Hãng bay Thai Airways International với khoản tài chính chỉ có thể cầm cự thêm vài ngày tới, đang có nguy cơ cao trở thành hãng hàng không quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố phá sản do đại dịch Covid-19.
Theo nguồn tin trong nước, hiện Thai Airway chỉ còn có 10 tỉ baht (tương đương 307 triệu USD). Con số này chỉ đủ để trả một tháng tiền lương nhân viên.
Trước tình hình đáng báo động này, hãng hàng không quốc gia Thái Lan đang đàm phán với chính phủ về việc đưa ra gói cứu trợ.
Cụ thể theo Nikkei Asian Review đưa tin, để sống sót qua mùa dịch, Thai Airways yêu cầu chính phủ phê duyệt khoản vay được bảo lãnh bởi Bộ Tài chính Thái Lan, trị giá 70 tỉ baht.
Con số được Thai Airways đưa ra dựa trên giả thuyết đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào tháng 10 năm nay.
Dù sắp rơi vào tình cảnh phá sản, lời đề nghị khoản vay bắc cầu này của Thai Airways đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều.
"Cuối cùng, việc tìm cách bảo lãnh cho Thai Airways sẽ trở thành gánh nặng cho Bộ Tài chính", một chuyên gia phân tích tại Asia Plus Securities, người yêu cầu không nêu tên, nhận định.
Tuần trước, một cuộc họp chính phủ đặc biệt đã được tổ chức, để thảo luận về số phận của hãng hàng không này.
Với tư cách là chủ tọa của cuộc họp, Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak đã ra lệnh cho Thai Airways và các cơ quan liên quan thành lập một đội, làm việc để đưa ra một kế hoạch phục hồi cụ thể.
Phó Thủ tướng Somkid cảnh báo việc Thai Airways có còn được xem là một hãng hàng không quốc gia, hoặc có còn là một doanh nghiệp nhà nước nữa hay không, phụ thuộc vào chất lượng của kế hoạch này.
"Tôi vẫn muốn xem Thai Airways như là hãng hàng không quốc gia", Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak nói. "Bởi vì đó là cách mọi thứ đã vận hành trong một khoảng thời gian dài".
Cuộc họp cũng có sự tham gia của các quan chức Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải Thái Lan, cũng như đại diện của Công ty Dầu khí Quốc gia Thái Lan PTT, cùng các tập đoàn tư nhân lớn tại nước này.
Điển hình là sự tham gia của tập đoàn chế biến thực phẩm và viễn thông Charoen Pokphand, Tập đoàn bán lẻ Central Group, và Tập đoàn kinh doanh nước giải khát và bất động sản TCC.
Theo nguồn tin cho biết, giải pháp hồi phục phải được hoàn thiện và báo cáo trong tuần này, hoặc trước khi cuộc họp nội các quyết định số phận của hãng hàng không được tổ chức, dự kiến sớm nhất là vào ngày 28/4.
Trước tình hình này, nhiều nhà phân tích dự kiến Thai Airways có khả năng cao sẽ tổ chức một đợt phát hành cổ phiếu mới, lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây.
Các doanh nghiệp nhà nước như Airports of Thailand (AOT) và PTT đang được đồn đoán là những nhà đầu tư lớn tiềm năng cho hãng bay quốc gia Thái.
Trong phân khúc tư nhân, Tập đoàn TCC, được điều hành bởi Charoen Sirivadhanabhakdi - người giàu thứ ba Thái Lan, cũng được xem là một nhà đầu tư tiềm năng.
Tuy nhiên, việc tư nhân hóa hãng bay quốc gia có thể đem lại nhiều khó khăn cho chính quyền Thái Lan.
Thai Airways là hãng bay rất quan trọng đối với giới quan chức Thái khi đi công tác nước ngoài, bao gồm cả vua Maha Vajirusongkorn, người dành phần lớn thời gian ở Đức.
Và điều này có thể sẽ vẫn tiếp tục như vậy, sau khi đại dịch qua đi, nếu công ty này vẫn còn tồn tại.
Ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana, cho biết cuộc họp đặc biệt đã không thảo luận về việc bán lại hãng bay quốc gia cho khu vực tư nhân.
