Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, phát triển giao thông; trong đó, tiếp tục đầu tư, phát triển các hành lang kinh tế Đông – Tây như: Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng, Mỹ Thủy – La Lay, đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo ở tỉnh Quảng Trị.
Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 15D từ cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay dài 78 km, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2030 nhằm kết nối tỉnh Quảng Trị với tỉnh Salavan (Lào) và tỉnh Ubon Ratchanthani (Thái Lan); qua đó sẽ tạo thêm thành hành lang kinh tế kết nối Đông – Tây song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) tức Quốc lộ 9 hiện có.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, tỉnh đã đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 15D ưu tiên các đoạn tuyến gồm: Cảng biển Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1A dài gần 14 km; Quốc lộ 1A đến cao tốc đường bộ đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 8 km; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu quốc tế La Lay dài 12 km; cao tốc đường bộ Cam Lộ - La Sơn (đã hoàn thành ngày 31/12/2022) đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 34 km.
Tổng vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 15D khoảng 2.900 tỷ đồng. Ngoài vốn ngân sách, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 15D cũng đã nhận được sự quan tâm của các các doanh nghiệp, nhất là đoạn từ cao tốc đường bộ Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 34 km vốn đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng. Quốc lộ 15D được đầu tư xây dựng, nâng cấp sẽ hình thành hành lang kinh tế Đông – Tây nối cảng biển Mỹ Thủy với Cửa khẩu quốc tế La Lay.
Do đó cảng biển này vừa phục vụ các khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Trị, vừa chuyển tiếp hàng hóa quá cảnh từ Lào, Đông Bắc Thái Lan đi đến các nước khác và ngược lại. Cảng biển Mỹ Thủy đang được đầu tư xây dựng tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng vốn 14.200 tỷ đồng, quy mô 10 bến với diện tích 685 ha, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn. Trong đó giai đoạn 1 của dự án này đầu tư 4 bến cảng có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Cuối tháng 12/2022, tỉnh Quảng Trị đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác với tỉnh Salavan (Lào) giai đoạn 2023 – 2025; trong đó về lĩnh vực hợp tác đầu tư, thương mại hai bên thống nhất đảm bảo thực hiện thông suốt và thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cặp Cửa khẩu quốc tế La Lay – La Lay; phối hợp để nâng cấp cơ sở hạ tầng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ hai nước đồng ý chủ trương xây dựng Khu kinh tế biên giới La Lay – La Lay; đề xuất Chính phủ mỗi nước đồng ý chủ trương và phối hợp triển khai hành lang kinh tế kết nối tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Nam Lào và tỉnh Ubon Ratchanthani (Thái Lan) thông qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển nước sâu Mỹ Thủy trên tuyến Quốc lộ 15D.
Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) dài 1.450 km đi qua 4 quốc gia gồm: Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Tỉnh Quảng Trị ở điểm đầu EWEC về phía Việt Nam thông qua tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 9. Tuyến đường này dài trên 90 km từ cảng biển Cửa Việt đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, nên có vai trò rất quan trọng trong việc hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, Quốc lộ 9 đã xuống cấp và quá tải nên thường xuyên xảy ra mất an toàn giao thông.
Lái xe ô tô tải vận chuyển hàng hóa đã nhiều năm trên Quốc lộ 9, ông Nguyễn Văn Tý, 52 tuổi, phường 5, thành phố Đông Hà chia sẻ: Lưu lượng xe container và ô tô tải chở hàng hóa, xe ô tô khách đã tăng rất nhanh khiến Quốc lộ 9 vốn chỉ có 2 làn đường, nhiều đèo dốc quanh co trở nên quá tải, thường xuyên xảy ra va chạm gây ách tắc giao thông. Mùa mưa lũ trên tuyến đường này còn xảy ra nhiều điểm sạt lở, sụt lún khiến việc lưu thông của các phương tiện gặp khó khăn.
Để giảm tải cho Quốc lộ 9 và tăng kết nối vùng, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng đường bộ Việt Nam giai đoạn từ năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021. Tháng 4/2022, Chính phủ đồng ý đầu tư dự án này theo phương thức đối tác công tư (PPP) và giao cho UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền triển khai. Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dài 70 km chạy song song với Quốc lộ 9, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với tổng vốn đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Theo đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị, tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đã có doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu khảo sát và xuất đầu được tư.
Việc đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo được cho là rất cấp thiết, bởi thời gian tới cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Đensavan sẽ được xây dựng thành khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung. Trong thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet (Lào) giai đoạn 2023 – 2025, hai bên thống nhất tiếp tục phối hợp hoàn chỉnh Đề án xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan, trình cơ quan có thẩm quyền của hai nước cho phép thực hiện thí điểm để triển khai; đảm bảo thực hiện thông suốt và thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Đensavan.
Như vậy thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ có thêm 2 tuyến kết nối Đông – Tây gồm: Mỹ Thủy – La Lay (Quốc lộ 15D), cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, bên cạnh Quốc lộ 9 hiện có. Cả 3 tuyến đường này đều được kết nối với các tuyến đường huyết mạch trục Bắc - Nam gồm: Cao tốc đường bộ Bắc – Nam phía Đông, Quốc lộ 1A và đường ven biển. Trong giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Quảng Trị tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây với số vốn đầu tư 2.060 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 55 km đi qua các huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và TP Đông Hà. Dự án này không chỉ giúp Quảng Trị tăng kết nối với vùng ven biển các tỉnh khu vực miền Trung, mà còn kết nối với các hành lang kinh tế kết nối Đông – Tây hiện có và trong tương lai.
Đặc biệt, việc đầu tư, phát triển các hàng lang kinh tế Đông – Tây kết nối với đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ tạo đột phá kết nối giữa hai cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo với các cảng biển ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, thành phố Đà Nẵng – điểm cuối trên tuyến EWEC ở Việt Nam và ngược lại. Ngoài ra các tuyến Đông – Tây cũng kết nối trực tiếp với các cảng biển Cửa Việt, Mỹ Thủy. Các cảng biển này là cửa ngõ ra biển trên các tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây và được kỳ vọng đưa Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030.
Việc đầu tư, phát triển các hành lang kinh tế Đông – Tây cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương ở Quảng Trị phát triển, nhờ hưởng lợi về sự kết nối vùng và hạ tầng giao thông. Là địa phương có Quốc lộ 9, cao tốc đường bộ Bắc – Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn và Vạn Ninh - Cam Lộ, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đã và sẽ đi qua, huyện Cam Lộ rất kỳ vọng hạ tầng, kinh tế, dịch vụ sẽ bứt phá thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh chia sẻ: Địa phương có các tuyến giao thông huyết mạch theo trục Đông – Tây, Bắc – Nam đi qua nên thuận lợi cho việc kết nối vùng, thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, đô thị và du lịch dịch vụ. Hiểu được điều này nên người dân đồng thuận trong việc di dời tái định cư, để bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án giao thông quan trọng của tỉnh và quốc gia.