Tổng thống Trump cấm cửa EU, ngành hàng không cần 'máy trợ tim' ngay tức khắc

Ngành hàng không vốn đang thở dốc khi mất lượng lớn khách từ Trung Quốc, sau khi Tổng thống Trump cấm cửa châu Âu, ngành này như cần máy trợ tim ngay tức khắc khi hàng loạt hãng cắt giảm chuyến bay, sa thải nhân viên.

Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ dừng các chuyến đi giữa Mỹ và châu Âu trong 30 ngày tới, trừ Vương quốc Anh. Các lệnh hạn chế đi lại có hiệu lực vào lúc nửa đêm ngày 13/3.

Ông Trump chỉ trích: "EU đã thất bại trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch, không hạn chế đi lại với Trung Quốc và các điểm nóng dịch khác". Lời chỉ trích này có cơ sở từ việc những cụm lây nhiễm Covid-19 ở Mỹ bắt nguồn từ những khách du lịch từ châu Âu đến.

Cắt giảm hàng nghìn chuyến bay, sa thải tới 1/2 nhân viên

Ngay lập tức, hãng United Airlines Holdings cảnh báo về sự gián đoạn du lịch của Mỹ, khi vi rus lây lan trong nước và các điểm du lịch lớn như công viên giải trí của Walt Disney ở California và Florida cho biết họ sẽ đóng cửa.

American Airlines Group và United Airline cho Reuters biết họ sẽ tiếp tục các chuyến bay bình thường đến và đi châu Âu trong tuần tới, nhưng sẽ giảm công suất tới châu Âu khoảng 50% trong tháng 4.

American Airline cũng cho biết đã cắt giảm 34% công suất quốc tế cho mùa du lịch hè, và đẩy nhanh việc "nghỉ hưu" cho các máy bay Boeing 757 và 767. Delta Air Lines thì thông tin họ sẽ giảm đáng kể lịch trình Mỹ - châu Âu sau ngày 15/3 ,và tiếp tục theo dõi nhu cầu của khách hàng.

Tổng thống Trump cấm cửa EU, ngành hàng không cần máy trợ tim ngay tức khắc - Ảnh 1.

Nhiều hãng hàng không chọn cắt giảm chuyến bay, áng binh bất động chờ tình hình mới. (Ảnh: Reuters).

Nhà điều hành sân bay Đức Fraport tiết lộ với Reuters rằng số lượng hành khách tại sân bay Frankfurt, nút thắt trọng điểm của hãng, đã giảm khoảng 30% trong tuần đầu tiên của tháng 3, do dịch Covid-19.

"Chúng tôi phải giả định rằng sự sụt giảm mạnh về lưu lượng giao thông hàng không sẽ tiếp tục trong vài tuần và tháng tới", CEO của sân bay Fraport, Stefan Schulte nói.

Air France cho biết họ đã "nhắm mắt" rút 1,2 tỉ USD quỹ tín dụng quay vòng của mình, để giúp đỡ tình hình tài chính đang thất thoát.

Một loạt doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hàng không và lữ hành của Australia như Virgin Australia Holdings, Auckland International Airport, Flight Center Travel Group và Corporate Travel Management, cho biết họ đang trên tinh thần đón nhận doanh thu thấp đi, do nhu cầu du lịch giảm xuống. 

Hãng hàng không số 2 của Australia, Virgin Australia, cho biết họ sẽ giảm giá vé và cắt giảm một số chuyến bay từ Sydney đến Los Angeles khi nhu cầu đi lại xuyên Thái Bình Dương giảm. Virgin và Flight Center Travel Group đã gia nhập vào một danh sách ngày càng tăng các công ty du lịch, bao gồm các hãng hàng không lớn của Mỹ, đang đóng băng tuyển dụng, tạm dừng các khoản thưởng, và đành phải yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương.

Hãng vận tải hàng không giá rẻ Na Uy ASA vừa cho biết, họ sẽ cắt giảm 4.000 chuyến bay và tạm thời sa thải tới 1/2 số nhân viên của mình, do sự bùng phát của virus corona.