Dù PTT và AOT đều phủ nhận tin đồn họ đang xem xét mua cổ phần Thai Airways, vẫn có khả năng một hoặc nhiều doanh nghiệp nhà nước sẽ ra tay hỗ trợ, hoặc cho hãng hàng không này vay vốn.
Trước khi bị đại dịch Covid-19 tấn công, Thai Airways đang trải qua một giai đoạn hoạt động kém. Hãng đã thông báo lỗ ròng 12 tỉ baht năm 2019, và là năm thứ ba liên tiếp hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Vào cuối năm 2019, tổng số vốn cổ đông của Thai Airways là 11,7 tỉ baht, giảm 42,5% so với năm 2018. Nếu so với đợt phát hành cổ phiếu gần đây nhất của hãng vào năm 2010, tổng số vốn cổ phần đã giảm 84,5% trước khi đại dịch bùng phát.
Ông Chakkrit Parapuntakul, người tiếp quản Thai Airways, sau khi Chủ tịch Sumeth Damrongchaitham từ chức, đã yêu cầu 22.000 nhân viên của hãng nghỉ phép, chấp nhận việc cắt giảm tiền lương hàng tháng.
Khoản cắt giảm tiền lương sẽ là 50% cho các cấp điều hành và 10% cho các nhân viên mới vào nghề, những người có mức lương ít hơn 20.000 baht/ tháng.
Cũng trong tháng 3, công ty tư vấn tài chính Moody's đưa ra cảnh báo, rằng rất ít hãng hàng không có thể sống sót nếu vẫn duy trì bay trong vòng 5 đến 6 tháng tiếp theo.
Moody's cũng kêu gọi các chính phủ hỗ trợ tài chính cho các hãng hàng không có nguy cơ không thể sống sót qua đại dịch.
Banyong Pongpanich, Chủ tịch của công ty tư vấn tài chính Phatra Capital và Phatra Securities, cũng đã đề nghị chính phủ Thái Lan tăng cổ phần trong hãng hàng không, từ mức 51% hiện đang sở hữu.
Ông Banyong từng là thành viên Hội đồng quản trị Thai Airways, nhận định hãng sẽ cần phải huy động thêm ít nhất 50 tỉ baht, mới có thể hoạt động bình thường trở lại.
Ngoài nguồn tài trợ khẩn cấp để làm dịu cuộc khủng hoảng tiền mặt hiện nay, kế hoạch phục hồi trình lên quốc hội cho Thai Airway phải bao gồm các biện pháp xây dựng tài chính trong dài hạn và các cải cách cơ cấu.
Một thỏa thuận hợp tác giữa Thai Airway với hãng sản xuất máy bay phản lực châu Âu Airbus, về việc xây dựng một cơ sở sửa chữa hạng nhất tại sân bay quốc tế U-Tapao, cũng đang bị bỏ ngỏ, sau khi Airbus bất ngờ rút khỏi dự án.
Đây là một dự án đặc biệt quan trọng cho kế hoạch xây dựng đặc khu Hành lang kinh tế Đông phương của chính phủ Thái Lan, trị giá 11 tỉ baht.
Theo truyền thông địa phương, Thai Airways đang tìm kiếm một đối tác tiềm năng mới, dự án trung tâm sửa chữa này cũng được kì vọng sẽ thay đổi tình hình tài chính của hãng.
Kitpon Pripaisarnkit, Giám đốc phân tích chiến lược của UOB Kay Hian Securities, nhận định: "Bị bó chặt với chính trị, Thai Airways sẽ không thể tồn tại nếu không giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản, bằng cách nghiêm túc tái cấu trúc, và chuyển đổi thành một công ty tư nhân".
"Thai Airways phải trở thành một công ty tư nhân trước khi có thể cải thiện tốc độ quản lí", ông nói.
Thai Airways không phải là hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương duy nhất đứng bên ranh giới sinh tử do đại dịch Covid-19.
Hãng bay giá rẻ Virgin Australia của Úc, nắm giữ 1/3 thị trường nội địa Úc, vào thứ Ba đã tham gia quá trình 'quản trị tự nguyện'.
Điều này có nghĩa là ban giám đốc đã thừa nhận rằng công ty đã hết tiền, và chuyển giao hãng bay cho các nhà quản trị vỡ nợ.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020