Cảnh rối loạn khi nhiều tài xế cho dừng xe phản đối ở Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh PHẠM HỮU |
Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, vấn đề mấu chốt của BOT Cai Lậy là đặt trạm sai vị trí, nếu không xử lý được vị trí trạm thì xung đột không bao giờ giải quyết được. “Bộ GTVT và nhà đầu tư loay hoay với chuyện miễn phí cho các phương tiện, rồi miễn giảm cho người dân địa phương sinh sống gần trạm, nhưng đó không phải là giải pháp. Vấn đề ở đâu phải xử lý ở đó, sai ở vị trí trạm thì phải di dời trạm”, ông Ánh nói.
Trả lời câu hỏi là trong trường hợp di dời trạm, phương án tài chính, quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được xử lý như thế nào? Theo chuyên gia này, hợp đồng BOT ràng buộc vị trí trạm, từ đó tính toán lưu lượng xe, mức phí và tổng thời gian thu hồi, hoàn vốn.
Nếu chuyển trạm ra vị trí khác, thì toàn bộ biến số của phương án tài chính ban đầu phải thay đổi, kéo theo hệ lụy thay đổi gần hết nội dung của hợp đồng. Nhưng điều này hoàn toàn có thể làm được.
BOT phải là hợp đồng 3 bên
Trên thực tế, mâu thuẫn trực tiếp tại BOT Cai Lậy xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích giữa đơn vị cung cấp dịch vụ là chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy và người thụ hưởng là giới tài xế. Cũng tương tự các dự án BOT khác, các doanh nghiệp vận tải và tài xế hoàn toàn không được lấy ý kiến, cũng như mù mờ các thông tin liên quan dự án.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), trong trường hợp BOT Cai Lậy và rất nhiều dự án BOT khác, Bộ GTVT chỉ lấy ý kiến của chính quyền, HĐND địa phương mà thiếu đi sự tham vấn với đối tượng quan trọng nhất là người thụ hưởng: chủ phương tiện.
“BOT phải là hợp đồng 3 bên, nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nhưng hiện nay mới chỉ là hợp đồng 2 bên giữa nhà nước - nhà đầu tư. Mâu thuẫn tại BOT Cai Lậy lẽ ra không phát sinh nếu cơ quan quản lý tham vấn trực tiếp những người sẽ trả phí. Việc gạt người dân sang một bên khiến tất cả mọi việc sau đó như đặt trạm, mức thu phí mang tính áp đặt thì khó lòng người dân đồng thuận được”, ông Đức nhìn nhận.
Duy trì điều khoản bảo mật là phi lý
Một cái sai nữa trong các dự án BOT, rộng hơn là các hợp đồng đối tác công tư PPP hiện nay là điều khoản bảo mật. Theo ông Đức, BOT về bản chất là hợp đồng dân sự, không thuộc danh mục thông tin bí mật nhà nước, vì thế việc duy trì điều khoản bảo mật là phi lý, cần được bãi bỏ.
Vì là hợp đồng bí mật, người dân không được tiếp cận với các hợp đồng BOT, đây là bất cập rất lớn.
Cũng theo ông Đức, việc định giá với các dự án BOT hiện nay chưa thỏa đáng. Kinh nghiệm thế giới, khi xây dựng một con đường mới, người lái xe được hưởng lợi bao nhiêu (tiết giảm chi phí xăng dầu, thời gian...), phần này sẽ được chia ra để tính mức phí. Trong đó, người lái xe được hưởng một phần, nhà đầu tư hưởng một phần, không được vượt quá.
“Anh chỉ rải nhựa mà thu mức phí quá cao, vượt rất nhiều lợi ích mà người dân thụ hưởng từ con đường mới, thì không ai có thể đồng ý”, ông Đức phân tích.
Thanh tra toàn diện để tìm ra các bất hợp lý
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Hà Nội, bức xúc của người dân và tài xế với dự án BOT Cai Lậy là đúng. Cơ quan quản lý là Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang phải đối thoại với dân để tìm ra giải pháp giảm bớt căng thẳng, bức xúc cơ bản của người dân hiện nay là vị trí trạm thì lại chưa có hướng xử lý.
