Khu phố mới phía bắc TP Nha Trang (Khánh Hòa). (Ảnh: VĂN THÀNH CHÂU)
Phát biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung (gồm 14 tỉnh, tính từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), được tổ chức tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) ngày 20-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Miền Trung vẫn còn nhiều tiềm năng của "rừng vàng - biển bạc" chưa được khai thác hiệu quả. Miền Trung phải "bám" biển, khai thác lợi thế hiếm có này để phát triển mạnh mẽ hơn nữa".
Các địa phương khu vực miền Trung cũng ủng hộ quan điểm lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm để quy hoạch phát triển, nhưng cho rằng Nhà nước cần phải làm "bà đỡ", có cơ chế đặc thù để khuyến khích và thúc đẩy các địa phương bám biển, phát triển kinh tế biển.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - bộ trưởng Bộ KH&ĐT - khẳng định với chiều dài 1.900km, biển miền Trung là tài nguyên quốc gia và là vùng đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển.
Do đó, theo ông Dũng, miền Trung phải trở thành khu vực phát triển năng động, phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phải trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
"Tập trung phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải...; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển..." - ông Dũng nhấn mạnh.
Để miền Trung cất cánh, theo ông Dũng, cần phải thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách.
Trong đó, phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch, trong đó lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm, đưa vào quy hoạch xây dựng đường ven biển, xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, xác định biển là trung tâm để tính toán quy hoạch.
Đặc biệt, phải rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
"Phải khẩn trương xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ" - ông Dũng yêu cầu.
Phát triển kinh tế biển được xác định là trọng tâm của miền Trung trong thời gian tới. Trong ảnh: ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa). (Ảnh: THÁI THỊNH)
Ủng hộ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nhưng ông Trần Hữu Thế - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho rằng để ngành này không "giẫm" lên ngành kia trong quy hoạch, Nhà nước cần làm "bà đỡ" cho nhiều ngành kinh tế biển.
Theo ông Thế, nuôi trồng thủy sản đang phát triển tự phát, nguy cơ ô nhiễm môi trường nhưng Nhà nước không có giải pháp thì ngành này "giết chết" du lịch biển. Ngoài ra, cần phải có chính sách tài chính và chính sách khác cho việc nuôi trồng thủy sản xa bờ, vừa hiệu quả cao, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo...
Ông Phan Việt Cường - bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - cũng khẳng định các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có lợi thế kinh tế khá tương đồng, tập trung số lượng hạ tầng cảng biển, sân bay nhiều nhất trong cả nước nhưng cơ chế phối hợp phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm chưa được tổ chức tốt nên chưa phát huy được lợi thế.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ ban hành các cơ chế và chính sách và các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực mà vùng miền Trung có tiềm năng, lợi thế lớn như: du lịch và dịch vụ biển; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; cảng biển gắn với logistics; ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao..." - ông Cường nói.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho rằng để kinh tế miền Trung, trong đó có kinh tế biển, phát triển mạnh, trung ương cần xem xét áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù tùy lợi thế của từng địa phương và của vùng.
Nhắc lại câu chuyện Bình Định "xé rào", vừa cho doanh nghiệp triển khai dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng vừa xin trung ương cho cơ chế hoàn thiện một số thủ tục còn thiếu, ông Dũng khẳng định nếu cứ theo khung quy định mà làm, đến nay dự án vẫn chưa xong.
Theo ông Dũng, một địa phương nhỏ thu hút được nhà đầu tư lớn rất khó, nếu không tạo cơ chế sẽ không thể biến một vùng cát trắng hoang vu thành một khu du lịch biển tầm cỡ. "Do vậy, để cất cánh, để khai thác hết tiềm năng "rừng vàng, biển bạc" thì miền Trung rất cần cơ chế, thể chế đặc thù" - ông Dũng nói.
Còn ông Đặng Việt Dũng - phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng - cho rằng bất cập hiện nay là địa phương nào cũng tập trung đầu tư thế mạnh về du lịch biển, dẫn đến các sản phẩm gần như tương đồng, rời rạc, thiếu hấp dẫn.
Do đó, theo ông Dũng, nên chăng cả khu vực miền Trung trở thành một điểm đến chung để khi xúc tiến đầu tư sẽ giảm chi phí nguồn lực nhưng lại quy tụ rất nhiều thế mạnh.
Phó thủ tướng thường trực TRƯƠNG HÒA BÌNH:
Phải loại bỏ tư duy cát cứ
Về quy hoạch công nghiệp vùng tổng thể, hiện tại ở mỗi tỉnh miền Trung đều có ít nhất một khu kinh tế, dẫn đến cạnh tranh nảy sinh tư duy cát cứ, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng các dự án đầu tư, từ đây có thể xảy ra các hệ lụy như ô nhiễm môi trường, khai thác quỹ đất kém hiệu quả, bất an về xã hội.
Do đó, vùng nên có kế hoạch liên kết vùng tổng thể, làm sao phát huy thế mạnh từng tỉnh, có cơ chế liên kết vùng hiệu quả, tránh cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế sức mạnh của nhau.
Ngoài ra, phải phòng chống tham nhũng. Chúng ta thực hiện các dự án thu hồi đất của dân rất lớn, nên chính sách đền bù giải tỏa hỗ trợ cho người dân phải đúng quy định pháp luật, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, chống móc ngoặc trục lợi chính sách.
Thể chế, chính sách chúng ta tiếp tục sửa đổi để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc hiện nay. Thể chế nào cản trở, chúng ta cần phát hiện, kiến nghị để sửa chữa.
Phó thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM:
Phải huy động các doanh nghiệp lớn đầu tư
Tôi rất đồng tình với ý kiến của lãnh đạo các địa phương, bây giờ chúng ta ngoài những cơ chế chính sách thông thoáng, phải tăng cường huy động các doanh nghiệp lớn đầu tư vào vùng.
