Ông chủ cà phê biệt động Sài Gòn: Không muốn lịch sử bị lãng quên!

Một người đàn ông 20 năm đi tìm và chuộc lại một số căn nhà biệt động thành từng ở, sưu tầm kỷ vật của lực lượng đặc biệt này, mở những quán cà phê - di tích để đưa lịch sử đến với nhiều người...
Ông chủ cà phê biệt động Sài Gòn: Không muốn lịch sử bị lãng quên! - Ảnh 1.

Anh Trần Vũ Bình - người tâm huyết mở chuỗi cà phê biệt động thành để đưa lịch sử đến với người trẻ. (Ảnh: MY LĂNG)

Anh là Trần Vũ Bình, con trai của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Năm Lai) - một thành viên của đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn dưới vỏ bọc là nhà tư sản Mai Hồng Quế. 

20 năm nay, anh kiên trì đi tìm lại những căn nhà ngày xưa cha mình từng ở để chuộc hoặc mua lại; âm thầm sưu tầm kỷ vật, đồ dùng của các chiến sĩ biệt động thành năm xưa với ý định mở chuỗi bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định kết hợp quán cà phê nhằm thu hút bạn trẻ đến với lịch sử.

"Không chỉ vì ba tôi"

Từ lòng ngưỡng mộ cha, 10 năm sau giải phóng, anh Bình đã nung nấu ý tưởng này. "Một thời kỳ sống động, sôi nổi, hào hùng với những con người hi sinh thầm lặng như vậy thì cần phải được giới thiệu để nhiều người biết. Tôi làm điều này không chỉ cho ba tôi mà còn làm cho cả đơn vị, để nhiều người biết đến lực lượng hình thành đặc biệt nhất ở Sài Gòn" - anh Vũ Bình nói.

20 năm nay, người đàn ông ấy đã chuộc hoặc mua được một số căn nhà cha anh từng ở và hoạt động ở quận 1, quận 3, quận Phú Nhuận... 

"Tôi cứ ước nếu mình có điều kiện sẽ mua và chuộc hết tất cả những căn nhà ba tôi từng ở. Tôi muốn làm cho thật trọn vẹn, không thiếu một cái nào. Cái hiếu với cha mẹ không thể nói thế nào là đủ. Vì công ơn của cha mẹ nuôi mình không cân đong đo đếm được nên muốn làm trọn vẹn những gì có thể" - anh Vũ Bình chia sẻ.

Quyết tâm mở quán cà phê bảo tàng Biệt động Sài Gòn ngay tại những căn nhà ngày xưa biệt động thành từng ở lại càng mạnh mẽ trong thâm tâm anh Vũ Bình vào năm 2018, khi kỷ niệm 50 năm sự kiện Mậu Thân 1968, con trai của người cán bộ biệt động thành sững sờ khi nghe nhiều người nói không biết lực lượng Biệt động Sài Gòn là gì, thậm chí không biết về sự kiện Tết Mậu Thân 1968!

"Người Sài Gòn mà không biết về biệt động thành! Còn mình biết mà không làm cho mọi người biết là có tội lớn với ông cha và con cháu mình. Nó sẽ trách: sao chú, sao ba cứ lo kiếm tiền làm giàu mà không lo làm cái gì cho lịch sử ông cha hết. Tôi không thể sống đến lúc ra đi mà không làm được cái gì ý nghĩa để lại cho đời. Sống như vậy nhạt nhẽo lắm!" - anh Bình nói.

Có những căn nhà tôi mua lại, chuộc lại không được công nhận là di tích lịch sử, mới được khoanh vùng để đó nhưng không quan trọng. Chỉ cần đó là di tích của từng người dân, từng thế hệ, là di tích trong lòng dân. Về lâu dài, tôi nghĩ mình sẽ hiến tặng cho Nhà nước thì mới giữ được cho muôn đời. Mình không thể sống cả đời, không thể tự mình giữ mãi được.

Anh TRẦN VŨ BÌNH

"Mình không làm thì ai làm"

Người ta hỏi sao căn nhà quận 1 hai mặt tiền đường, bề ngang 7-8m mà không xây khách sạn, cao ốc cho thuê? Anh bảo: "Tôi mở quán cà phê kết hợp gắn với lịch sử để minh chứng có một thời kỳ hào hùng như vậy, thời kỳ cha ông đã hi sinh không đòi hỏi, không cần đền đáp. Thì đến thời mình cũng nên như vậy, để truyền tải câu chuyện lịch sử đến lớp trẻ. Mình không làm thì ai làm".

Anh trăn trở: "Thế hệ trước dặn dò tôi phải gìn giữ nó. Mình làm được việc gìn giữ đó rồi nhưng những địa điểm có câu chuyện lịch sử thì phải cho nó sống, phải phát huy nó, chứ không phải gìn giữ là cứ giữ khư khư. Thế thì phải đầu tư cho nó, xin các hiện vật, phải làm cho nhiều người biết đến và thích đến thì địa điểm lịch sử đó mới sống mãi được".

Gom hết tiền đi chuộc nhà, mua nhà, mua hiện vật, rồi đi đêm đi hôm, mâu thuẫn gia đình trở thành thách thức lớn với người đàn ông ấy. 

