Tối 12/5, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hội An, đã gọi điện cho PV Infonet bày tỏ những bức xúc trước thái độ của đoàn công tác Tổng cục Du lịch tại buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhằm giải quyết những kiến nghị của Hiệp hội này liên quan đến “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo ông Nguyễn Sự, để giữ được Sơn Trà thì lãnh đạo TP Đà Nẵng phải chính thức lên tiếng! (Ảnh: HC) |
PV Infonet cũng đã phỏng vấn ông Nguyễn Sự về giải pháp để Đà Nẵng có thể giữ được tối đa diện tích rừng Sơn Trà.
PV: Theo ông, sau những kiến nghị của Hiệp hội Du lịch và một số nhà khoa học thì bước tiếp theo Đà Nẵng nên làm gì để giữ lại tối đa diện tích rừng Sơn Trà?
Ông Nguyễn Sự: Theo tôi, nói một cách nghiêm túc, nếu chỉ một mình Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đứng ra thì không ổn. Hiệp hội là hội nghề nghiệp, họ có tiếng nói đấy nhưng chỉ mức độ nào đó thôi. Ở đây, người ra tay phải là lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Họ phải ngồi nghe lại, mời tất cả các chuyên gia trở lại, công bố công khai có tất cả bao nhiêu dự án ở Sơn Trà đã cho rồi, bao nhiêu dự án đã và đang xây dựng, bao nhiêu dự án có đất nhưng chưa xây dựng…
Công bố công khai cho người ta biết để họ hiến kế cho mình. Trước hết, mình nghe người ta nói cái đã. Và theo tôi, quan điểm ưu tiên số một là phải giữ cho được Sơn Trà. Dứt khoát đó là quan điểm không thể thay đổi.
Không thể để một nghìn mấy ha rừng trên Sơn Trà biến thành bê tông cốt thép được. Nhưng giữ bằng cách nào?
Theo tôi, cái gì người ta đã làm, đã xây dựng, đã hoạt động rồi thì phải chấp nhận cho họ chứ không thể phá được, vì phá ra không biết bao nhiêu là tiền của mà không giải quyết được vấn đề gì hết, vì rừng cũng đã phá rồi.
Vậy thì khoanh lại bao nhiêu dự án đã làm rồi. Còn bao nhiêu dự án đã cấp đất mà chưa làm thì nên dừng lại, không cấp đất nữa.
Dừng lại, mời người ta tới thỏa thuận. Nếu đã cấp dự án, ai rút thì rút, có gì thiệt hại trong quá trình đầu tư thì mình bồi thường vì nói gì thì nói, nhà nước cấp phép cho người ta mà. Còn lại nên động viên họ vì cái chung, rút về dưới đất liền, tìm chỗ nào đó cấp lại cho họ.
Theo tôi biết thì trên Sơn Trà có dự án gần 300ha nhưng hiện nay chưa xây dựng gì hết. Chỉ là đất đai thôi thì mình thỏa thuận với họ, tất nhiên vì cái chung họ phải chấp nhận chứ.
Hay khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, họ mới làm một phần thôi thì khoanh vùng phần họ đã làm, còn phần chưa làm thì thu hồi…
Làm cách đó, chí ít cũng lấy lại được 1.000ha của Sơn Trà. Giữ nguyên như ban đầu thì không được nhưng chí ít cũng lấy lại được 1.000ha, mà giữ được chừng đó diện tích rừng thì lớn biết bao nhiêu mà kể.
Đồng thời tổ chức lại du lịch Sơn Trà theo hướng hòa nhập, hòa đồng với tự nhiên, không nên xây dựng thêm bất cứ thứ gì trên đó.
Như vậy, không phải không có cách giải quyết bài toán đặt ra. Vấn đề là lãnh đạo Đà Nẵng phải nhất quán từ bên Đảng lẫn bên chính quyền.
Thực ra bây giờ nói lỗi về những gì đang diễn ra ở Sơn Trà là của các lãnh đạo đương nhiệm của TP là không đúng. Mình phải công bằng chỗ này chứ cứ đổ hết cho anh em hiện nay là không đúng.
Nhưng có một điều là trách nhiệm của họ phải giải quyết việc này, thấy không hợp lý thì phải giải quyết, chứ không phải vì ngại, không phải vì thế này thế kia mà không giải quyết. Như vậy là rất nguy hiểm, là nát Sơn Trà mà sau này họ sẽ trở thành tội đồ thiên cổ đấy!
Theo quan điểm của tôi thì hướng giải quyết là như vậy. Sở dĩ tôi nói điều này vì bây giờ tôi là người đã rời khỏi “rừng” rồi, đã đứng ngoài bìa rừng nên mình nhìn vào mình thấy rừng, còn anh em đương chức đang ở trong rừng nên có khi không thấy rừng mà chỉ thấy cây này to, cây kia nhỏ.
