Tags

ông công ông táo

Tìm theo ngày
Nguồn gốc và ý nghĩa của tục cúng ông Công ông Táo

Nguồn gốc và ý nghĩa của tục cúng ông Công ông Táo

Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mọi nhà đều sửa soạn, chuẩn bị một mâm cơm long trọng để cúng tiễn đưa ông Táo về chầu trời. Để hiểu rõ hơn về tục lệ này, hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của tục cúng ông Công ông Táo trong bài viết ngay sau đây.

Nguồn gốc của phong tục đưa ông Táo về trời

Tại Việt Nam, nguồn gốc về phong tục đưa ông Táo về trời được truyền miệng và ghi chép qua sách vở, do đó sẽ có những tình tiết khác nhau theo từng vùng, song nội dung chính vẫn được xoay quanh theo sự tích sau đây.

Câu chuyện về Táo Quân bắt nguồn từ một sự tích về đôi vợ chồng tên là Trọng Cao và Thị Nhi. Đôi vợ chồng này ăn ở với nhau đã lâu mà vẫn không có con nên sinh ra buồn phiền và hay cãi cọ nhau. Quá mệt mỏi với điều này, Thị Nhi đã bỏ nhà ra đi, sau đó đã gặp và nên duyên vợ chồng với Phạm Lang.

Về phía Trọng Cao, sau khi đã nguôi giận, anh cảm thấy vô cùng day dứt và ân hận nên đã lên đường tìm vợ. Trên đường đi, tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên anh đành phải làm kẻ ăn xin dọc đường.

Một ngày nọ, Trọng cao tình cờ xin ăn đúng nhà của Thị Nhi vào lúc Phạm Lang vắng nhà. Qua đây, hai người cũng nhanh chóng nhận ra nhau và Thị Nhi đã tỏ lòng ân hận vì lỡ trót lấy Phạm Lang làm chồng sau khi nghe Trọng Cao đã vất vả tìm mình.

Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về nhà. Vì sợ chồng nghi oan nên Thị Nhi đành giấu chồng cũ trong đống rơm sau vườn. Nhưng thật không may, khi vừa về đến nhà, Phạm Lang đã nổi lửa đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Và Trọng Cao không dám chui ra nên đã bị chết thiêu trong lửa rơm.

Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ nên không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để cứu vợ nhưng không kịp. Cuối cùng cả ba đều chết trong lửa lớn.

Linh hồn của ba vị được đưa về chầu trời. Và Ngọc Hoàng thương tình thấy cả ba người đều sống có tình nghĩa nên phong cho họ làm vua bếp, hay còn gọi là “Định phúc Táo Quân”. Trong đó, Phạm Lang là Thổ Công trông coi việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và Thị Nhi là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo quân lên chầu trời, báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của các gia đình. Vì vậy vào ngày này, các gia đình đều làm một mâm cơm đủ đầy và long trọng nhất để đưa tiễn Táo Quân chầu trời.

Ý nghĩa của tục đưa ông Táo về trời

Theo truyền thuyết, Táo quân là vị thần cai quản mọi hoạt động lớn, bé của gia đình. Theo đó, hằng ngày ông Táo sẽ ghi lại những điều tốt, cái xấu của từng thành viên trong nhà để bẩm tấu với Ngọc Hoàng mỗi khi về trời. Đây chính là cơ sở để Ngọc Hoàng khen thưởng hoặc xử phạt gia chủ với hành vi tương ứng.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của các vị Táo quân còn để định đoạt may, rủi, phúc họa và ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, bảo vệ và giữ gìn sự bình yên cho gia đình.

Chính vì thế, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, mọi nhà đều làm một mâm cúng long trọng để tiễn ông Táo về trời với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa trình với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi.

Đặc biệt trong mâm cơm cúng, người Việt thường chuẩn bị thêm cá chép (khoảng 2-3 con) đựng trong chậu nước. Sau khi cúng trong, người dân sẽ đem thả phóng sinh ở sông, hồ. Việc chuẩn bị cá chép mang ý nghĩa chuẩn bị phương tiện để ông Táo cưỡi về trời.

Ngoài ra, còn có ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.

Nên cúng ông Công, ông Táo vào giờ nào?

Theo quan niệm xưa, 23 tháng Chạp là lúc ông Táo bắt đầu khởi hành cưỡi cá chép để bay về trời. Vì vậy thời điểm thích hợp nhất để làm lễ tiễn đưa là vào tối 22 hoặc sáng mùng 23 tháng Chạp. Dù bận công việc gì, bạn cũng nên cố gắng hoàn thành trước 12 giờ ngày 23 để các Táo quân còn kịp lên đường.

Sau khi tiễn ông Táo về trời, các gia đình sẽ tiến hành dọn dẹp, lau rửa lại ban thờ, rút tỉa chân hương bát nhang để đảm bảo không gian thờ cúng thanh tịnh, sạch sẽ nhất cho ông Công, ông Táo trở về vào đêm 30.

Trên đây là những thông tin vô cùng hữu ích về nguồn gốc và ý nghĩa của tục lệ cúng ông Công ông Táo. Theo dõi trang Vietnammoi để có thêm nhiều kiến thức mới về kinh nghiệm cuộc sống cũng như tin tức bất động sản mới nhất.