Người dân Đà Nẵng 'than thở' vì 3 ngày thiếu nước sinh hoạt

Từ ngày 18/8 đến sáng 21/8, việc cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP Đà Nẵng rất yếu, các quận ở xa không có nước khiến hàng trăm người dân than trời.

Từ trưa 18/8, nhiều người dân ngụ quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu phản ánh việc nước sinh hoạt chảy yếu, nhỏ giọt hoặc cúp hoàn toàn khiến cuộc sống đảo lộn.

Đây là lần thứ 4 từ đầu năm 2019 đến nay, người dân Đà Nẵng chịu cảnh thiếu nước trầm trọng.

thieu nuoc sinh hoat da nang

Người dân vặn hết vòi, hứng nước đêm khuya vẫn không có nổi một giọt. (Ảnh: Người dân cung cấp).

Theo người dân, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) có thông báo về việc nước yếu, việc cấp nước sẽ thiếu hụt. Tuy nhiên, theo người dân không nghĩ việc thiếu nước sẽ diễn ra liên tục 3 ngày, cúp hoàn toàn ở những quận xa. Nước cúp khiến người dân không có để nấu ăn, vệ sinh cá nhân.

"Khổ nhất là người già, trẻ nhỏ, thiếu nước cực khổ vô cùng. Vợ chồng tôi phải đi tắm nhờ nhà bạn có giếng bơm, chén bát ăn uống bỏ đống, vệ sinh không có nước dội...", anh Linh, người dân ngụ quận Ngũ Hành Sơn phản ánh.

Anh Tân Lê, một người dân khác phản ánh: "Đêm qua (20/8) tôi đã 4 lần dậy chờ bơm nước nhưng cả 4 lần đều vô vọng, không có một giọt nước (11h30; 2h30; 3h15 và 4h30).

Theo thông báo của Dawaco sẽ có nước từ 10h30-5h mà cả đêm không ngủ để chờ lấy nước uống, sinh hoạt trong ngày nhưng thất vọng.

Cả khu phố tôi ở Khu đô thị mới Nam Việt Á, phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) dân không nước nấu ăn đã qua ngày thứ 3 rồi. Đề nghị Dawaco có giải pháp cấp nước sớm nhất để người dân có nước dùng trong sinh hoạt, nhất là gia đình có con nhỏ".

Nắng nóng, nước sông tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn khiến Đà Nẵng thiếu nước

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho biết, do thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa thượng nguồn suy giảm lượng nước trên sông Vu Gia, sông Yên bị giảm nhiều, mực nước các hồ chứa cũng đều xuống thấp so với cùng kì những năm trước, dẫn đến nguồn nước sông tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.

Công ty đã vận hành hết công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch nhưng vẫn không đủ nguồn nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay hoạt động.

Vì thế áp lực và lưu lượng hệ thống cấp nước thành phố bị suy giảm dẫn đến một số khu vực xả ra tình trạng nước yếu nhất là những vùng ở xa và khu vực cuối nguồn so với nhà máy.

Người dân nên có biện pháp dự trữ và sử dụng nước tiết kiệm để chia sẻ nguồn nước với khu vực còn thiếu nước.

hung nuoc sinh hoat dem khuya

Người dân Đà Nẵng đi hứng nước đêm khuya do Dawaco cấp tạm bằng xe. (Ảnh người dân cung cấp).

Sở TN&MT TP Đà Nẵng báo cáo, so với cùng kì năm 2018 cho thấy tình trạng xâm nhập mặn trong năm 2019 tại cửa thu nước Cầu Đỏ diễn ra dài ngày hơn và xâm nhập mặn gay gắt hơn.

Độ mặn cao nhất ghi nhận được trong năm 2018 vào lúc 0h30 phút ngày 31/72018 là 1207 mg/l, trong khi đó độ mặn cao nhất trong năm 2019 tính đến ngày 17/8 ghi nhận được vào lúc 9h 30 phút ngày 2/7 là 4.411mg/l.

Trước tình hình cạn kiệt nguồn nước tại hồ chứa sông Bung 4 và dự báo trong thời gian đến lưu lượng nước về hồ Sông Bung 4 vẫn chưa được cải thiện, Công ty Thủy điện Sông Bung đã có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng xem xét cho phép hồ Sông Bung 4 vận hành cấp nước hạ du trong khả năng của tổ máy theo lưu lượng nước thực tế về hồ.

"Thời gian đến việc cấp nước cho TP Đà Nẵng các thời điểm nguồn nước mặt tại cửa thu nước Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn sẽ cực kì khó khăn vì nguồn nước tại hồ sông Bung 4 đã cạn kiệt nếu tình hình hạn hán, nắng nóng vẫn tiếp diễn và không có mưa trên lưu vực", Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.