Thiếu tướng Trần Sơn Hà trả lời phỏng vấn báo chí |
- Dịp lễ tết, số vụ TNGT thảm khốc vẫn còn nhiều, nguyên nhân do đâu, thưa Thiếu tướng?
- Ý thức của người tham gia giao thông đã có chuyển biến nhưng chưa thay đổi căn cơ. Bên cạnh đó, công tác quản lý GPLX hiện nay rất kém. Các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng chủ yếu do kỹ năng tay lái, đạo đức nghề nghiệp lái xe còn thấp. Hiện nay, có tình trạng lái xe nghiện ma túy, có tiền án tiền sự…hay ở Hòa Bình vừa qua, chúng tôi phát hiện có trường hợp bị tâm thần vẫn có GPLX... Do đó, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị siết chặt hoạt động đào tạo lái xe; yêu cầu phải đào tạo kỹ mới cấp bằng.
- Lực lượng CSGT sẽ có những biện pháp nào giảm thiểu TNGT, ùn tắc trong dịp Tết sắp tới, thưa Thiếu tướng?
- Bắt đầu từ Noel, lực lượng CSGT đã được triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an. Lực lượng CSGT Hà Nội và TP.HCM đã triển khai đồng bộ các phương án để hạn chế thấp nhất ùn ắc cuối năm, đảm bảo phục vụ nhân dân đi lại tốt nhất. Vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã công bố 11 số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân. Cục CSGT đã có đường dây nóng từ lâu để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin. Cuối năm, tần suất giao thông rất đông, ai cũng hối hả. Người dân nên bình tĩnh khi tham gia giao thông dịp cuối năm, không chen lấn để giảm ùn tắc, tai nạn.
- Từ 1-1-2018, theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi, người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng có thể bị phạt tù 7-15 năm, xin Thiếu tướng cho biết quan điểm về vấn đề này?
- Việc nhắc nhở, xử lý người đi bộ vi phạm các quy định về ATGT hiện còn gặp nhiều vướng mắc do người dân còn chưa nhận thức đúng về vấn đề này. Ngay cả trên đường cao tốc vẫn có người trèo qua dải phân cách cứng gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác. Thế nên, theo tôi, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, ai có sai phạm đều phải được xử lý dù là đi bộ hay lái ô tô.