Tổng thống Trump cấm cửa EU, ngành hàng không cần máy trợ tim ngay tức khắc - Ảnh 2.

Cảnh sân bay vắng vẻ giờ đây đã quen mắt với nhiều hãng bay. (Ảnh: Reuters).

Cố phiếu của ANA Holdings Inc của Nhật Bản và Japan Airlines lần lượt đóng cửa giảm 7,6% và 13%. Trong tình cảnh đó, Japan Airlines cho biết họ sẽ cắt giảm 1.468 chuyến bay nội địa trong khoảng thời gian từ 20-28/3, vì các sự kiện thể thao và văn hóa đã bị đình chỉ ở Nhật Bản.

ANA cũng sẽ cắt giảm số lượng các chuyến bay hàng ngày từ Nhật Bản đến Los Angeles và New York và giảm hoạt động đến các thành phố khác ở Bắc Mỹ, từ ngày 16/3. Điều tương tự cũng xảy ra với thị trường châu Âu bao gồm Pháp, Đức và Bỉ.

Cần máy trợ tim cho ngành hàng không ngay tức khắc

CNBC ví von: "Lệnh cấm cửa châu Âu của ông Trump khiến ngành hàng không cần máy trợ tim ngay tức khắc".

CNBC dẫn lời Tổng Giám đốc Alexandre de Juniac của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho biết: "Điều này sẽ tạo ra áp lực dòng tiền rất lớn cho các hãng hàng không. Chúng tôi đã thấy hãng Flybe đã lầm đường lỡ bước. Và cú đánh mới nhất này có thể đẩy những người khác đi theo vết xe đỗ".

IATA kêu gọi các chính phủ xem xét mở rộng hạn mức tín dụng, giảm chi phí cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế. IATA tuần trước ước tính rằng cuộc khủng hoảng có thể xóa sạch khoảng 113 tỉ USD doanh thu của ngành hàng không. Đáng nói, dự báo trên được đưa ra trước khi ông Trump tung cú đấm vào du lịch châu Âu.

Tổng thống Trump cấm cửa EU, ngành hàng không cần máy trợ tim ngay tức khắc - Ảnh 3.

IATA hi vọng chính phủ các nước sẽ hỗ trợ một số hãng hàng không đang hấp hối. (Ảnh: Bloomberg).

Nhà phân tích Helane Becker của Cowen nói với Reuters rằng: "Có một mối lo ngại, sự gia tăng của đại dịch corona sẽ kéo theo sự gia tăng của làn sóng phá sản trong ngành hàng không. Chúng tôi hi vọng một số chính phủ sẽ tham gia, để giúp đỡ các hãng hàng không. Nhưng sau tất cả, chúng tôi ngầm hiểu rằng sẽ có nhiều hãng hàng không thất bại hơn năm ngoái".

Theo số liệu của Cirium, năm 2019 có 41 hãng hàng không với 324 máy bay đã phá sản.

Chính phủ Ấn Độ cho biết họ sẽ gia hạn thời hạn nộp hồ sơ dự thầu sớm cho hãng hàng không nhà nước Air India cho đến ngày 30/4, một phần do tình trạng virus corona đang lan trọng.

Nhưng đối với một số hãng hàng không vốn đã yếu ớt thì những nỗ lực này có thể là vô ích. Ông chủ của Deutsche Lufthansa AG, Carsten Spohr, dự đoán rất nhiều khoản vỡ nợ trong ngành. Giám đốc điều hành của Qantas Airways, Alan Joyce cũng nói lời tương tự.

Tổng thống Trump cấm cửa EU, ngành hàng không cần máy trợ tim ngay tức khắc - Ảnh 4.

Làn sóng phá sản trong ngành hàng không được dự đoán sẽ nhiều hơn năm ngoái. (Ảnh: SCMP).