“Cả nước không chỉ có trạm Cai Lậy mà có 7 trạm đặt không đúng vị trí. Nếu giải quyết không tốt sẽ tạo dư âm không tốt về đồng thuận trong xã hội”, ông Liên nhìn nhận. Đặc biệt, phải di dời Trạm BOT Cai Lậy hiện nay.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy qua các mốc thời gian. Ảnh: Phạm Hữu - đồ họa: Du Sơn |
Bộ Giao thông vận tải vừa phát đi thông cáo khẳng định đang tích cực phối hợp với Bộ Công an, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức thu phí tại trạm BOT Cai Lậy.
Theo ông Liên, giải quyết lợi ích cho người dân bây giờ mới là vấn đề quan trọng. Nhưng để giải quyết dứt điểm cho BOT Cai Lậy cũng như tháo ngòi cho các cuộc xung đột khác có thể xảy ra tại các dự án BOT, theo ông Liên, sau khi di dời trạm, cần một cuộc thanh tra toàn diện về dự án BOT này, để tìm ra bất hợp lý của dự án bắt nguồn từ đâu, cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Việc thanh tra toàn diện cũng để trả lời cho câu hỏi mà người dân muốn biết: Đằng sau việc đặt bút ký hợp đồng với các vấn đề bất hợp lý như thêm một hợp phần dự án (nâng cấp mặt đường QL1), đặt trạm tại vị trí thu cả 2 đường, áp mức phí cao... có lợi ích nào khác hay không?
Ý kiến Các tài xế có quyền khởi kiện Đề xuất Chính phủ bỏ tiền ra mua hay di dời Trạm BOT Cai Lậy theo tôi là không ổn, bởi tiền của Chính phủ cũng là tiền thuế của dân mà ra. Việc giải quyết hậu quả liên quan di dời trạm thu phí phải được thông qua con đường tòa án. Nếu như quyết định hành chính cho phép đặt trạm ở đó là sai, thì những người ra quyết định sai mà buộc phải di dời trạm đó sẽ phải bồi thường cho doanh nghiệp đặt trạm ở đó. Nếu doanh nghiệp cố tình làm sai thì phải chịu tổn thất cho việc di dời trạm đó. Trong sự việc này, cũng có nhiều ý kiến đặt ra là người dân, tức là các tài xế có thể đứng ra khởi kiện không, tôi cho rằng là họ có quyền, nhưng phải theo trình tự, mà trong đó, việc đầu tiên là giải quyết vướng mắc giữa nhà đầu tư với Chính phủ, và Bộ GTVT cơ quan đại diện thông qua con đường khởi kiện hành chính, sau đó mới tính đến chuyện bồi thường thiệt hại. Luật sư Hoàng Ngọc Giao (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật) Có gì mắc mớ đằng sau? Bản thân tôi từng lưu thông qua con đường và trạm thu phí này nhiều lần thì thấy có điều rất đơn giản mà ai cũng nhận thấy là đường tránh một chỗ, trạm thu phí đặt một chỗ, tức là bắt người ta trả tiền cho một thứ mà không có xài. Do đó, phương án ở đây rất đơn giản là dời trạm thu phí vào đường tránh, ai sử dụng thì người đó trả tiền, cho đến khi bảo đảm phương án tài chính, kể cả khoản tiền 300 tỉ đồng mà nhà đầu tư đã sử dụng để ‘‘tráng lại’’ QL1A. Trong sự việc này đang có một câu hỏi đặt ra là giải pháp đơn giản như vậy mà Bộ GTVT không làm được hay không muốn làm, tức là có cái gì mắc mớ ở đằng sau đó. Điều này cần phải được Chính phủ sớm vào cuộc làm rõ. Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN) Thái Sơn (ghi) |
Muôn chiêu đối phó của tài xế khiến BOT Cai Lậy liên tục 'thất thủ'
Sau 3 ngày trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại, nhiều tài xế đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau để đối phó với ... |