Địa phương "trách" trung ương chậm, nhưng kinh nghiệm mà chúng ta đã đúc kết là trung ương không nên quy định quá cụ thể, cầm tay chỉ việc, chúng ta đừng tự trói mình bằng những quy định của pháp luật.
Cần có một cơ chế mà bây giờ trong cách mạng công nghiệp, những gì chưa cụ thể thì nên có cơ chế để thí điểm trên tinh thần giao trách nhiệm kèm theo quyền hạn để sau đó tổng kết lại rồi nhân rộng hoặc điều chỉnh.
TS TRẦN DU LỊCH (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trưởng Nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung):
Thủ tục đầu tư chậm 1 ngày, miền Trung nghèo thêm 1 năm
Với tiềm năng dư địa phát triển, đặc biệt khi thực hiện chiến lược kinh tế biển ở miền Trung bằng những chương trình cụ thể, tôi cho rằng việc tăng trưởng 9-10% của vùng này trong 15 năm tới không phải là điều không làm được.
Tài nguyên đánh bắt hữu hạn, vấn đề là phải khai thác, chế biến xây dựng chuỗi doanh nghiệp.
Lợi thế về cảng biển logistics, nếu như không phát triển công nghiệp thì cảng không có vai trò. Công nghiệp vùng này gắn với chuỗi giá trị, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương lập chung một chương trình, chứ tách ra không làm được.
Do đó tôi đề nghị chương trình phát triển công nghiệp chế biến, tiềm năng khai thác phải là chương trình tổng hợp của vùng thì mới triển khai.
Đặc biệt, phải có thể chế, cơ chế phù hợp. Tất cả những quy định, thể chế hiện nay chúng ta muốn đi nhanh cũng không được, muốn bước nhanh coi chừng té. Chúng ta tính xem bao nhiêu dự án đầu tư vùng này phải qua trung ương, mất bao nhiêu ngày?
Chúng ta làm thủ tục đầu tư chậm một ngày, vùng này tiếp tục nghèo thêm một năm. Nếu làm nhanh một ngày, vùng này sẽ thoát nghèo, nhanh giàu thêm một năm.
Ông PHÙNG XUÂN NHẠ (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT):
Sẽ tập trung đào tạo nhân lực cho kinh tế biển
Miền Trung hiện có 42 trường đại học, một con số không ít, nhưng quy mô năng lực tổ chức đào tạo, chất lượng đào tạo là chưa tương xứng. Do vậy, sắp tới bộ sẽ củng cố nâng cao chất lượng đào tạo, rà soát, cơ cấu lại theo hướng phát huy thế mạnh tập trung vào các ngành mà khu vực có nhu cầu.
Nguồn nhân lực cho kinh tế biển đang rất hạn chế. Ngư dân ra biển không có trình độ. Sắp tới việc đào tạo sẽ tăng cường trình độ khai thác, nuôi trồng, chế biến. Trường ĐH Nha Trang sẽ tham gia sâu vấn đề này.
Chúng tôi mong Bộ NN&PTNT tham gia cùng Bộ GD-ĐT trong vấn đề này để đào tạo nhân lực kinh tế biển bám sát nhu cầu, có chương trình dự án và sau đó có cơ chế.
Ông Trịnh Văn Chiến (bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa):
Nên tập trung ba nhóm ngành kinh tế chính
Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung với 100% các địa phương đều có biển, do đó cần phải coi vùng này là địa bàn trọng điểm để thực hiện chiến lược kinh tế biển. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm ngành kinh tế chính: ngư nghiệp (đánh bắt và chế biến hải sản); du lịch biển đảo (gắn với du lịch văn hóa, lịch sử) và khu kinh tế ven biển (gắn với ưu thế về cảng biển).
Thời gian tới, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương cần đưa các nội dung trên thành những chương trình quốc gia để tập trung phát triển và dành nguồn lực thỏa đáng để các địa phương có điều kiện thực hiện.
Đặc biệt, phải tăng cường lực lượng, phương tiện cho lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển nhằm bảo đảm quốc phòng - an ninh để ngư dân yên tâm, vượt sóng ra khơi đánh bắt hải sản, góp phần canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bờ biển dọc các tỉnh miền Trung có lợi thế lớn để phát triển kinh tế, du lịch, vận tải và đảm bảo quốc phòng - an ninh, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư. Do đó, các tỉnh ven biển miền Trung cần có quy chế tăng cường trao đổi thông tin về hoạt động đầu tư các dự án ven biển.
Ông Hồ Quốc Dũng (chủ tịch UBND tỉnh Bình Định):
Sớm lập quy hoạch vùng
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội đối với cả nước, vùng hiện có 4 khu kinh tế ven biển, 4 cảng nước sâu, 4 sân bay, rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp, logistics gắn với cảng biển và du lịch.
Tuy nhiên, so với các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang là "vùng trũng".
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung trong thời gian tới, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của khu vực, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo triển khai lập quy hoạch vùng theo Luật quy hoạch, trong đó làm rõ định hướng, phương án phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng duyên hải miền Trung gắn với Tây Nguyên, hành lang kinh tế Đông - Tây, phù hợp với các quy hoạch quốc gia.
Với gần 21 triệu dân, nhưng chưa có địa phương nào đảm đương được vai trò là trung tâm của cả vùng như các tỉnh phía Bắc và phía Nam.
Do đó, cần xác định phát triển miền Trung theo hướng đa trung tâm, gắn vị trí của từng địa phương trong mối liên kết ở khu vực với Tây Nguyên và các nước trong tiểu vùng sông Mekong (GMS) để định hướng quy hoạch tỉnh đảm bảo đồng bộ, gắn kết vùng và cả nước.