"Có thời điểm suốt một năm, tôi đi làm xong là chạy qua căn nhà "di tích" làm đến 4-5h sáng mới về ngủ. Hiện vật mang về phải khui ra, sắp xếp lại, làm thuyết minh cho từng cái. Muốn biết mỗi hiện vật có câu chuyện gì thì phải đi gặp gỡ các nhân chứng xem hiện vật đó gắn với ai. Hình ảnh mang về phải làm thuyết minh. Tôi thức suốt đêm làm" - anh Vũ Bình phân trần.

Quán cà phê biệt động thành đầu tiên được anh khai trương ở số nhà 113A Đặng Dung (quận 1) - ngay tại di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn. 

"Trước giải phóng, ba tôi giao căn nhà đó cho vợ chồng bác Đỗ Miễn sử dụng. Vợ chồng bác Đỗ Miễn mở quán cà phê Đỗ Phủ và bán cơm tấm cho người Đại Hàn" - anh Vũ Bình kể. 

Bề ngoài, ông Đỗ Miễn cùng vợ kinh doanh ăn uống nhưng đó là bình phong hợp pháp để các giao liên đến quán chuyển thư vào các hộp thư bí mật. Trên lầu có hầm nổi chứa tiền, vàng, đôla, thuốc tây... để chuyển cho cách mạng. Hầm này sát vách nhà trung tướng chính quyền Sài Gòn Ngô Quang Trưởng!

Để tái hiện đúng không gian hoạt động của biệt động thành xưa, anh Vũ Bình phục dựng quán cà phê Đỗ Phủ và cơm tấm Đại Hàn xưa ở căn nhà số 113A Đặng Dung. Khách đến đây vừa uống cà phê, ăn thử món cơm tấm Đại Hàn hương vị Sài Gòn xưa, vừa tận mắt xem những vết tích của lực lượng biệt động thành huyền thoại. 

Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn ở Đặng Dung là địa chỉ mở đầu cho chuỗi cà phê - di tích về biệt động Sài Gòn sẽ được liên kết thành tour cho khách tham quan, tìm hiểu.

"Di tích lịch sử" không theo giờ hành chính

Chiếc xe đạp biệt động thành từng sử dụng được anh Vũ Bình sưu tầm và trưng bày trong quán cà phê trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM. (Ảnh: MY LĂNG)


Điều đặc biệt của những quán cà phê - di tích biệt động thành là mở cửa từ sáng đến đêm tối, không theo giờ hành chính.

"Giờ nghỉ, giờ rảnh người ta mới tham quan được. Giờ hành chính người lớn thì đi làm, trẻ con đi học, không đi tham quan được. Giờ ba mẹ được nghỉ làm thì bảo tàng, di tích lịch sử đóng cửa. Ban ngày nắng nôi, nóng nực, người ta đâu có thích đi. Đi buổi tối mát mẻ, dễ chịu thì không chỗ nào mở.

Mình đang cần đưa lịch sử đến với mọi người. Tại sao các di tích mình không mở 24/7, sắp tour, sắp giờ để người ta đến, nhất là thứ bảy, chủ nhật, ngoài giờ mát mẻ, người ta hào hứng, thích thú. Câu chuyện muốn truyền tải mà gò bó thời gian thì câu chuyện lịch sử đến được với ai, truyền tải được với ai?" - anh Vũ Bình bày tỏ quan điểm.

Anh kể: "Tôi thấy nhiều bạn trẻ đến đây buổi tối, ngày nghỉ. Mình để cho các bạn tự tìm hiểu về hầm bí mật, họ sẽ thấm hơn, không cần thuyết minh giới thiệu nữa. Mình truyền được câu chuyện lịch sử đến với lớp trẻ một cách tự nhiên mới hiệu quả. Họ về kể cho bạn bè, cha mẹ, rủ mọi người đến. Những câu chuyện về lịch sử từ đó cứ thế mà lan tỏa. Người ta đến nhiều lần chứ không phải một lần rồi thôi".

Để làm được điều đó, người đàn ông ấy hi sinh cả thời gian và tiền bạc cho tâm huyết và lý tưởng của mình. Có lúc anh tưởng mình không giữ được cuộc hôn nhân.

"Ngay cả người nhà còn không hiểu huống chi người ngoài. Từ khi bác Nguyễn Phú Trọng vô đây thăm quán cà phê biệt động thành trên đường Nguyễn Đình Chiểu rồi bạn bè trong và ngoài nước đến thăm nhiều thì gia đình mới hiểu, mới ủng hộ hoàn toàn" - anh Vũ Bình chia sẻ.

Hiện giờ, anh còn âm thầm làm những việc cần thiết để "trả lại tên cho những người có công".

"Tôi đã tìm thấy cả vali tài liệu ba tôi ghi hồ sơ về những người ba tôi cài cắm. Ba tôi làm giấy xác nhận công lao cho họ mà sau giải phóng không tìm thấy người để nhận. Giờ tôi tìm lại, đưa giấy tờ hồ sơ để con cháu họ được hưởng quyền lợi, không thì tội lỗi lắm. Không ai bắt tôi phải làm những việc này nhưng lương tâm mình không cho phép" - anh Bình nói.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.