Tôi đã rời khỏi cuộc chơi này, đứng ngoài nhìn vào nên thấy rõ hơn. Tôi đã từng đi trong rừng rồi nên tôi biết và phân tích cho anh em đương nhiệm có thể nhìn nhận thêm.
PV: Tại văn bản số 3206 ngày 3/4, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao cho Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với UBND TP Đà Nẵng xem xét, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về Khu du lịch quốc gia Sơn Trà theo quy định; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo ông, trước những phản ứng của dư luận hiện nay thì TP Đà Nẵng nên ứng xử như thế nào?
Ông Nguyễn Sự: Tôi không biết trước khi Tổng cục Du lịch vào làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì họ hay Bộ VH-TT-DL có làm việc với lãnh đạo TP hay chưa.
Nhưng theo tôi, trước khi làm việc với Tổng cục Du lịch hay Bộ VH-TT-DL thì lãnh đạo Đà Nẵng nên mời các chuyên gia, các hội nghề nghiệp, các ngành lại để nghe người ta nói, như tôi đề cập hồi nãy.
Sau đó, lãnh đạo TP mời Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch vào làm việc dù họ chủ trì, nói rõ quan điểm của TP Đà Nẵng hiện nay và đề nghị họ điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Mặc dù quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt nhưng sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì phải xới tung quy hoạch đó lên lại, xem có còn hợp lý không, phù hợp không? Bất hợp lý chỗ nào? Cái gì cần để, cái gì cần bỏ, hoặc là phải bỏ hết cả cái quy hoạch đó… cho “ra ngô ra khoai” mới gọi là thực hiện ý kiến chỉ đạo vừa rồi của Thủ tướng.
Khi lãnh đạo Đà Nẵng chính thức lên tiếng thì tôi bảo đảm việc thay đổi quy hoạch khả thi tới 80%. Địa phương không đồng ý cái đó thì không làm được. Dù bộ ngành đồng ý nhưng địa phương thấy không được, dân tình không đồng thuận thì bộ cũng chịu.
Nên quan trọng bây giờ là chỗ địa phương, là tiếng nói của lãnh đạo TP Đà Nẵng, chứ Hiệp hội Du lịch chỉ mang tính nghề nghiệp, tham gia ý kiến với tính cách phản biện xã hội và nói lên lòng dân, lòng của mọi người đối với việc quy hoạch này. Tại sao anh không thèm nghe tiếng nói của dân?
PV: Có một điều rất lạ là trong khi Hiệp hội Du lịch, các nhà khoa học cũng như công luận lên tiếng sôi sục thì phía chính quyền TP Đà Nẵng lại gần như không có động thái gì đáng kể. Ông nghĩ gì về việc này?
Ông Nguyễn Sự: Đó cũng là vấn đề. Liệu có quan chức nào của Đà Nẵng đang có biệt thự trên Sơn Trà hay không?
Theo tôi biết thì hiện nay ở Sơn Trà có một số dự án đã được cấp đất nhưng chưa đụng đậy gì, chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư thì không việc gì chính quyền Đà Nẵng không làm việc được với họ để thu hồi. Nhà đầu tư chỉ tốn chi phí đất đai thì bây giờ mình đổi lại cho họ đất dưới này thôi.
Nếu quyết tâm thì vẫn làm được, vấn đề là đang “vướng” cái gì?
Tôi nghĩ bây giờ Đà Nẵng nêu đưa thẳng vấn đề này ra tập thể Ban Thường vụ để bàn cho ngã ngũ.
Nếu có vị quan chức hoặc cựu quan chức nào của Đà Nẵng có đất trên đó thì khuyến cáo họ chủ động rút đi, còn nếu cán bộ ở dưới có đất thì đền bù cho họ rút. Có như vậy thì mới giải quyết được vấn đề.
Hay nói cách khác, không phải không có cách để giải quyết chuyện Sơn Trà, vấn đề là quyết tâm của Đà Nẵng đến đâu, có để mình bị vướng víu gì hay không thôi!
PV: Xin cảm ơn ông đã dành cho Infonet cuộc trao đổi đầy tâm huyết này!
Được biết, chiều 12/5 (một ngày sau khi đoàn công tác của Tổng cục Du lịch làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và bị dư luận phản ứng mạnh mẽ), Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ này vào làm việc với UBND TP Đà Nẵng theo chương trình công tác của Bộ về tình hình văn hóa, thể thao, du lịch ở các địa phương. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị Bộ VH-TT-DL sớm có ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Tuy nhiên trong phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện không có bất cứ câu nào đề cập đến Sơn Trà, dù đây đang là vấn đề nổi cộm! |
Đà Nẵng chờ Thủ tướng chỉ đạo vụ 40 móng biệt thự ở Sơn Trà
Trả lời ý kiến cử tri quận Sơn Trà (Đà Nẵng) sáng nay 4/5, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà ... |