Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 177/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên; lệ phí cấp phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017 và thay thế Thông tư số 48/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên.
Ảnh minh họa - Nguồn: Lao Động Thủ Đô |
Mức thu phí, lệ phí được quy định như sau:
Phí thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (bao gồm: cấp mới, cấp đổi, cấp lại): 3.000.000 đồng/giấy phép.
Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (bao gồm: cấp mới, cấp đổi, cấp lại): 650.000 đồng/thẻ.
Lệ phí cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam:
- Cấp mới: 3.000.000 đồng/giấy phép.
- Cấp đổi, cấp lại, cấp gia hạn: 1.500.000 đồng/giấy phép.
Lệ phí cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên (bao gồm: cấp mới, cấp đổi, cấp lại): 200.000 đồng/giấy.
Kê khai, nộp phí, lệ phí của tổ chức thu
Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.
Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được theo tháng, quyết toán theo năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19 và khoản 2 Điều 26 của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.
Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện nộp số tiền phí thu được theo tỷ lệ quy định tại Điều 6 Thông tư này và nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước.
Quản lý và sử dụng phí
Đối với phí thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế:
Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định.
Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, được để lại tiền phí thu được để trang trải chi phí phục vụ thẩm định, thu phí như sau:
Tổng cục Du lịch được để lại 60% tổng số tiền phí thu được; trích chuyển 30% tổng số tiền phí thu được cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Du lịch và nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Tổng cục Du lịch và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở du lịch quản lý và sử dụng số tiền phí thu được theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí. Trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, bao gồm cả: Chi thiết lập phần mềm quản lý, thiết lập hệ thống mạng, thuê máy chủ và duy trì hệ thống mạng phục vụ công tác cấp giấy phép kinh doanh lữ hành; tập huấn nghiệp vụ kinh doanh lữ hành.
Đối với phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch:
Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định.
Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, được để lại tiền phí thu được để trang trải chi phí phục vụ thẩm định, thu phí; như sau:
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Du lịch được để lại 50% tổng số tiền phí thu được; trích chuyển 40% tổng số tiền phí thu được cho Tổng cục Du lịch và nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước.
- Tổng cục Du lịch và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở du lịch quản lý và sử dụng số tiền phí thu được theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí. Trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, bao gồm cả: Chi thiết lập phần mềm quản lý, thiết lập hệ thống mạng, thuê máy chủ và duy trì hệ thống mạng phục vụ công tác cấp giấy phép cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; Tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch.
Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn in, phát hành, quản lý và sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. |
Luật gia Đồng Xuân Thuận