Phó Chủ tịch nước tiếp các nhà giáo tiêu biểu

Nhân kỷ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2016), sáng 18/11, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp 153 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu xuất sắc trên cả nước về Hà Nội dự chương trình Tôn vinh nhà giáo tiêu biểu.

Đây là những tấm gương về công tác quản lý, giáo dục và đào tạo được bình chọn từ 63 Sở Giáo dục – Đào tạo và gần 30 đơn vị là các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo. Các thầy cô giáo là những tấm gương tiêu biểu đã tận tâm, tận lực, vượt lên mọi khó khăn của đời sống thường ngày; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước dân, trước Đảng về nhiệm vụ giáo dục, góp phần làm nên thành quả của một nền giáo dục Việt Nam đang nhiều khởi sắc trong điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Bày tỏ vui mừng được gặp mặt các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục tiêu biểu đại diện cho hơn 1 triệu giáo viên của 63 tỉnh, thành và các trường đại học, Phó Chủ tịch nước gửi tới các thầy, cô giáo lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Cảm ơn, tri ân các thầy, cô giáo, những người đóng góp vào sự nghiệp trồng người, đặc biệt là những nhà giáo về dự chương trình Tôn vinh nhà giáo tiêu biểu, Phó Chủ tịch nước chúc ngành Giáo dục – Đào tạo thực hiện thành công Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam.

pho chu tich nuoc tiep cac nha giao tieu bieu
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với các đại biểu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành trong thời gian qua, hệ thống giáo dục đã được phát triển toàn diện, cả nước đã phổ cập tiểu học, nhiều địa phương đã phổ cập trung học cơ sở và đi đến phổ cập trung học phổ thông, tỷ lệ học đại học, cao đẳng là 200 sinh viên/1 vạn dân, Phó Chủ tịch nước cho rằng đây là công lao của các thầy, cô - những người đã gieo mầm tri thức.

Khẳng định Bác Hồ rất quan tâm đến chấn hưng giáo dục, chấn hưng văn hóa, diệt giặc dốt; mong muốn của xã hội hiện nay là phát triển ngành Giáo dục bền vững hơn, đạt được mục tiêu của Nghị quyết 29, Phó Chủ tịch nước cho rằng một vấn đề rất bức xúc hiện nay là vấn đề văn hóa, đạo đức. Nhà trường là nơi hình thành, phát triển văn hóa, nhân cách con người Việt Nam. Đây cũng là trách nhiệm của xã hội, của mỗi gia đình, song, mọi kỳ vọng, trách nhiệm đều được đặt trên vai nhà trường. Với 25% dân số cả nước là học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, trọng trách trên vai các thầy, cô là nặng nề và vinh quang.

Nêu rõ nghề nhà giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, Phó Chủ tịch nước cho biết Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, ưu tiên cho giáo dục. Hàng năm, hơn 20% ngân sách nhà nước được chi cho sự nghiệp giáo dục, vì thế, hệ thống trường lớp đã có sự trang bị tương đối tốt. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế ở một số nơi, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, đầu tư cho giáo dục còn chưa thỏa đáng, Phó Chủ tịch nước mong muốn các nhà giáo chia sẻ với những khó khăn này.

Trước thực trạng dư luận lên tiếng về việc văn hóa xuống cấp, đạo đức mai một, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gửi lời nhắn nhủ của nguyên Phó Chủ tịch nước nước Nguyễn Thị Bình, bên cạnh việc dạy chữ, dạy nghề đã thực hiện khá tốt, ngành Giáo dục chú trọng hơn nữa đến dạy làm người, dạy văn hóa, đạo đức. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình mong muốn các nhà giáo trang bị và dạy những kiến thức về chuyên môn, về nghề, đặc biệt là kiến thức về giáo dục công dân.

Tổng kết 11 hệ giá trị, trong đó đầu tiên là yêu nước; yêu hòa bình; yêu lao động; yêu thiên nhiên; lòng nhân ái, sẻ chia, đoàn kết; ý thức tự chủ; trung thực; ý thức trách nhiệm, tính tự giác; ý thức tập thể; ham hiểu biết, ham học hỏi, tự tư duy, sáng tạo; ý thức thượng tôn pháp luật, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong các nhà giáo luôn nhắc nhở, truyền bá đến học sinh, sinh viên các hệ giá trị này.

Thay mặt Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã trao tặng các nhà giáo lẵng hoa nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.