Bloomberg bình luận: "Toàn cầu hóa từng là một lợi ích cho ngành công nghiệp hàng không. Ngành công nghiệp này đã phát triển mạnh mẽ khi các quốc gia mở cửa với nhau trong 40 năm qua. Bây giờ các doanh nhân và khách du lịch có thể đi qua biên giới dễ dàng như họ đi qua nhà hàng xóm. Thật không may, ngành hàng không không phải là kẻ duy nhất hưởng lợi từ toàn cầu hoá, virus corona cũng vậy".

Giao thông hàng không thương mại đã sẵn sàng đối mặt với việc giảm 8,9% trong năm nay, theo Jefferies Financial Group. Đó sẽ là sự sụt giảm lớn nhất trong 42 năm qua, và có thể vượt xa tác động của vụ khủng bố ngày 11/9.

Vu Chiêm Phúc, một đối tác tại công ty tư vấn Roland Berger, cho biết, ngành công nghiệp đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong lịch sử hàng không hiện đại.

Phi cơ cá nhân được mùa nhờ Covid-19

Tuy nhiên, Reuters vẫn ghi nhận được tình trạng khách du lịch đang gấp rút quay trở lại Mỹ trước khi lệnh cấm 30 ngày bắt đầu có hiệu lực sau ngày 13/3 đối với công dân nước ngoài nếu họ đi du lịch đến châu Âu trong những tuần gần đây.

Adam Twidell, CEO của Private Fly, một dịch vụ đặt vé toàn cầu cho các chuyến bay thuê bao, cho biết: "Trong khi các hãng hàng không bị dịch bệnh tấn công đang chuẩn bị tinh thần cho một cú sốc mạnh hơn từ những hạn chế mới của Mỹ, thì Private Fly và các hãng khác đã thấy nhu cầu cao hơn trong năm nay từ các khách hàng giàu có muốn tránh các chuyến bay thương mại, nơi ẩn náo lí tưởng của virus corona".

Trước những bất ổn của thị trường, vẫn chưa rõ liệu nhu cầu về các chuyến bay tư nhân sẽ giúp các nhà sản xuất máy bay như Dassault Aviation của Pháp, Bombardier của Canada và Gulfstream… nhận được thêm nhiều đơn đặt hàng hay không. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người nghĩ rằng sẽ an toàn hơn khi bay trong một chiếc phi cơ cá nhân, nơi có ít hành khách hơn so với máy bay thương mại.

Tuy nhiên, Éric Trappier, CEO của hãng chế tạo máy bay Dassault Aviatio, cho biết: "Hàng không là một ngành kinh doanh dựa theo sức khoẻ nền kinh tế. Nếu nền kinh tế ăn nên làm ra, chúng tôi kinh doanh tốt hơn. Nếu nền kinh tế hoạt động kém, chúng tôi buộc phải bán ít máy bay hơn".

Tổng thống Trump cấm cửa EU, ngành hàng không cần máy trợ tim ngay tức khắc - Ảnh 5.

Một chiếc máy bay cá nhân, Dassault Falcon 900, trên đường băng tại sân bay quốc tế Grantley Adams. (Ảnh: Reuters).

VistaJet tuyên bố rằng tổng số chuyến bay cá nhân hàng năm của họ đã tăng 16%, trong khi nhà khai thác máy bay tư nhân GlobeAir, cho biết số lượng đặt chỗ của họ đã tăng gần 30% kể từ khi virus corona bắt đầu lan rộng ở Ý và các phần lãnh thổ khác của châu Âu.

Air Partner cũng thừa nhận họ đã nhận được nhiều yêu cầu hơn cho các phi cơ riêng biệt từ khi có dịch Covid-19. Trong khi đó, Canada AirSprint đã công bố doanh số tăng 31% trong tháng 2, so với cùng kì năm 2019.

Jackie Ngô, Chủ tịch Tập đoàn hàng không JetSolution có trụ sở tại Hong Kong, cho biết, cô đang nhận được nhiều yêu cầu hơn từ các công ty và đa số là các chuyến đi dài hơi như đến Mỹ. "Tương tự như việc người dân đã quen với việc đi xe buýt. Giờ có sự bùng phát virus, họ muốn rằng họ sẽ đi xe riêng", cô so sánh.