Phía sau HCV Paralympic 2016 (P3): Người thầy của nhà vô địch

 
Nhắc đến những bước đường thành công của “vua” giải thưởng Lê Văn Công không thể không nhắc đến vị huấn luyện viên (HLV) tài ba, tâm lý và rất tình cảm: thầy Nguyễn Hồng Phúc.
 
phia sau hcv paralympic 2016 p3 nguoi thay tai ba tam ly Phía sau HCV Paralympic 2016 (P1): Tuổi thơ khốn khó của 'người hùng' đô cử Lê Văn Công
phia sau hcv paralympic 2016 p3 nguoi thay tai ba tam ly Phía sau HCV Paralympic 2016 (P2): Người phụ nữ thầm lặng sau nhà vô địch

Điểm tựa “đầu tiên”

phia sau hcv paralympic 2016 p3 nguoi thay tai ba tam ly
Thầy Phúc, đô cử Lê Văn Công và đối thủ.

Năm 2005, đô cử Lê Văn Công đến với cử tạ như một sự tình cờ. Cũng như với bao người khuyết tật (NKT) khác, thầy Nguyễn Hồng Phúc khi ấy đang là HLV câu lạc bộ cử tạ tại TT VH-TT quận Tân Bình, chỉ muốn giúp Công rèn luyện sức khỏe và hòa nhập xã hội tốt hơn qua thể dục thể thao.

Chỉ sau ít ngày tập luyện, vị HLV dạn dày đã nhận thấy ý chí bản thân muốn tự lập, phấn đấu vượt qua nghịch cảnh vô cùng lớn nơi Công. Âm thầm theo dõi và đưa Công đi kiểm tra sức khỏe, thầy Phúc phát hiện nơi cậu học trò có nhiều điểm thú vị. “Công có cánh tay quá dài không phù hợp với môn cử tạ nhưng tố chất sức mạnh của cậu ấy rất lớn. Công may mắn có xương sống thẳng, khỏe hơn nhiều VĐV khuyết tật khác nhưng chân và mông lại quá nhỏ nên khi nâng tạ khó giữ cân bằng”, HLV Nguyễn Hồng Phúc cho hay.

Trước sự quyết tâm của Công, thầy Phúc đã soạn riêng một giáo án phù hợp với thể trạng cho riêng anh. Bởi theo thầy Phúc, mỗi VĐV đều có một sự phát triển và tố chất khác nhau, riêng VĐV khuyết tật thì sự khác biệt này càng rõ ràng hơn như ở khuyết tật bẩm sinh hay tai nạn. Và cũng trong mỗi người khuyết tật cơ thể lại có nhiều biến đổi theo sự vận động, chế độ dinh dưỡng và môi trường sống của họ nên cần phải có những bài tập riêng để phát triển nhóm cơ, cách nâng đẩy cho từng trường hợp.

phia sau hcv paralympic 2016 p3 nguoi thay tai ba tam ly
HLV Nguyễn Hồng Phúc

“Tuy Công có nhiều điểm không hợp với cử tạ nhưng sức mạnh bẩm sinh của cậu ấy vô cùng lớn nên đã bắt nhịp nhanh với mọi người. Hơn hết Công không bao giờ bỏ giáo án và luôn tin tưởng vào những bài tập tôi trao. Có lẽ nhờ vậy mà chỉ khoảng gần 4 năm tập luyện Công đã có thể tranh huy chương ở khu vực Đông Nam Á thay vì mất từ 5-7 như những VĐV khác”, thầy Phúc lý giải.

Đối với NKT sự mặc cảm là thứ rào cản lớn nhất của họ khi đến với bất cứ lãnh vực nào. Nhận ra điều ấy, thầy Phúc luôn hòa đồng, cởi mở để làm bạn của họ trước khi hướng dẫn chỉ bảo. Đôi khi vị HLV này còn phải đi xin việc, thuê nhà và giải quyết nhiều vấn đề khác cho những học trò “đặc biệt” của mình. Và có lẽ, chính sự tận tình, chu đáo của thầy Phúc mà thành tích của Công ngày một cao hơn, từ những giải đấu trong nước Công bước ra khu vực rồi ra thế giới tranh chấp huy chương với các đối thủ. “Thầy luôn đối tốt với mọi người, hướng dẫn cụ thể từng bài tập và sẵn sàng giúp đỡ những NKT khi họ cần. Anh em trong đội ai cũng quí thầy”, đô cử người Nghệ An khẳng định.

Người anh tâm lý

phia sau hcv paralympic 2016 p3 nguoi thay tai ba tam ly
Thầy Phúc luôn đồng hành cùng học trò trong mọi hoàn cảnh.

