Phát triển bền vững đô thị biển: Cần giải pháp đồng bộ

Các đô thị nói chung, đô thị biển nói riêng ở nước ta đang góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, từng vùng và cả nước. Quy hoạch, quản lý và phát triển hiệu quả các đô thị biển gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu là vấn đề cần quan tâm, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhiều lợi thế phát triển

Cả nước hiện có trên 40 đô thị có biển như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu), Rạch Giá, Phú Quốc (Kiên Giang)... Các đô thị, gồm cả đô thị biển đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng GDP quốc gia và ngày càng thể hiện tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15% , cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với tăng trưởng bình quân chung cả nước. Do vậy, phát triển đô thị là động lực phát triển của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập hiệu quả. Nhiều đô thị gắn với biển, đảo đã và đang vươn lên phát triển theo hướng làm rõ động lực kinh tế của từng đô thị như du lịch, khai thác dầu khí, khai thác, nuôi trồng thủy sản…

Đề cập các lợi thế phát triển kinh tế biển tại các địa phương; trong đó có đô thị biển, Phó Giáo sư Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, với hơn 3.200 km chiều dài bờ biển, có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hàng nghìn đảo, vịnh với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển.

Đặc thù  nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ôn hòa, nhất là các địa phương khu vực phía Nam, nắng ấm và mát mẻ quanh năm rất thuận lợi cho các hoạt động kinh tế biển đa dạng. Hệ sinh thái tự nhiên của các đô thị ven biển Việt Nam có độ chuyển tiếp của các hệ sinh thái tự nhiên từ núi xuống biển, có từng lớp kế tiếp nhau, hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi (có nhiều nơi núi cận biển), rừng ngập mặn, thềm lục địa, sinh thái đảo và bán đảo, sinh thái ngầm như san hô, cỏ biển, sinh thái vũng vịnh, sinh thái đại dương, hệ sinh thái cửa sông với biển... tạo nhiều nét riêng trong phát triển các ngành kinh tế biển.

 Một đoạn bờ biển Nhà Trang. (Ảnh tư liệu: Khải Ai).

Nhấn mạnh một trong những lợi thế phát triển của đô thị biển là lĩnh vực du lịch, theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu (Trường Đại học Việt Đức), đô thị biển có vị trí đặc biệt đối với phát triển ngành du lịch, có sức cạnh tranh cao, giúp nâng cao tính  hấp dẫn cho các trung tâm đô thị lớn ở lân cận, tác động tích cực tới kinh tế vùng và quốc gia.

Tài nguyên của các đô thị biển dựa trên nền tảng cảnh quan, đặc biệt là cảnh quan tự nhiên. Bên cạnh đó còn có các cảnh quan nhân tạo, nhất là các công trình và không gian di sản, hình thành nên hệ thống giá trị cốt lõi của đô thị biển với sự hòa hợp giữa tự nhiên và con người. Năng lực cạnh tranh của các đô thị biển vì vậy phụ thuộc vào khả năng bảo vệ cảnh quan đặc thù, phát triển các tiện ích và xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ.

Song hành các giải pháp

Xác định rõ tầm quan trọng của quy hoạch, phát triển đô thị, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022  về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, khẳng định đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm từ 65-70% GDP cả nước.

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp  quan trọng vào nền kinh tế đất nước. Đây được xem là những định hướng lớn, mở ra cơ hội, động lực phát triển cho các địa phương có biển, trong đó có các đô thị biển.

Dưới góc nhìn quy hoạch, kiến trúc, các chuyên gia nhận định, xu thế tất yếu trong tương lai, Việt Nam hướng tới mô hình đô thị biển sinh thái, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Vì vậy, quy hoạch đô thị ven biển cần đặt trọng tâm phục vụ con người; trong đó có sự cân bằng đảm bảo cho người dân bản địa và cả khách du lịch.

Cần lựa chọn và phân bổ quỹ đất hợp lý, hài hòa đối với các mục tiêu kinh tế; đảm bảo hệ thống không gian công cộng, bố trí nhiều quảng trường biển lớn, nhỏ cho đô thị. Cùng với đó, cần hạn chế bố trí các công trình mật độ quá dày đặc ven biển, tăng cường tỷ lệ cây xanh sinh thái cho đô thị ven biển, đặc biệt là dải cây xanh phòng hộ bảo vệ bờ biển. Các công trình giao thông và dịch vụ hậu cần cảng nên đảm bảo an toàn môi trường cho dân cư đô thị…

Cùng theo Phó Giáo sư Đỗ Tú Lan và Tiến sĩ Đào Ngọc Như (Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng), cần có thiết kế đô thị cho đô thị ven biển, đặc biệt là không gian trước biển. Các công trình kiến trúc trước biển cần có thiết kế phù hợp điều kiện khí hậu và có tính sáng tạo, ấn tượng, góp phần cho hình ảnh đặc trưng của đô thị.

Các nhà chuyên môn, nhà quản lý cần xác định các điểm nhấn công trình cho đô thị, đặc biệt là các không gian cửa ngõ, gần cảng biển, trung tâm quảng trường đảm bảo hiện đại và phù hợp với bản sắc địa phương hướng vào tiêu chuẩn công trình xanh và thông minh…

Quan tâm khía cạnh phát triển du lịch tại các đô thị biển, Phó Giáo sư Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển Việt Nam, thành viên Tổ chuyên gia tư vấn Quy hoạch quốc gia cho rằng, một trong những giai  pháp là cần có phương án lồng ghép kế hoạch ứng dụng công nghệ 4.0 trong kế hoạch phát triển của các đô thị du lịch biển để đảm bảo trong tương lai gần các đô thị du lịch nói chung và đô thị du lịch biển nói riêng ở Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh. Đây là yếu tố tạo nên tiện ích và tính hấp dẫn đối với khách du lịch, phù hợp với xu thế phát triển các điểm đến du lịch trên thế giới và khu vực.

Bên cạnh đó, cần chú trọng ứng dụng công nghệ khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế, tiết kiệm điện, nước, tái sử dụng chất thải trong dịch vụ du lịch. Đặc biệt, cần hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý chất thải từ du lịch để đảm bảo giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng. Đây sẽ là những giải pháp cụ thể đóng góp cho bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu ở các đô thị du lịch biển.

Cùng với đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững của một đô thị có tính chất chuyên ngành cao và có vị trí địa lý quan trọng đối với hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, cần chú trọng nâng cao năng lực quản lý đô thị của các cấp chính quyền.

Liên quan đến quy hoạch, định hướng phát triển, từ góc độ cụ thể của địa  phương có biển, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, xác định lợi thế phát triển kinh tế biển, vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Một trong những trụ cột phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính là lĩnh vực du lịch và đô thị, góp phần xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia...

chọn
[Infographic] 8 dự án sẽ đóng góp 1.700 ha quỹ đất công nghiệp cho TP HCM thời gian tới
Trong thời gian tới, nguồn cung mới đất công nghiệp của TP HCM dự kiến có khoảng 1.759 ha đến từ 8 dự án tại Bình Chánh, Nhà Bè và Củ Chi.