Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt đề xuất về kế hoạch tái cơ cấu sâu rộng hãng hàng không quốc gia Thai Airways, dưới sự giám sát của Toà án Phá sản trung ương. Kế hoạch này tránh cho Thai Airways khỏi bị phá sản.
Hiện Bộ Tài Chính và Ngân hàng trung ương Thái Lan đang là hai cổ đông lớn nhất của hãng hàng không này.
Thai Airways hi vọng sẽ có thể tiếp tục duy trì hoạt động trong suốt quá trình tái cơ cấu. Điều này đồng nghĩa với việc các chuyến bay chở khách và hàng hoá vẫn có thể chạy theo lịch trình cho phép.
Chưa rõ liệu có những dịch vụ nào mà Thai Airways cung cấp bị ảnh hưởng bởi kế hoạch tái cấu trúc này hay không.
Cổ phiếu Thai Airways ngay lập tức đã tăng 14.6% tại Bangkok vào chiều ngày 19/5, khi thông tin này được công bố.
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã giảm tổng cộng 32%.
Hãng hàng không quốc gia Thái Lan là hãng bay nhà nước lớn mới nhất trên thế giới phải tái cấu trúc sau khi doanh số sụt giảm trước đại dịch Covid - 19.
Dưới tác động của dịch bệnh, các hãng hàng không trên toàn cầu đã phải cắt giảm lịch trình bay, hàng trăm máy bay nằm "đắp chiếu" trên mặt đất, và hàng chục ngàn nhân viên hàng không buộc phải nghỉ phép không lương.
Tuần trước, hãng hàng không Colombia Avianca tại Mỹ cũng đã nộp đơn xin phá sản theo Điều luật 11, sau động thái tương tự của hãng Virgin Australia trong tháng 4. Trước đó trong tháng 3, tại Anh, hãng bay Flybe cũng đã ngừng hoạt động vì những ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết trong cuộc họp báo vào chiều ngày thứ Ba (19/5), rằng nội các của ông đã cân nhắc nhiều lựa chọn, thậm chí đã tính đến chuyện đồng ý cho Thai Airways tuyên bố phá sản.
"Cuối cùng, chúng tôi loại bỏ lựa chọn đó vì nó có thể khiến hơn 20.000 nhân viên mất việc", ông Prayut nói. Hãng hàng không quốc gia Thái Lan đang duy trì công ăn việc làm cho 21.000 người, theo báo cáo từ cuối năm 2019.
"Thái Lan và toàn thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng. Thu nhập của người lao động đang giảm trước ảnh hưởng của đại dịch", Thủ tướng Thái Lan nói thêm. "Chúng tôi phải ưu tiên ngân sách của mình để giúp đỡ người dân trong thời gian tới".
Giống như bao hãng hàng không khác, Thai Airways đã dừng hầu hết các hoạt động của mình khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm. Trong năm ngoái, hãng bay này cũng đã gặp khó khăn khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, giá dầu biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các hãng hàng không giá rẻ.
Những thách thức đó đã buộc lãnh đạo doanh nghiệp này khởi động kế hoạch vực dậy kéo dài 10 năm, bao gồm tìm kiếm cơ hội liên doanh mới, củng cố danh mục đầu tư và tập trung phát triển công nghệ cùng cắt giảm chi phí.
Tuy nhiên, đại dịch Covid - 19 bùng phát khiến cho kế hoạch này tan thành mây khói, và đòi hỏi Thai Airways phải tái cấu trúc lại một lần nữa.
"Đây là một quyết định khó khăn, nhưng nó phải được thực hiện để bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân", Thủ tướng Prayut nói trong cuộc họp báo. "Tôi và tất cả người dân Thái Lan đều mong muốn rằng Thai Airways một lần nữa sẽ trở thành hãng hàng không quốc gia, nơi từng là niềm tự hào của người Thái".
Trước khi nộp đơn xin phá sản, hãng hàng không Thai Airways đã có một khoảng thời gian kinh doanh bết bát, với những khoản lỗ ròng lên tới cả tỉ USD. Trong năm 2017, Thai Airways đã ghi nhận khoản lỗ trị giá 66 triệu USD, theo hồ sơ tại Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan. Các khoản lỗ vẫn tiếp tục tăng lên 361 triệu USD trong năm 2018 và 374 triệu USD năm 2019.
Báo cáo từ Thai PBS World hôm nay (17/5) cho thấy, Thai Airways đang có khoản nợ lên tới hơn 7,6 tỉ USD, trong đó 677 triệu USD sẽ buộc phải trả trong năm nay. Tuy nhiên, dòng tiền hiện có của hãng hàng không chỉ là 674 triệu USD.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020