PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay ở nước ta; cũng như các biện pháp bổ sung, phòng ngừa.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia. |
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm có thể chia sẻ cho độc giả biết: vi chất dinh dưỡng là gì?
Vi chất dinh dưỡng là những chất dinh dưỡng mà chúng ta cần lượng nhỏ hàng ngày để cung cấp cho các hoạt động của cơ thể. Khi thiếu những vi chất này, dù lượng nhỏ nhưng cũng ảnh hưởng đến chức năng cũng như chuyển hóa của cơ thể. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, khi thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến hấp thu, chuyển hóa, sự phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Các đối tượng nguy cơ cao hay bị thiếu vi chất dinh dưỡng là trẻ em, phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, thời kỳ mãn kinh.
Vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...).
Vậy các loại vi chất dinh dưỡng thường có trong những thực phẩm nào?
Một thực phẩm có thể giàu chất này mà lại ít chất kia nên mỗi ngày chúng ta nên ăn 15-20 loại thực phẩm khác nhau để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Chẳng hạn như sắt thì có trong cả động vật và thực vật như thịt bò, các loại đậu. Kẽm có nhiều trong các loại hải sản, ngũ cốc..I-ốt có từ muối, các loại thức ăn ở biển như tảo biển, cá biển. Canxi có trong sữa, các chế phẩm từ sữa, tôm, cá nhỏ kho nhừ, quả chín như nước cam, quýt. Còn vitamin A có nhiều trong thức ăn động vật: thịt, cá trứng, sữa, rau có màu xanh thẫm, củ quả màu vàng. Vitamin D thì thực phẩm chỉ cung cấp từ 10-20%, để đủ vitamin D chúng ta phải tắm nắng, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mỗi ngày khoẳng 15-20 phút thì mới đủ vitamin D.
(Ảnh: WomanAdvice) |
Hiện nay, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở nước ta đang diễn ra như thế nào?
Viện Dinh dưỡng có điều tra về thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng bà mẹ trẻ em thì cho thấy rằng, tình trạng thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện nay là 27,8%; ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, lúc không mang thai là 25,5%, phụ nữ đang mang thai là 32,8%.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các vi chất khác mà chúng tôi quan tâm như: thiếu vitamin A tiền lâm sàng, hiện vẫn còn 13,2% ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc và phụ nữ mang thai một số khu vực lên tới 35%. Vấn đề thiếu kẽm cũng đáng quan tâm, ở các tỉnh nghèo tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ dưới 5 tuổi là 69%, đặc biệt là một số huyện khó khăn thì lên tới 80%.
Những nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy rằng, thiếu vitamin D hiện nay dao động xung quanh khoảng 50% ở trẻ em, học sinh và người trưởng thành. Hiện nay trong tổng điều tra dinh dưỡng báo động khẩu phần ăn của người Việt Nam mức canxi chỉ dao động quanh 50% phần khuyến nghị. Thậm chí, ở những vùng nông thôn lên tới 76% trẻ dưới 5 tuổi không đủ canxi trong khẩu phần ăn.
Bữa ăn của trẻ em vùng cao vẫn còn rất nghèo nàn, thiếu vi chất dinh dưỡng. (Ảnh: Petrotimes) |
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng là gì?
Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, trước hết là khẩu phần ăn không cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng theo nhu cầu khuyến nghị hằng ngày. Ví dụ 1 ngày các cháu phải có 12miligam sắt nhưng do các bà mẹ không biết cách chọn những thực phẩm giàu sắt nên chỉ cung cấp được 5-6miligam, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu sắt.
Nguyên nhân thứ 2 là tình trạng bệnh, một số cháu mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn làm tăng nhu cầu một số chất dinh dưỡng khiến cho cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng.
Một nguyên nhân nữa mà tôi nghĩ quan trọng đó là các cháu mắc một số bệnh ký sinh trùng. Những người bị thiếu máu, thiếu sắt thường xảy ra ở những vùng là nhiễm giun móc, giun đũa cao. Những vùng nông thôn thì trẻ nhiễm giun đũa lên tới 70-90%. Khi bị nhiễm giun đũa sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa, hấp thu và thiếu vitamin A.
Vậy các biểu hiện và hậu quả của việc thiếu vi chất dinh dưỡng là như thế nào thưa PGS.TS Nguyễn Thị Lâm?
Tùy từng đối tượng mà việc thiếu chất dinh dưỡng sẽ có những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Trước hết, thiếu Vitamin A ở giai đoạn sớm có thể bị quáng gà, đến giờ gà lên chuồng thì trẻ nhìn không rõ, thậm chí là nhìn nhầm bà mẹ.
Thiếu máu, thiếu sắt có biểu hiện da xanh, niêm mạc mắt mờ. Những người bị thiếu máu thường rất mệt mỏi. Ví dụ, các cháu học sinh bị thiếu máu thì hay đau đầu, ngủ gật trong khi học.
Khoảng 70% trẻ đến khám tư vấn ở Viện Dinh dưỡng thiếu vitamin D cấp hoặc mãn. Các cháu ngủ hay bị giật mình, ra mồ hôi trộm, răng mọc không đều, chậm biết vận động như: chậm biết nói, biết bò, biết đi, xỉn răng. Nếu không điều trị sớm, sau này sẽ diễn ra các biến chứng như chân vòng kiềng. Đặc biệt, thời gian gần đây, thiếu vitamin D còn liên quan đến một số bệnh ung thư, gia tăng mắc tiểu đường type 2.
Thiếu I-ốt ở bà mẹ mang thai thì dễ dẫn đến thai chết lưu, dị tật thai nhi, trẻ sinh ra bị đần độn. Vấn đề rất nghiêm trọng nếu chúng ta không phòng chống thiếu I-ốt sớm, đặc biệt là những bà mẹ mang thai.
Thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao và liên quan đến dẫn truyền thần kinh, nhiều khi cũng làm cho người thiếu canxi hay thoáng quên. Những người vận động nhiều thiếu canxi thì hay bị chuột rút.
Vậy cần phải làm gì để phòng, chống việc thiếu vi chất dinh dưỡng?
Giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm, phải đa dạng hóa bữa ăn, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày cho từng đối tượng.
Nếu trong bữa ăn chúng ta cung cấp không đủ thì phải sử dụng những thực phẩm bổ sung. Hiện nay, có rất nhiều thực phẩm được bổ sung vi chất dinh dưỡng, ví dụ như vitamin A vào đường, bổ sung vi chất dinh dưỡng vào bột mì, bột ăn dặm cho trẻ nhỏ...
Bên cạnh việc bổ sung bằng chế độ ăn, thực phẩm, bằng chính vi chất dinh dưỡng đó thì công tác truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng đóng một vai trò khá là quan trọng trong việc thực hành dinh dưỡng hàng ngày của người dân.
Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thị Lâm!
Cách phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng | |
Các vi chất dinh dưỡng giúp tăng chiều cao cho trẻ |