Phan Văn Anh Vũ: 'Hãy xử bị cáo bằng đúng pháp luật'

Vũ "nhôm" khẳng định số tiền 200 tỉ đồng là giao dịch dân sự với cá nhân ông Bình. Song, nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở Ngân hàng Đông Á cho rằng ông này biết đó là tiền thu khống.

Ông Trần Phương Bình thừa nhận "thu xếp" giúp Phan Văn Anh Vũ 200 tỉ đồng

Chiều 27/5, phiên xử ông Trần Phương Bình (60 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á - DAB), Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm", 44 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) cùng đồng phạm gây thất thoát hơn 3.600 tỉ đồng của DAB, bước sang phần xét hỏi.

Phan Văn Anh Vũ: Hãy xử bị cáo bằng đúng pháp luật - Ảnh 1.

Ông Trần Phương Bình tại tòa. (Ảnh: Bách Hợp).

Trước bục khai báo, ông Bình có phần tiều tụy hơn trước. Ông Bình khai năm 2014, DAB muốn tìm kiếm đối tác có tiềm năng để tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ. Vì quen với Vũ, nên ông mời tham gia làm cổ đông chiến lược, mua 600 tỉ đồng dự kiến tăng vốn. Theo đó, Công ty Bắc Nam 79 nắm 10% vốn của nhà băng mà ông đang là Tổng Giám đốc.

Theo lời ông Bình, Vũ đã xin thế chấp 220 lô đất để vay 600 tỉ đồng. Nhưng sau khi thẩm định, DAB chỉ đồng ý duyệt cho vay 400 tỉ.

"Bị cáo trao đổi với Vũ việc ngân hàng chỉ cho vay 400 tỉ đồng, còn thiếu 200 tỉ đồng bị cáo nói Vũ cố gắng tìm kiếm tài sản nào thêm", nguyên Tổng giám đốc DAB khai.

Phan Văn Anh Vũ: Hãy xử bị cáo bằng đúng pháp luật - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Bách Hợp).

Thế nhưng, Vũ cho biết không thể thu xếp, còn ông Bình lại quá nôn nóng thực hiện việc tăng vốn, nên gọi điện mời cựu Chủ tịch Công ty Bắc Nam 79 đến văn phòng làm việc.

Tại đây, ông Bình cho biết đã thu xếp giúp Vũ 200 tỉ đồng và nói với Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB) rằng Vũ sẽ là cổ đông mua 600 tỉ tăng vốn. Theo lời ông Bình, Vinh sau đó mang giấy tờ, hướng dẫn Vũ kí giấy nộp 200 tỉ.

Tuy nhiên, việc tăng vốn không thành công, DAB hoàn trả 600 tỉ đồng (gồm 200 tỉ đồng thu khống) cho Công ty Bắc Nam 79.

"Bị cáo tin 200 tỉ đồng là tiền của anh Bình"

Đến lượt mình, Vũ vẫn tỏ ra bình tĩnh. Hướng mắt lên HĐXX, cựu Chủ tịch Công ty Bắc Nam 79 cảm ơn tòa vì "cho phép bị cáo được quyền trình bày để thấy được nỗi oan".

Tương tự phiên sơ thẩm, Vũ một mực cho rằng giao dịch giữa bị cáo và ông Bình "hoàn toàn là dân sự mà lại bị truy tố ra tòa là hình sự". 

"Hãy xử bị cáo bằng đúng pháp luật, buộc tội bị cáo chứng cứ đúng pháp luật", Vũ rành rọt nói.

Phan Văn Anh Vũ: Hãy xử bị cáo bằng đúng pháp luật - Ảnh 3.

Phan Văn Anh Vũ trình bày trước HĐXX. (Ảnh: Bách Hợp).

Đồng thời, ông này xác nhận lời khai trước tòa của nguyên Tổng giám đốc DAB là đúng sự thật. Theo bị cáo, do bản thân và ông Bình có quan hệ tốt nên đã vay 200 tỉ đồng. Thế nhưng, đây không phải lần đầu tiên. Vì trước đó, khoảng năm 2012-2014, Vũ đã vay của ông Bình tổng cộng 13 triệu USD thông qua 9-10 lần giao dịch.

"Khi DAB phát hành tăng vốn, anh Bình mong muốn bị cáo và công ty của bị cáo trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng. Anh Bình muốn cùng với bị cáo tham gia điều hành DAB, bị cáo nhận lời ngay", Vũ khai.

Tuy nhiên, DAB chỉ đồng ý cho vay 400 tỉ đồng nên Vũ nói với ông Bình rằng "vậy em mua 400 tỉ đồng, năng lực em tới đó". Đối với 200 tỉ đồng còn lại, Vũ khai ông Bình nói "để đó anh thu xếp".

"Bị cáo ghi 200 tỉ đồng trên giấy nộp tiền vào tài khoản công ty bị cáo chứ hoàn toàn không nộp vào tài khoản DAB. Bị cáo tin rằng đây là tiền của anh Bình vì nếu là tiền DAB thì phải làm hợp đồng vay vốn. Chứ không đời nào tiền nhà nước mà đưa dễ như vậy, bị cáo hoàn toàn tin tưởng đó là tiền của anh Bình", Vũ trình bày.

Phan Văn Anh Vũ: Hãy xử bị cáo bằng đúng pháp luật - Ảnh 4.

Vũ bị áp giải sau phiên xử. (Ảnh: Bách Hợp).

Trả lời HĐXX rằng khi kí giấy nộp tiền có tiền mặt không, Vũ trả lời không thấy tiền mặt và cho rằng việc này hoàn toàn bình thường. Bởi "những lần vay mượn 13 triệu USD trước của anh Bình cũng vậy".

Vũ sau đó khai rằng không biết số tiền này ông Bình thu xếp như thế nào. Tuy nhiên, Nguyễn Đức Vinh cho rằng cựu Chủ tịch Công ty Bắc Nam 79 cũng biết việc ông Bình chỉ đạo thu khống.

Có mặt tại tòa, đại diện DAB giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và bổ sung thời hạn tính lãi. Theo đó, ngân hàng này đề nghị tính lãi 1.231 tỉ đồng đến thời điểm ban hành bản án sơ thẩm (20/12/2018).

Theo bản án sơ thẩm, cơ quan điều tra xác định ông Trần Phương Bình và đồng phạm đã thực hiện hàng loạt sai phạm trong 10 năm điều hành DAB, gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng của nhà băng.

Trong đó, quá trình tăng vốn điều lệ cho DAB vào năm 2014, ông Bình chuyển cho Phan Văn Anh Vũ hơn 200 tỉ đồng qua việc kí khống hồ sơ mua bán cổ phần nhằm giúp Chủ tịch công ty Bắc Nam 79 trở thành cổ đông lớn, nắm quyền chi phối nhà băng.

Ngoài ra, ông Bình còn dùng tiền của DAB mua giúp Vũ 13,4 triệu USD nhưng Vũ chưa trả lại.

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 12 năm ngoái, ông Bình bị tuyên phạt mức án chung thân về hai tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Vũ "nhôm" nhận 17 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp với bản án 8 năm tù TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó (đã có hiệu lực), bị cáo phải nhận 25 năm tù.

Các bị cáo khác lãnh 2 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) đến 30 năm tù.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.