Trong chính ngôi nhà cả chục tỉ đồng của mình tại khu đô thị lấn biển Đa Phước, hàng trăm hộ dân đang phải “đối mặt” với hàng loạt bất cập do ở “chui” vì không đảm bảo đảm điều kiện cư trú.
Hàng trăm hộ dân hiện đang phải ở "chui" trong dự án KĐT triệu đô lấn biển Đa Phước, TP Đà Nẵng.
Dự án khu đô thị lấn biển Đa Phước (Đà Nẵng) đang bị thanh tra nên quyền lợi người mua nhà cũng bị “treo”, không thể làm được các giấy tờ liên quan về đất đai cũng như quyền lợi của khách hàng đang bị bỏ ngỏ…
Thoải mái vào ở?
Được biết, KĐT lấn biển Đa Phước có diện tích 29 ha nằm trên phần địa giới giáp ranh giữa hai quận Hải Châu và Thanh Khê hiện có hàng trăm ngôi nhà đã được xây dựng xong. Dù chưa đảm bảo đảm điều kiện cư trú nhưng hai năm nay ở đây đã hình thành khu dân cư ở trái phép, thậm chí các hoạt động cho thuê lại nhà cũng diễn ra công khai ở đây.
Theo tìm hiểu của PV báo Diễn đàn Doanh nghiệp, KĐT Đa Phước được thiết kế khép kín có 7 dãy, chủ yếu là các dãy nhà 3 và 4 tầng nhà liền kề hiện khoảng hơn 100 hộ dân tới sinh sống.
Thực tế quan sát, do vẫn còn một số phân khu chưa hoàn thành xây dựng nên việc ra vào đây khá dễ dàng, các ngôi nhà được thiết kế ba tầng trong dãy nhà shophouse không tên (nhà liền kề có kết hợp buôn bán) theo sự hướng dẫn.
Ông L.T, người chỉ dẫn cho biết giá thuê nguyên căn là 700 USD/tháng. Khi PV đặt vấn đề về tính hợp pháp, sau khi thuê nhà vào ở có gặp rắc rối gì không thì ông T. nói “yên tâm”. Theo ông T. vì đây là khu vực khép kín, chưa bàn giao cho các cơ quan chức năng địa phương quản lý nên không ai có thể vào kiểm tra.
Theo ông B.R (một hộ dân sống ở KĐT lấn biển Đa Phước), các hộ dân ở đây mua nhà theo hình thức chìa khóa trao tay, sau khi nhận nhà người dân cứ thế vào ở. Tùy vào diện tích có giá khác nhau nhưng hiện nay giá thị trường mỗi căn ở đây không dưới 10 tỷ đồng.
“Hồi 2017 tôi mua căn nhà nay đã giá hơn 6 tỉ rồi. Đến tháng 3/2018 tôi đọc báo thì thấy thông tin toàn bộ dự án lấn biển Đa Phước bị thanh tra nên mọi thủ tục làm sổ đỏ, hộ khẩu bị ách lại. Thực tế các hộ dân ở đây cũng chẳng biết mình thuộc phường nào quản lý” - ông R. nói.
Bỏ ra số tiền gần chục tỷ đồng để mua, bà N.H., sống ở Block B2 khu đô thị lấn biển Đa Phước cho biết, hiện nay muốn làm các thủ tục hành chính đều phải thông qua ban quản lý dự án và hồ sơ tổng thể của dự án nên rất phiên phức. Nhiều người dân mong sớm ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để họ thuận lợi trong việc cầm cố, thế chấp khi vay vốn đầu tư.
Đề xuất trung ương tìm cách tháo gỡ
Dự án KĐT lấn biển Đa Phước được khởi công xây dựng vào năm 2016. Hiện tại KĐT lấn biển Đa Phước đã hình thành hàng chục dãy nhà liền kề với cả ngàn căn nhà đủ lối kiến trúc và phong cách. Trong đó diện tích và quy mô cũng rất phong phú, thấp nhất là nhà 3 tầng, thậm chí có nhà shophouse tới 5 tầng.
Tại đây đã hình thành quán xá buôn bán, cà phê phục vụ người dân sống trong đô thị. Ngoài ra, chủ đầu tư đã đổ cả vài ngàn tỉ đồng để xây dựng hoàng loạt khu chung cư cao tầng và hạ tầng kỹ thuật quanh KĐT.
Theo đó, Công ty TNHH phát triển nhà Đa Phước (chủ đầu tư dự án) đã ký kết rất nhiều hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán căn hộ, biệt thự với khách hàng. Tổng số tiền mà công ty thu của người dân khoảng 250 tỉ đồng.
Theo một lãnh đạo quận Thanh Khê cho biết: “Dự án KĐT lấn biển Đa Phước nằm trên địa bàn nhiều phường, nhiều quận lại mang yếu tố “lấn biển” nên phần địa giới chưa được xác định rõ ràng. Thêm nữa, do dự án khu đô thị lấn biển Đa Phước đang tiếp tục xây dựng, chưa hoàn thành nên chủ đầu tư chưa hề có thông báo đến cơ quan quản lý cư trú địa phương. Địa phận ranh giới không rõ ràng, dự án hiện đang vướng hàng loạt các thủ tục pháp lý, cán bộ địa phương không được phân trách nhiệm ở đây nhưng dự án có một phần xây dựng trên đất thuộc phường nên chúng tôi không thể quản lý khi có chuyện xảy ra”.
Tại cuộc đối thoại với cử tri do HDND TP Đà Nẵng tổ chức vừa qua, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện nhiều dự án ở Đà Nẵng đang rơi vào tình trạng “đóng băng”, không “nhúc nhích” được. Thậm chí có dự án làm xong rồi thì thủ tục tiếp theo để đưa vào mua bán, chuyển nhượng, vận hành dự án cũng không thể thực hiện được. Ví dụ như dự án khu đô thị Đa Phước đang rơi vào cảnh “đóng rêu, nằm yên tại chỗ”.
Các vấn đề đang bị thanh tra ở dự án KĐT Đa Phước xảy ra từ thời kỳ trước. Hiện nay TP Đà Nẵng phải tập trung tháo gỡ nhưng cũng phải chờ có kết luận của thanh tra mới có hướng giải quyết dứt điểm.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị đối với những vấn đề vượt tầm kiểm soát, Sở TN&MT cần phải báo cáo ngay để lãnh đạo TP báo cáo trung ương nhằm tìm kiếm giải pháp, chủ trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.