines, Gary Kelly, cũng đưa ra lời bình tương tự: "Ngày 11/9 không phải là một vấn đề kinh tế đối với du lịch. Đó nói đúng hơn chỉ là nỗi sợ hãi, và tôi nghĩ rằng đó thực sự là những gì đang diễn ra hiện nay".
Theo Cục Thống kê Giao thông Vận tải Hoa Kỳ, phải mất gần ba năm để ngành hàng không phục hồi hoàn toàn sau cú sốc nhu cầu được tạo ra vào ngày 11/9. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng thống kê, cuộc tấn công 11/9 đè nặng lên lợi nhuận của hãng hàng không trong vài năm, và làm giảm hơn 31% nhu cầu đi lại trong 5 tháng sau cuộc tấn công. Cơ quan này ước tính rằng doanh thu hàng không từ các chuyến bay nội địa Mỹ đã giảm 10 tỉ USD mỗi năm từ năm 2001 đến 2006.
Giá cổ phiếu của nhiều hãng hàng không tuột dốc đến 30% vì lo ngại dịch Sars-nCov-2, nhưng trang CNBC cho rằng vì nhiều lí do, ngành dịch vụ này có thể sẽ kiên cường hơn nếu cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu không kéo dài quá lâu hoặc lan rộng quá mức.
Một lí do lớn nhất để bảo vệ được sự lạc quan trên là nhiên liệu hàng không đã bị phá vỡ những đỉnh giá trong thời gian qua. Điều này giúp cắt giảm một trong những chi phí lớn nhất của ngành hàng không.
Nhiên liệu chiếm 15% đến 20% chi phí hàng không, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ. May thay, theo Bộ Năng lượng nước này, giá nhiên liệu đã giảm 33% kể từ mùa thu 2018, một nửa số đó kể từ tháng 12.
Nhà tư vấn năng lượng IHS Markit hiện kì vọng rằng nhu cầu dầu thế giới quý I/2020 sẽ giảm theo khối lượng lớn nhất trong lịch sử, thậm chí vượt qua mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. OPEC đã đồng ý về việc cắt giảm nguồn cung lớn, vì giá dầu Brent giao dịch quanh mức 50 USD/thùng và dầu thô WTI dưới mức đó.
Về phần mình, các hãng hàng không nghĩ rằng việc giảm giá nhiên liệu đã bù đắp cho việc mất mát kinh doanh từ châu Á. Mới đây, Dịch vụ đầu tư của Moody's đã đưa ra một báo cáo, chỉ riêng giá nhiên liệu đã bù đắp cho tác động của việc suy thoái kinh doanh ngành hàng không.
Dữ liệu sơ bộ của chính phủ Mỹ vào tháng 1 cho thấy lưu lượng hành khách đã tăng 5% so với một năm trước đó. Thế nhưng dịch Covid-19 đang lây lan sang châu Âu và xâm nhập vào Bắc Mỹ, ít nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược rằng chi phí nhiên liệu có thể giảm nhanh hơn mức giảm của doanh thu ngành này.
Reuters dẫn lời nhà kinh tế trưởng của Brian IATA, Brian Pearce, cho rằng: "Có rất nhiều hãng hàng không có biên lợi nhuận tương đối hẹp và nhiều khoản nợ. Vì thế, cú sốc như thế này chắc chắn có thể khiến một số hãng rơi vào tình huống rất khó khăn".
Nhà phân tích Jonathan Root của Moody cho biết những tin tức gần đây về dịch corona đang đe dọa ngành hàng không. "Tất cả các ván cược đều bị lật đổ nếu Sars-nCov-2 trở thành một loại virus phân tán rộng rãi".
Các CEO hàng không đã có cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 4/3 với Tổng thống Donald Trump, để mỗi bên tóm tắt về sự chuẩn bị đối phó với virus corona.
Phó Tổng thống Mike Pence nói với nhóm rằng hành khách trên các chuyến bay còn lại từ châu Á đang được sàng lọc trước khi vào Mỹ. Trong khi đó, tổng thống trump đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama vì đã áp đặt các quy định mà Trump cho rằng sẽ khiến việc phát triển bộ dụng cụ thử nghiệm virus corona trở nên khó khăn hơn.
Sau cuộc họp, CNBC đưa tin, các CEO đã "nhá hàng" riêng với các quan chức Nhà Trắng không được đưa ra bất kì lời phát biểu nào, có thể khiến mọi người nản lòng khi có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không. Họ kêu gọi Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney nói chuyện với người dân về sự thật, chứ không phải nói về nỗi sợ hãi.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020