Ngày Công bị tai nạn làm đứt dây chằng cánh tay, anh gần như buông xuôi, định về quê sinh sống vì cuộc sống tại Sài Gòn quá đắt đỏ trong khi anh và con trai nhỏ lúc ấy chỉ dựa vào vợ với đồng lương công nhân may còm cỏi. Cũng lúc ấy, chính thầy Phúc đã đến với Công, động viên và tìm hướng hỗ trợ để Công sớm trở về với cử tạ. “Lúc mình cảm thấy cuộc đời bế tắc thầy chỉ nói: em đã quyết tâm rời quê lập nghiệp, giờ mà về quê coi như không làm được gì, nhưng nếu em vẫn muốn tiến lên phía trước, thầy hứa sẽ nghiên cứu phương pháp chữa trị cho em. Nhờ những lời nói ấy mà Công đã ở lại và có được như ngày hôm nay”, đô cử phá kỷ lục Paralympic nhớ lại.

Ngày ấy, thầy Phúc nghiên cứu nhiều nguồn tài liệu để có hướng chữa trị tích cực nhất, rồi ngược xuôi lên Trung tâm chấn thương chỉnh hình để hỏi bạn bè thêm về trường hợp của Công. Nhưng ít ai biết rằng, trong giai đoạn Công đang chấn thương, HLV Nguyễn Hồng Phúc vẫn mạnh dạn điền tên anh vào đề án trình lãnh đạo với nội dung đoàn Việt Nam sẽ dành huy chương tại Paralympic 2016.

Rồi niềm tin và những phương pháp thầy Phúc hướng dẫn đã giúp Công dần hồi phục và trở lại mạnh mẽ hơn. Bằng chứng là những chiếc HCV các giải châu Á, rồi HCV thế giới và mới nhất là HCV Paralympic 2016 với mức tạ 183kg đã xô đổ mọi kỷ lục. “Trước giải Công bị trúng gió, khi thi đấu thì đối thủ đang rất hưng phấn nên có phần hơi lo. Lúc đó, thầy Phúc đã nói Công cứ cố gắng hết sức để có tiền mua sữa cho con, còn chuyện có hay không có huy chương để thầy lo. Câu nói đó như tiếp thêm sức mạnh cho tôi”, chàng đô cử cho biết.

Nói về thành công của học trò, thầy Phúc chia sẻ: “Việc Công phá kỷ lục Paralympic hay những anh em khác đạt thành tích cao đã giúp tôi nhìn lại cuộc đời mình để biết mình đang đi đúng những điều mình hoạch định và không bỏ lỡ thời gian 4 năm theo học để nghiên cứu những bài tập, phương pháp mới giúp các VĐV khuyết tật tập luyện tốt hơn”.

phia sau hcv paralympic 2016 p3 nguoi thay tai ba tam ly
HLV Nguyễn Hồng Phúc vừa là thầy vừa là bạn của anh chị em khuyết tật

Rồi khi đô cử Lê Văn Công có được chút tiền thưởng sau những giải đấu, chính thầy Phúc đã khuyên anh tích lũy để lo cho gia đình. Nghe lời thầy Công gom được hơn trăm triệu mua miếng đất nhỏ dưới Long An rồi thầy Phúc cho anh mượn thêm một ít để xây nhà. “Thầy không chỉ giúp Công trong tập luyện, mua nhà mà ngay cả khi cưới vợ thầy cũng ủng hộ nhiều. Đối với Công thầy là một người cực kỳ quan trọng trong cuộc đời này”, nhà vô địch bày tỏ.

Dù học trò có thành công, thăng tiến nhưng với HLV Nguyễn Hồng Phúc những điều ấy xuất phát từ việc khao khát người khuyết tật được hội nhập với xã hội và qua thể thao họ tự khẳng định mình. “Chưa bao giờ tôi mong có người kế thừa Công vì tôi mong rằng xã hội sẽ không có người khuyết tật. Điều tôi mong mỏi nhất không phải là những tấm huy chương mà là việc các em đã vào đời như thế nào và nguồn cảm hứng các em đã truyền cho những anh em khuyết tật khác như thế nào”, thầy Phúc khẳng khái.

Từ những HCV của Công ở những đấu trường, nhiều anh chị em khuyết tật khác đã xin đăng ký tập luyện thể thao. Có người đã nó huy chương và cũng có người thất bại nhưng tựu trung những anh chị em khuyết tật đang hòa nhập với cộng đồng cách tích cực nhất và đó cũng là điều thầy Phúc mong mỏi nhất.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.